DN bảo hiểm niêm yết 9 tháng đầu năm 2023: Tăng trưởng lợi nhuận dựa vào lãi tiền gửi, trái phiếu
Lợi nhuận quý III có dấu hiệu giảm tốc
Theo báo cáo tài chính đã công bố từ 13 công ty bảo hiểm niêm yết, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này trong quý III/2023 đạt 1.251 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu so với quý II, lợi nhuận ngành bảo hiểm đã giảm 13,2%.
Ngoại trừ Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt - Mã: BVH), các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Do đó, cuộc khủng hoảng niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ không ảnh hưởng quá lớn tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm trong quý III/2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ. Doanh thu lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Doanh thu của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ dự kiến đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7%.
Hai hoạt động đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận là kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính. Một số công ty cũng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ bất động sản và các hoạt động khác nhưng thường không đáng kể.
Do không chịu tác động lớn từ cuộc khủng hoảng niềm tin, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn ghi nhận doanh thu ổn định từ kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, chi phí bồi tường tăng cao là nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh này sụt giảm.
Hoạt động tài chính có lãi lớn trong ba quý đầu năm đã giúp hỗ trợ cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của 13 công ty trên đạt 4.185 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lớn đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận, chỉ có hai công ty báo cáo lợi nhuận giảm.
Tuy vậy so với mức tăng trưởng 42% so với cùng kỳ của nửa đầu năm, tốc độ tăng lợi nhuận đang có dấu hiệu chậm lại.
Tập đoàn Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô lớn nhất trên thị trường và cũng dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm khảo sát. Tổng tài sản của công ty này hiện đang lớn gấp đôi tổng tài sản của tất cả 12 doanh nghiệp còn lại cộng lại.
Trong 9 tháng đầu năm, Bảo Việt đã thu về 1.428 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 34% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết.
CTCP PVI (PVI - Mã PVI) và CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR - Mã: VNR) là hai doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết có quy mô lớn tiếp theo về lợi nhuận. Sau 9 tháng đầu năm, PVI kiếm được 891 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ, còn VNR thu về 371 tỷ đồng.
Bảo hiểm BIDV (BIC - Mã: BIC) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết, mang về 329 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 79,9%. Ngoài ra, Bảo hiểm Bưu điện (PTI - Mã: PTI) đã giải quyết được khoản lỗ 348 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm ngoái và thu về 124 tỷ đồng.
Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH - Mã: BHI) lại báo cáo lợi nhuận sụt giảm sâu nhất. Trong quý III/2023, công ty báo lỗ gần 42 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận lũy kế 9 tháng giảm 54,9%. Ngược lại, Bảo hiểm Hàng không (AIC - Mã: AIC) đã báo cáo lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.
Lãi lớn nhờ hoạt động tài chính
Xét về cơ cấu lợi nhuận, lãi từ kinh doanh bảo hiểm tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm trong khi lãi từ kinh doanh tài chính tăng mạnh.
9 tháng đầu năm, trong khilợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp giảm 48% so với cùng kỳ, xuống 1.870 tỷ đồng thì lợi nhuận từ kinh doanh tài chính lại tăng 38%, đạt 10.722 tỷ đồng, tăng 38%.
Một số công ty như Bảo Việt hay BSH ghi nhận lỗ từ hoạt động bảo hiểm chủ yếu do chi phí tái nhượng bảo hiểm hoặc chi phí bồi thường bảo hiểm tăng nhanh. Trong trường hợp của Bảo Việt, chi phí tăng cao đa phần đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ (chi phí bồi thường tăng từ 7.726 tỷ đồng lên 10.924 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm).
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, chi trả quyền lợi bảo hiểm toàn ngành đã tăng 30,2%, đạt 57.100 tỷ đồng.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính, các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu dưới dạng tiền gửi các kỳ hạn và trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, lãi suất ngân hàng tăng lên nhanh chóng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hưởng lợi. Chẳng hạn, cuối quý III năm ngoái, tiền gửi ngắn hạn chỉ đem về cho Bảo Việt lãi suất từ 3,9%/năm đến 7%/năm, trong khi lãi tiền gửi dài hạn từ 5,2%/năm đến 10,5%/năm.
Đến cuối quý III năm nay, lãi suất tiền gửi ngắn hạn cao nhất là Bảo Việt được hưởng là 10,5%/năm, còn lãi suất dài hạn là 10,6%/năm. Các khoản đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ đều có lãi suất cao hơn vào năm nay.
Nhờ vậy, doanh thu từ hoạt động tài chính của Bảo Việt trong ba quý đầu năm đã tăng từ 7.261 tỷ đồng lên 10.251 tỷ đồng, tương đương 41,2%.
Giảm đầu tư ngắn hạn, tăng đầu tư dài hạn
Trong 9 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu đầu tư tài chính. Cuối tháng 9, tổng số dư đầu tư tài chính ngắn hạn của 13 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đã giảm 4% so với đầu năm, xuống còn 130.600 tỷ đồng, chủ yếu do Bảo Việt cắt giảm 11% số dư đầu tư ngắn hạn, chủ yếu ở tiền gửi.
Đa phần các doanh nghiệp đều báo cáo số dư khoản mục này tăng lên, tuy nhiên do quy mô của Bảo Việt, tổng số dư ngành bảo hiểm niêm yết lại suy giảm. Một số doanh nghiệp như BSH hay AIC đã báo cáo số dư khoản mục này tăng trưởng ở mức ba con số, lần lượt đạt 106% và 168%.
Trong khi đó, đầu tư dài hạn của của toàn ngành đã tăng 14%, cũng chủ yếu do Bảo Việt dẫn dắt. Cụ thể, đầu tư tài chính dài hạn của Bảo Việt đã tăng 14%, lên 92.700 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Một số doanh nghiệp như PVI, PTI và Bảo Long (BLI - Mã: BLI), cũng ghi nhận mức tăng cao, lần lượt đạt 126%, 177% và 396%.
Ngược lại Bảo hiểm Quân đội (MIC - Mã: MIG) và Bảo hiểm Agribank (ABIC - Mã: ABI) gần như loại bỏ hoàn toàn các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Vào cuối quý III, số dư khoảng mục này tại MIC chỉ còn 20 tỷ đồng, trong khi tại ABIC chỉ còn 58 triệu đồng. Việc thu hẹp danh mục đầu tư dài hạn đã được những doanh nghiệp trên thực hiện kể từ quý I/2023.
Nhìn chung, đa số các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam thường lựa chọn tiền gửi, trái phiếu và một phần cổ phiếu. Ngoài ra, bất động sản và doanh nghiệp liên kết cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm bỏ tiền đầu tư nhưng với quy mô khiêm tốn.
Xem thêm tại vietnambiz.vn