Đo lường ảnh hưởng của tác động tỷ giá tới thị trường chứng khoán

Tuy nhiên, việc đồng USD mạnh lên khi chỉ số DXY liên tục tăng mạnh, chớm vượt đỉnh 4 tháng và xu hướng bán ròng của khối ngoại từ đầu năm tiếp diễn đã khiến phe nắm giữ cổ phiếu mất kiên nhẫn. Càng về cuối tuần, lực bán chủ động càng gia tăng, trong khi lực cầu lại trở nên thận trọng. Chỉ số VN-Index rớt nhanh khỏi mốc hỗ trợ 1.240 điểm và vẫn đang trong quá trình tìm lại điểm cân bằng ở các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn.

Hiện tượng phân hóa vẫn tiếp diễn tại các nhóm ngành trong tuần vừa qua. Các nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép liên tục giảm điểm và gây sức ép lên khả năng hồi phục của thị trường chung. Dù vậy, sắc xanh vẫn được duy trì tại một số nhóm, đặc biệt là cảng biển - vận tải biển, viễn thông, công nghệ, dệt may, vật liệu xây dựng.

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã đánh mất hỗ trợ mạnh 1.240 điểm, đồng thời cũng là đường trung bình động 200 phiên. Dòng tiền phân hóa và vẫn chưa có tín hiệu quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mặc dù chỉ số đã giảm tương đối nhiều. Do đó, chỉ số chính dự kiến sẽ tiếp tục thoái lui về những vùng hỗ trợ thấp hơn, trước mắt là ngưỡng hỗ trợ 1.220 điểm và xa hơn là 1.180 -1.200 điểm.

Trong giai đoạn này, nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng với diễn biến tăng giá trong phiên, hạn chế mua đuổi và tận dụng cơ hội để xử lý cổ phiếu đã gãy nền hoặc xu hướng. Dù vậy, có thể tiếp tục mua thăm dò một số cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực khi VN-Index lùi về những vùng hỗ trợ thấp hơn. Nhà đầu tư cần chú ý giữ vững nguyên tắc quản lý rủi ro và duy trì tỷ trọng danh mục hợp lý để ứng phó với những biến động bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền vẫn còn hạn chế và xu hướng giảm còn chi phối. Các nhóm đáng chú ý bao gồm cảng biển (GMD, HAH, PVT), thép (HPG), ngân hàng (VCB).

Đo lường ảnh hưởng của tác động tỷ giá

Dưới tác động của việc đồng USD mạnh lên, tỷ giá USD/VND đang gia tăng đáng kể và tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt đến kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước.

Các ngành như thủy sản, dệt may, cao su và nông sản đang có cơ hội hưởng lợi từ tỷ giá tăng, bởi giá trị doanh thu quy đổi sang VND cao hơn. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào lớn, chẳng hạn như dệt may, việc tỷ giá tăng cũng làm tăng chi phí đầu vào, làm giảm bớt tác động tích cực.

Các ngành phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như thép, tôn mạ, hóa chất, hoặc sản xuất năng lượng bị ảnh hưởng nặng bởi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Hay ngành hàng không, nơi các khoản vay và chi phí hoạt động bằng USD khiến chi phí tăng mạnh khi tỷ giá thay đổi.

Đối mặt với áp lực về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đang phải sử dụng các công cụ điều hành linh hoạt, bao gồm bán ngoại tệ khi cần để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, áp lực giữ lãi suất ở mức hiện tại nhằm ổn định tỷ giá cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn chi phí thấp. Việc Fed có khả năng xem xét lại lộ trình hạ lãi suất có thể tác động đến mặt bằng lãi suất của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Tất nhiên, tỷ giá cao làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi lợi nhuận quy đổi sang USD giảm. Trong bối cảnh hiện tại, các dòng vốn ngoại có vẻ đang chờ các chính sách từ Mỹ và các quốc gia lớn rồi mới có các quyết định phân bổ dòng tiền. Hiện tại, số liệu ghi nhận vẫn đang cho thấy sự rút ròng của các dòng tiền đầu tư tài chính ra khỏi Việt Nam dù tốc độ đã chậm lại.

Nhìn chung, thị trường hiện tại đang tương đối khó dự báo khi các chính sách vĩ mô lớn chưa được ban hành cụ thể. Do đó, trong giai đoạn này, dòng tiền trên thị trường cũng đang tương đối yếu và chưa tạo được lực đẩy mạnh trên thị trường. Mặc dù kết quả kinh doanh quý III/2024 của các doanh nghiệp trên sàn khá tốt nhưng vẫn cần thêm yếu tố ủng hộ từ dòng tiền.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn