Doanh nghiệp bán lẻ chiếm lĩnh thị phần

Mở thêm cửa hàng, gia tăng độ phủ

Trong hai tháng đầu năm, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) đã mở mới 94 cửa hàng Bách Hóa Xanh, qua đó nâng tổng số cửa hàng của chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng này lên con số 1.864. Hơn 50% số cửa hàng được mở mới tập trung tại khu vực miền Trung.

Hai tháng đầu năm, chuỗi Bách Hóa Xanh mang lại hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng doanh thu đến từ cả ngành hàng thực phẩm tươi sống và FMCGs. Tính chung, cả chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh mang lại gần 17.000 tỷ đồng doanh thu cho MWG, ghi nhận mức tăng hơn 13% so với mùa Tết năm 2024.

Hiệu suất kinh doanh của Công ty được cải thiện nhờ tinh gọn vận hành và tối ưu hóa chi phí. Hầu hết các ngành hàng đều ghi nhận kết quả tích cực, trong đó nhóm ICT đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính. Bất chấp đà phục hồi chậm của thị trường bán lẻ các sản phẩm công nghệ nói chung, doanh số nhóm hàng điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay của MWG đã tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2025, MWG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.850 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 12% và 30% so với mức thực hiện năm 2024. Các chuỗi Thế giới di động (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh được MWG xác định sẽ đóng góp hơn 60% doanh thu và mang lại phần lớn lợi nhuận; chuỗi Bách Hóa Xanh đóng góp hơn 30% doanh thu và mang lại lợi nhuận.

MWG có kế hoạch mở mới 200 - 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên cả nước trong năm nay.

Không chỉ tăng tốc ở thị trường trong nước, MWG dự kiến sẽ mở rộng chuỗi bán lẻ sản phẩm điện máy Erablue tại Indonesia, với mục tiêu đạt 150 cửa hàng vào cuối năm 2025, tổng doanh thu tăng trưởng trên 50% trong năm nay và bắt đầu đem lại lợi nhuận cho MWG.

Nhiều đơn vị bán lẻ điện thoại, điện máy khác cũng có kế hoạch tăng tốc trong năm nay. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Hoàng Hà Mobile cho biết, Công ty vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ trong năm 2025 để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Dự kiến, Công ty sẽ tập trung phát triển thêm tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố tiềm năng khác. Tổng số cửa hàng có thể nâng lên con số khoảng 140, tuy nhiên, con số cụ thể sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của thị trường và thời điểm thích hợp.

Theo Hoàng Hà Mobile, thị trường bán lẻ hàng công nghệ đang bước vào giai đoạn đầy tiềm năng khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực. Chu kỳ đổi mới thiết bị cũng đang đến khi nhiều dòng smartphone cao cấp ra mắt với những cải tiến đáng kể về công nghệ, kích thích nhu cầu nâng cấp của người dùng. Điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho các hệ thống bán lẻ như Hoàng Hà.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) cho rằng, ngành điện máy, gia dụng vẫn có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt ở khu vực nông thôn. FPT Retail đã mở rộng lĩnh vực phân phối sản phẩm điện máy từ năm 2024, dự kiến đến cuối năm 2025 có thể đạt con số 200 - 250 cửa hàng bán lẻ điện máy.

Quy mô thị trường điện máy khoảng 5 tỷ USD/năm, trong đó tivi chiếm 29%, tủ lạnh 22%, máy lạnh 31%... mở ra dư địa lớn cho doanh nghiệp bán lẻ ngành công nghệ tăng tốc khi đã có sẵn hệ thống và kinh nghiệm phân phối.

Đặt mục tiêu tăng trưởng cao

Tại đại hội cổ đông thường niên 2025, tổ chức vào ngày 25/4 tới, FPT Retail dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 48.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 900 tỷ đồng, tăng 20% về doanh thu và tăng 71% về lợi nhuận so với năm 2024.

Đại diện FPT Retail cho biết, trong năm 2025, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu hóa hoạt động và nâng tầm trải nghiệm khách hàng. Hệ thống FPT Long Châu sẽ tiếp tục mở rộng độ phủ, đồng thời phát triển các giải pháp tư vấn sức khỏe trực tuyến, dịch vụ tiêm chủng. Chuỗi FPT Shop sẽ phát triển các danh mục sản phẩm, dịch vụ với biên lợi nhuận cao hơn. Cụ thể, FPT Shop đẩy mạnh chiến lược mở rộng kinh doanh với hệ thống điện máy và thúc đẩy tăng trưởng cho các mảng dịch vụ mới như nhà điều hành mạng di động ảo (MVNO).

Mảng nhà thuốc FPT Long Châu có thể là động lực chính cho kế hoạch tăng trưởng này, song đây vẫn là một kế hoạch khá tham vọng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục, đạt 25.450 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 523 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Digiworld đã trở thành nhà phân phối chính thức của nhiều nhãn hàng, như bắt tay với thương hiệu AOC trong lĩnh vực màn hình máy tính, thương hiệu SUUNTO trong lĩnh vực đồng hồ thể thao và thiết bị đo lường chuyên dụng…

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ, việc hợp tác với các thương hiệu giúp Digiworld mở rộng danh mục sản phẩm công nghệ và mang lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.

Theo Digiworld, trong năm 2025, mảng thiết bị văn phòng và thiết bị gia dụng sẽ đóng góp chính vào đà tăng trưởng của Công ty (doanh thu thiết bị văn phòng đạt 5.480 tỷ đồng, tăng trưởng 25%; doanh thu thiết bị gia dụng đạt 1.340 tỷ đồng, tăng 35%). Với ngành máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động đang ở giai đoạn bão hòa, Công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 9% (máy tính xách tay), 15% với điện thoại.

Digiworld dự kiến sẽ mở rộng ngành hàng phân phối, giành thêm thị phần và giá trung bình tăng. Công ty cũng nhận định làn sóng thay máy tính, điện thoại mới theo chu kỳ, hay việc Microsoft ngừng hỗ trợ Window 10 cũng như xu hướng tích hợp AI cũng có thể giúp cải thiện doanh số bán ra của Công ty.

Song song với đa dạng hóa danh mục ngành ngành phân phối, Digiworld cũng đẩy mạnh tăng trưởng theo chiều dọc, với mô hình Direct-to-Consumer (D2C), bao gồm hai hướng là hệ thống brandshops và đầu tư cổ phần không chi phối vào các đơn vị kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Để có thêm dư địa tăng trưởng, Hoàng Hà Mobile cho biết, điều quan trọng là thị hiếu và hành vi mua sắm của khách hàng đã có những thay đổi rõ rệt. Không chỉ quan tâm đến sản phẩm, họ còn đòi hỏi những trải nghiệm mua sắm tiện lợi, chính sách tài chính linh hoạt và những chương trình chăm sóc khách hàng hấp dẫn. Vì vậy, bên cạnh việc mở rộng hệ thống, Công ty cũng tập trung vào chuyển đổi số, phát triển chương trình Loyalty, cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện như trả góp 0%, liên kết với ngân hàng và ví điện tử.

Nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục tích cực hơn, môi trường lãi suất thấp cộng với nhiều chính sách kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang mở ra cơ hội tăng tốc cho các doanh nghiệp ngành bán lẻ.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn