Định giá hấp dẫn sẽ 'hút' dòng tiền khối ngoại trở lại thị trường chứng khoán?
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), qua 6 tháng đầu năm, các giải pháp chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng ổn định, an toàn, minh bạch và thanh khoản được duy trì cao.
Tính đến cuối tháng 6, VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm trước. Giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường cổ phiếu trong 6 tháng đạt 24.598 tỷ đồng/phiên (tăng 39,9% so với bình quân năm trước). Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tại ngày 28/6 đạt hơn 7 triệu tỷ đồng (tăng 19% so với cuối năm trước), tương đương 69,1% GDP (ước tính năm 2023).
Tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 8 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. |
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng cho thấy, tháng 6 vừa qua, nhà đầu tư trong nước đã mở thêm 106.580 tài khoản, thấp hơn 25.000 tài khoản so với mức tăng của tháng 5.
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 6 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 106.417 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức chỉ mở thêm 163 tài khoản.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 750.000 tài khoản. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 8 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,98 triệu tài khoản, tương đương 8% dân số.
Nhà đầu tư cá nhân là lực lượng chính "cân" chỉ số trong tháng 6 giữa bối cảnh nhà đầu tư tổ chức lẫn khối ngoại bán ròng mạnh.
Cụ thể, trong khi khối ngoại bán ròng 16.591,8 tỷ đồng thì nhà đầu tư cá nhân mua ròng 15.582,35 tỷ đồng. Khối tự doanh các công ty chứng khoán mua ròng 1.740,45 tỷ đồng nhưng tại phương thức khớp lệnh, khối tự doanh vẫn bán ròng 66,4 tỷ đồng. Tổ chức trong nước bán ròng 730,98 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thậm chí giá trị bán ròng lên tới 1.292,5 tỷ đồng.
Nhận định thị trường 6 tháng cuối năm, các công ty chứng khoán cho rằng, mức định giá hấp dẫn, khối ngoại trở lại là lực đẩy giúp chứng khoán những tháng cuối năm tích cực, trong khi một số chuyên gia lo ngại tỷ giá và lạm phát có thể cản bước thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nhận xét, từ vĩ mô cho tới các yếu tố nội tại của thị trường đều cho thấy khả năng chứng khoán tích cực hơn trong nửa cuối năm.
"Khi áp lực tỷ giá giảm bớt và tương quan định giá trở nên hấp dẫn, dòng tiền của khối ngoại có thể trở lại", Giám đốc phân tích của Yuanta nêu.
Trong khi đó, nhóm phân tích của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, triển vọng tăng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và dòng tiền trở lại kênh đầu tư chứng khoán sẽ là điểm tựa cho thị trường. Lợi nhuận toàn thị trường năm nay theo ước tính của PHS dự kiến tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Cơn sốt thị trường vàng có dấu hiệu hạ nhiệt, kênh đầu tư khác như bất động sản chưa phục hồi rõ nét. Do đó, dòng tiền sẽ có xu hướng chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán trong tương lai để tìm kiếm lợi nhuận", nhóm phân tích PHS đánh giá. Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng TTCK được dự báo là mối quan tâm hàng đầu để thu hút vốn ngoại quay trở lại.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm, trong đó có sự nỗ lực của các đơn vị thuộc và trực thuộc UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán và VSDC trong công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng ổn định, an toàn của TTCK.
Chủ tịch UBCKNN đồng thời đề nghị các đơn vị của UBCKNN và các Sở GDCK, VSD tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, phối hợp hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán. Theo đó, các đơn vị cần bám sát kế hoạch, giải pháp đã đề ra để triển khai hiệu quả các mặt công tác, trong đó chú trọng tới 6 mục tiêu trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường; đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Hồng Hương
Xem thêm tại vnbusiness.vn