Doanh nghiệp bán lẻ ICT 'đua' kế hoạch lớn
Loạt kế hoạch kỷ lục
Trong tài liệu ĐHĐCĐ 2025, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho biết mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 150.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử cùng lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 30% so với năm trước.
Cũng theo định hướng dài hạn, MWG đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tập đoàn bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ số 1 Đông Nam Á. Trong chiến lược đó, Bách Hóa Xanh (BHX) được xác định là động lực tăng trưởng then chốt, kỳ vọng đạt doanh thu 10 tỷ USD trước 2030 và chiếm 20% thị phần tiêu dùng tại Việt Nam. Công ty dự kiến mở mới từ 200–400 cửa hàng BHX trong năm 2025, đặc biệt đẩy mạnh khu vực miền Trung, đồng thời tăng tốc kênh online với tham vọng tăng trưởng gấp 3 lần.
Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch năm 2025 với doanh thu hợp nhất 48.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 71%, là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Động lực tăng trưởng năm mới của FRT dự kiến đến từ hai mũi nhọn: hệ thống FPT Shop mở rộng sang điện máy và chuỗi nhà thuốc Long Châu phát triển thần tốc.
FPT Shop đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình điện máy từ năm 2024, dự kiến sẽ đạt 200 cửa hàng vào cuối năm 2025. Do đặc thù ngành điện máy đòi hỏi trải nghiệm trực tiếp, mô hình cửa hàng vật lý được kỳ vọng sẽ vượt trội so với thương mại điện tử trong mảng này.
Ở lĩnh vực dược phẩm, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là điểm sáng với kế hoạch mở thêm 300–400 cửa hàng trong năm tới. Cùng với đó, FRT cũng dự kiến tiếp tục tăng tốc ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng – từ lựa chọn sản phẩm đến hậu mãi và cá nhân hóa dịch vụ.
Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, DGW) thì dự kiến doanh thu năm nay tăng lên 25.450 tỷ đồng để có thể trở thành "công ty tỷ USD". Kế hoạch này so với năm ngoái tăng 15%. Nếu thành công, đây là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của DGW.
Để hiện thực hóa mục tiêu, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT cho biết DGW sẽ phát triển mạnh mô hình D2C với hệ thống brandshop và đầu tư vào các đơn vị thương mại điện tử. Công ty dự báo làn sóng thay máy tính tích hợp AI (chip NPU, laptop AI) sẽ bùng nổ khi Windows 10 ngừng hỗ trợ, mở ra chu kỳ nâng cấp thiết bị mạnh mẽ. Đồng thời, xu hướng 5G, camera AI, sạc nhanh... cũng giữ sức hút cho mảng smartphone, đặc biệt từ các đối tác chiến lược như Xiaomi và Apple.
Ở mảng thiết bị gia dụng, DGW ghi nhận tăng trưởng 36,4% trong năm 2024 và dự kiến tiếp tục tận dụng cơ hội từ xu hướng IoT – AI với các sản phẩm như TV thông minh, điều hòa AI. Mảng thiết bị văn phòng (máy chủ, IoT, bảo mật) cũng trở thành trụ cột mới của DGW, kỳ vọng tăng trưởng 25% trong năm 2025, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận toàn công ty.

Khi ICT không còn là chủ lực
Thị trường sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là điện thoại và thiết bị điện tử tiêu dùng tại Việt Nam, đang dần bước vào giai đoạn bão hòa. Chu kỳ thay thế thiết bị kéo dài và sức mua suy giảm khiến biên lợi nhuận của ngành bán lẻ ICT chịu áp lực rõ rệt. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ lớn đang mạnh mẽ tái định hình chiến lược, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ngoài lĩnh vực công nghệ.
Với nhận định ngành hàng công nghệ không còn là động lực chính, MWG đặt cược vào chuỗi bán lẻ thực phẩm - hàng thiết yếu Bách Hóa Xanh (BHX). Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đầy tham vọng: đạt doanh thu 10 tỷ USD trước năm 2030 và chiếm 20% thị phần ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Chiến lược này dựa trên sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm – từ chợ truyền thống sang siêu thị mini và nền tảng online. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, xác định BHX là động lực tăng trưởng then chốt của tập đoàn trong 5 năm tới.
Trong năm 2025, MWG sẽ tập trung tối ưu hiệu quả vận hành chuỗi hiện tại, phát triển BHX Online (mục tiêu tăng trưởng 300%), mở thêm 200–400 cửa hàng, đồng thời mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp FMCG và triển khai dịch vụ tài chính đi kèm. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm tươi sống, đồng thời triển khai các chương trình tài chính như mua trả góp và nâng cấp dịch vụ hậu mãi nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Dù vẫn giữ vị thế “top” đầu trong phân phối ICT, DGW đang tích cực mở rộng sang các ngành hàng mới như thiết bị điện gia dụng, văn phòng, hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe. Trong chia sẻ mới đây, lãnh đạo công ty đặt kỳ vọng thiết bị văn phòng và gia dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính năm 2025, với doanh thu dự kiến lần lượt 5.480 tỷ (+25%) và 1.340 tỷ đồng (+35%).
DGW cũng kỳ vọng doanh số máy lạnh sẽ bứt tốc trong mùa hè năm nay. Riêng mảng thiết bị văn phòng được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng dài hạn trên 25%, nhờ làn sóng chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp. Trong khi đó, các mảng truyền thống như điện thoại và laptop chỉ đặt mục tiêu tăng nhẹ (9–12%), phản ánh thực tế thị trường đã bão hòa. DGW kỳ vọng yếu tố nâng cấp thiết bị (do Microsoft ngừng hỗ trợ Windows 10) và sự xuất hiện của công nghệ AI sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm bán ra.
FRT cũng xác định động lực chính cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo không còn đến từ FPT Shop, mà đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu. Theo định hướng đã đề ra, chuỗi này sẽ đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, đầu tư vào nền tảng công nghệ, đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành bán lẻ dược phẩm.
Trước năm 2020, Long Châu vẫn là mảng chưa sinh lãi trong hệ sinh thái FRT. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tạo cú huých cho ngành dược phẩm, giúp chuỗi này nhanh chóng mở rộng, nâng cao hiệu quả vận hành. Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt khi Long Châu lần đầu có lãi với doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng. Những năm sau đó, chuỗi liên tục tăng trưởng mạnh và dần trở thành trụ cột doanh thu của FRT. Trên thực tế, ban lãnh đạo công ty đã thể hiện rõ định hướng chiến lược khi dần thu hẹp quy mô chuỗi FPT Shop để tái phân bổ nguồn lực phát triển Long Châu với tham vọng lớn hơn.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây đã dự báo triển vọng kinh doanh của Long Châu trong 3-5 năm tới rất tích cực, với kế hoạch đạt 3.000 cửa hàng vào cuối năm 2028. Sau giai đoạn mở rộng mạnh, Long Châu có thể đạt biên lợi nhuận ròng 4,5% vào năm 2030. Trong năm 2025, Long Châu được BVSC dự báo sẽ mở 320 cửa hàng, đạt doanh thu thuần 31.970 tỷ đồng (tăng 28% so với 2024), với biên lợi nhuận gần như đi ngang đạt 22%.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn