DN cảng biển mới niêm yết trên HoSE: Cổ phiếu tăng trần 6 phiên liên tiếp, lợi nhuận năm 2023 tăng hơn 150%
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/1, cổ phiếu QNP của CTCP Cảng Quy Nhơn tăng trần lên mức 32.000 đồng/cp. Đây đã là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này từ khi "chuyển nhà" từ HNX sang HoSE vào ngày 18/1. Giá chào sàn của QNP trong ngày 18/1 là 19.000 đồng/cp, như vậy thị giá mã này đã tăng gần 70% sau 6 phiên.
Theo văn bản giải trình về việc tăng trần nhiều phiên liên tiếp, lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cho biết việc này xảy ra do diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu QNP nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Cảng Quy Nhơn cam kết không có bất kỳ sự tác động nào ảnh hưởng đến giá giao dịch QNP trên thị trường chứng khoán.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu QNP "tăng nóng" trong giai đoạn vừa qua. Đầu tiên phải kể việc doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2023. Cụ thể, theo BCTC mới công bố, Cảng Quy Nhơn ghi nhận doanh thu 243 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu giúp công ty lãi gộp hơn 60 tỷ đồng, tăng 44,2%.
Lợi nhuận gộp cùng chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 57%, Cảng Quy Nhơn đã báo lãi sau thuế đạt hơn 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 31 tỷ đồng. EPS tăng từ âm 767 đồng lên 572 đồng. Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, do trong quý 4/2023 công ty đã giảm được chi phí dự phòng giúp lợi nhuận của công ty tăng.
Lũy kế năm 2023, Cảng Quy Nhơn ghi nhận 938 tỷ đồng doanh thu, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 112,3 tỷ đồng, tăng 154% so với năm 2022. Doanh nghiệp cảng biển này cũng hoàn thành mục tiêu 65 tỷ đồng lợi nhuận đã đề ra.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây Cảng Quy Nhơn còn đón nhận mộ tin vui khác. Cụ thể, ngày 23/1 vừa qua, công ty cũng cho biết đã nhận được quyết định của Tòa án Nhân dân Tối cao về việc tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ.
Theo đó, Tòa quyết định huỷ bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm ngày 16/12/2022 của Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng; Huỷ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Toà án Nhân dân tỉnh Bình Định về vụ án kinh doanh, thương mại "Tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ" giữa nguyên đơn là công ty TNHH Vận tải Biển Cửu Long với bị đơn là Cảng Quy Nhơn và đơn vị liên quan là công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh.
Toà giao hồ sơ vụ án cho Toà án Nhân dân tỉnh Bình Định xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định.
Trước đó, theo bản án phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16/12/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Cảng Quy Nhơn và Vận tải biển Cửu Long ngày 12/10/2016 ký Hợp đồng kinh tế về thuê tàu lai khai thác ở cảng Quy Nhơn trong 10 năm.
Theo bản án, từ ngày 1/7/2017, Cảng Quy Nhơn không thực hiện theo hợp đồng và pháp luật hàng hải nên xảy ra tranh chấp. Cụ thể, ngày 1/1/2019, Cảng Quy Nhơn đơn phương chấm dứt hợp đồng, không cho Công ty Cửu Long hoạt động lai dắt tại cảng; ra văn bản yêu cầu đội tàu lai của Công ty Cửu Long ra khỏi cảng và chuyển toàn bộ dịch vụ Công ty Cửu Long đang làm sang cho Công ty TNHH Thương mại vận tải Phúc Trường Linh.
Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (Tòa án cấp phúc thẩm) đã tuyên: buộc Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện Hợp đồng 274; trả cho Công ty Cửu Long hơn 53,48 tỷ đồng gồm: phí dịch vụ hơn 24,43 tỷ đồng; bồi thường thiệt hại năm 2019 và 2020 hơn 24,65 tỷ đồng; trả lãi hơn 4,39 tỷ đồng.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, là đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ, nằm trong Vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm. Cảng Quy Nhơn có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30.000DWT và tàu 50.000 DWT được giảm tải. Đây là đơn vị cảng được nhiều chủ hàng, chủ tàu trong nước và quốc tế biết đến với năng suất, chất lượng cao, giải phóng tàu nhanh.
Tiềm năng của ngành cảng biển năm 2024
Theo Chứng khoán ACB (ACBS), trong năm 2024, ngành cảng biển kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc nâng khung giá dịch vụ. Trong năm qua, ngành vận tải biển đã "nóng" với chuyện điều chỉnh nâng khung giá dịch vụ giúp các cảng biển cải thiện doanh thu, đặc biệt là các cảng nước. Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT (Thông tư 39) có hiệu lực từ ngày 15/2/2024, thay thế Thông tư 54 về điều chỉnh khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
Đáng chú ý, trong Thông tư 39 là điều chỉnh tăng khoảng 10% so với mức giá quy định trong Thông tư 54 về mức giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu, quá cảnh và trung chuyển tại một số khu vực. Cụ thể, mức giá bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất tại khu vực I có giá từ 36 - 53 USD/20ft và 55 - 81 USD/40ft có hàng; nhóm cảng biển số 5 có giá bốc dỡ container từ 23 - 27 USD/20ft và 34 - 41 USD/40ft.
Riêng hai cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải được áp khung giá riêng. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) lên bãi cảng dành cho container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất là từ 57- 66 USD/20ft có hàng; 85-97 USD/40ft và với container trên 40 feet có giá bốc dỡ từ 94 - 108 USD/container. Đối với tàu container trung chuyển, mức giá bốc dỡ từ 34 - 40 USD/20ft và 51 - 58 USD/40ft có hàng.
ACBS cho rằng, thông tư mới này sẽ tác động tới từng cảng biển, khu vực khác nhau. Đối với cảng nước sâu ở khu vực đặc biệt như Cái Mép – Thị Vải (nơi tập trung chủ yếu của các tuyến đi châu Mỹ và EU) và Lạch Huyện (Hải Phòng – nơi tập trung các tuyến đi Trung Quốc hoặc nội Á), mặt bằng chi phí mới sẽ hỗ trợ các cảng tối ưu hóa hơn trong việc khai thác tàu tải trọng lớn. Qua đó, các cảng biển này được kỳ vọng sẽ kích thích gia tăng đầu tư thêm công suất khai thác.
Đối với các cụm cảng ở thượng nguồn sông Cấm như: Viconship, Green Port, Chùa Vẽ, Đoạn Xá… vốn có sự cạnh tranh mạnh, phân hóa về nguồn lực và quy mô hoạt động không đồng đều, mức xếp dỡ sàn được nâng lên sẽ phần nào giảm tải áp lực về hạ giá, giúp cải thiện tình hình kinh doanh chung ở khu vực này.
ACBS nhận định rằng, cảng nước sâu dẫn dắt đà tăng trưởng giao thương quốc tế trong dài hạn, tập trung ở hai khu vực trọng điểm là Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Xem thêm tại cafef.vn