DN thuỷ sản trên sàn có loạt cựu lãnh đạo vừa bị cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt giam: Doanh thu từ gần 500 tỷ chỉ còn vài tỷ, đã âm vốn 1.400 tỷ, mất khả năng thanh toán nợ cho loạt nhà băng
Liên quan đến vụ án lừa đảo tại Công ty Cadovimex (mã chứng khoán CAD), ngày 27/7, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Võ Thành Tiên (SN 1962, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex).
Loạt lãnh đạo bị bắt giam
Đầu năm nay, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cũng đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Ngô Văn Phăng (SN 1968, ngụ Cà Mau, cựu Chủ tịch HĐQT Cadovimex); khởi tố cho tại ngoại đối với các bị can: Võ Hùng Cường (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex); Dương Văn Tường (cựu Kế toán trưởng Công ty Cadovimex).
Những cán bộ ngân hàng liên quan vụ án này bị khởi tố cho tại ngoại gồm 3 cán bộ một ngân hàng chi nhánh tại Cà Mau là Nguyễn Văn Khẩn, Trần Minh Đức và Trần Hữu Cường; 2 cán bộ ngân hàng ở Tp.HCM là Phan Đình Cường và Trần Thị Hồng. Còn 2 cán bộ ngân hàng khác đã bỏ trốn, đang bị truy nã là Nguyễn Hùng Cường và Lê Kim Hùng. Tất cả cán bộ ngân hàng nêu trên bị khởi tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trước đó, ngày 9/11/2023, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố bị can 5 đối tượng liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cadovimex.
Trước khi loạt lãnh đạo bị bắt, Cadovimex cũng trải qua giai đoạn trì trệ, thua lỗ triền miên và mất khả năng thanh toán.
Âm vốn 1.397 tỷ
Cadovimex từng là một trong những doanh nghiệp thủy sản lớn (thành lập năm 1985) với doanh thu nhiều năm lên tới nghìn tỷ đồng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau như nợ khó đòi, gánh nặng nợ vay, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn…, Công ty đang trong giai đoạn xuống dốc. Năm 2015, doanh thu của Cadovimex sụt giảm từ 480 tỷ đồng (năm 2014) về 196 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa tới 0,4 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2023, Công ty thua lỗ triền miên, tính đến cuối năm qua đã lỗ luỹ kế 1.619 tỷ, vốn chủ sở hữu âm 1.424 tỷ đồng.
Ảnh: Lỗ triền miên, đã âm vốn 1.400 tỷ.
Quy mô tài sản tại ngày 31/12/2023 còn chưa đến 14 tỷ, trong đó khoản tiền mặt 728 triệu đồng. Công ty có khoản phải thu 172 tỷ từ khách hàng song đã phải trích lập dự phòng 100%, chủ yếu ở khách hàng South China, Cadovusa.
Nhân sự Công ty cũng đồng loạt nghỉ việc. Tính đến tháng 5/2023, Cadovimex chỉ còn 101 người ký hợp đồng lao động và khoảng 50 lao động làm việc luân phiên. Mặt khác, nhà xưởng, máy móc, thiết bị… ghi nhận cũng đã cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ban lãnh đạo Cadovimex, hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào nguồn vốn vay, tuy nhiên các tổ chức tín dụng đã dừng cho vay từ tháng 8/2015 khiến Công ty không có vốn thu mua nguyên liệu, sản xuất, chỉ có nguồn thu chủ yếu từ các dịch vụ cho thuê kho, ủy thác xuất khẩu, nhận hàng gia công thuê cho các đơn vị cùng ngành nhằm duy trì trả lương cho công nhân. Chưa kể, Công ty còn bị khách hàng chiếm dụng vốn qua nhiều năm chưa thu hồi được dẫn đến tình trạng suy thoái nhiều năm, dù không ít kế hoạch tái cấu trúc được đưa ra.
Đã hoàn tất thủ tục phá sản, loạt nhà băng gần như "mất trắng vốn" hơn 400 tỷ
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Cadovimex lên kế hoạch hoàn tất thủ tục pháp lý để mở thủ tục phá sản cho Công ty, trong quá trình tìm kiếm nguồn lực mới và nhà đầu tư có tiềm năng để phục hồi kinh doanh.
Tính tới ngày 30/9/2023, Cavodimex có khoản phải trả 967 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lãi vay phải trả ngân hàng hơn 921 tỷ. Đáng chú ý, dù bị ngừng cấp vốn từ năm 2015, Cadovimex hiện vẫn nợ 302 tỷ bằng VND và 129 tỷ đồng vay bằng USD.
Các nhà băng kẹt vốn tại công ty thuỷ sản này có BIDV với 107,5 tỷ, Agribank với 128 tỷ, Vietcombank với hơn 39 tỷ đồng… Toàn bộ đều đã mất khả năng thanh toán.
Xem thêm tại cafef.vn