DN lớn cũng phải bán đất sống 'cầm chừng', dệt may thêm 1 năm đầy u ám
Garmex Sài Gòn tiếp tục khó khăn
Vừa qua, Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) đã có văn bản gửi cổ đông liên quan đến kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản.
Theo đó, Garmex Sài Gòn đang có kế hoạch chuyển nhượng thửa đất hơn 5 ha tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc quyền sử dụng, sở hữu của công ty.
Đồng thời, Garmex Sài Gòn cũng muốn chuyển nhượng thửa đất 2,6 ha tại cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Hà Nam thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam - thành viên của Garmex Sài Gòn.
Động thái này của Garmex Sài Gòn diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khăn. Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Garmex Sài Gòn đạt 8,296 tỷ đồng, giảm hơn 97% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Garmex Sài Gòn lỗ gần 52 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh không thuận lợi, không có đơn hàng trong thời gian dài buộc Garmex Sài Gòn phải tạm ngưng sản xuất và cắt giảm lao động. “Nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may thì công ty sẽ lỗ rất nhiều nên công ty đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí tối đa”, trích báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2023 của Garmex Sài Gòn.
Trước đó, trong năm 2023 đã buộc Garmex Sài Gòn cắt giảm gần hết nhân sự, chỉ còn vỏn vẹn 35 người. Cũng trong năm qua, công ty này không chi thù lao, thưởng cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Cường, còn các thành viên HĐQT nhận trung bình 60 triệu đồng/người.
Garmex Sài Gòn là công ty sản xuất hàng may mặc có tiếng tại TP.HCM với 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (TP.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam cùng tổng diện tích hơn 10 ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất. Công ty lỗ lần đầu vào năm 2022 khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh số xuất khẩu sụt tới 93% so với năm 2021.
Triển vọng ngành Dệt may năm 2024
Khó khăn của Garmex Sài Gòn cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp may trong nước. Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt trên 33 tỷ USD. Ước tính cả năm 2023, kim ngạch đạt 40,3 tỷ USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của SSI Research, triển vọng phục hồi của ngành Dệt may năm 2024 vẫn chưa rõ ràng. Cụ thể, các chuyên gia của SSI Research nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2024, dẫn đến việc người tiêu dùng giảm chi tiêu không thiết yếu, trong đó có may mặc.
Tiếp đến, các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng thấp và cạnh tranh gia tăng. Do đó, các thương hiệu thời trang có thể sẽ đẩy mạnh việc phòng thủ trong kinh doanh, và các nhà cung cấp sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn hơn từ nhu cầu đơn hàng giảm xuống khi vấn đề nay lan truyền đến khắp chuỗi cung ứng. Hơn nữa, quản lý hàng tồn kho và kiểm soát chi phí sẽ tiếp tục là trọng tâm chính với các nhà bán lẻ. Điều này sẽ dẫn tới rút ngắn thời gian đặt hàng và suy giảm giá bán cho các doanh nghiệp gia công hàng dệt may.
Ngoài ra, dựa trên khảo sát các doanh nghiệp bán lẻ lớn, Việt Nam vượt trội hơn so với Bangladesh về chất lượng và năng lực sản xuất, nhưng Bangladesh có lợi thế về giá thành và thuế, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu suy yếu. Mức lương tối thiểu ở Bangladesh hiện là 75 USD/tháng, trong khi mức lương tối thiểu ở Việt Nam và Trung Quốc lần lượt là 199 USD/tháng và 300 USD/tháng.
Bangladesh là quốc gia kém phát triển nhất (LDC) được miễn thuế xuất khẩu vào Châu Âu (chương trình EU GSP). Trong khi Việt Nam có EVFTA, nhưng những quy định đặt ra từ nguồn gốc xuất xứ vải trở đi (sản phẩm may mặc xuất khẩu phải được sản xuất từ vải sản xuất tại Việt Nam) là trở ngại cho ngành - cụ thể, 70% vải được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, sự kiện “Biển Đỏ” có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh Q1/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp dệt may. Chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ/Châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình “Biển Đỏ” hạ nhiệt, các chuyên gia SSI Research nhận định.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn