Thăng trầm trong hoạt động kinh doanh
3 tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thu được kết quả kinh doanh đầy khả quan. Cụ thể, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (mã ck: AIC), doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 63 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, từ 436 tỷ đồng lên gần 500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lợi nhuận sau thuế của AIC đều tăng gần 50% so với quý I/2023 lần lượt là từ 5,1 tỷ đồng lên đến 10,4 tỷ đồng và từ 4,1 tỷ đồng lên đến 8,4 tỷ đồng.
Lý giải về chênh lệch kết quả kinh doanh quý I, tại công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, AIC cho biết, từ cuối năm 2023 và quý I/2024, AIC cơ cấu lại danh mục đầu tư, làm cho doanh thu hoạt động tài chính và lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến lợi nhuận của AIC theo quý và theo năm. Ảnh: SSI. |
Bên cạnh đó, có thể thấy lãi ròng của AIC tăng cao bởi chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý I giảm gần 10% từ 63 tỷ đồng xuống còn 57 tỷ đồng. Tổng chi bồi thường bảo hiểm quý I/2024 giảm 4,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong quý I, lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm của AIC giảm 38% so với quý I/2023 từ 55 tỷ đồng xuồng còn 34,5 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính quý I năm nay tăng 27% so với năm ngoái, từ 12 tỷ đồng lên 32,5 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của AIC là 4.101 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Về nợ phải trả của AIC, nợ ngắn hạn chiếm 99% tổng nợ, tăng 10% so với số liệu đầu năm.
Trong cùng diễn biến, bên cạnh AIC, 4 ông lớn khác trong lĩnh vực bảo hiểm có mức lợi nhuận tăng trưởng từ 40% đến trên 50% so với cùng kỳ gồm có Công ty CP PVI (mã ck: PVI), Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bảo Long (mã ck: BLI), Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (mã ck: PTI) và Tổng Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã ck: BIC).
Quý I/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn đều ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, với sự phục hồi mạnh từ doanh thu bảo hiểm trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức. |
Theo đó, PVI thu về hơn 446 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý I, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2023. BLI thu về 43,4 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 41,5%. Điểm chung của 2 doanh nghiệp là đều kiểm soát tốt chi phí và gia tăng doanh thu để đạt tăng trưởng lợi nhuận dương.
Với BIC, doanh nghiệp ghi nhận lãi trước thuế tăng 49%, đạt gần 148 tỷ đồng. Tương tự AIC, tăng trưởng lợi nhuận của BIC đến từ động lực kép doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm (tăng 23,3%) và doanh thu hoạt động tài chính (tăng 50,6%).
Khác các doanh nghiệp bảo hiểm trên, PTI với lãi trước thuế tăng 51% trong quý I, đạt 85 tỷ đồng lại không có các nguồn thu tăng trưởng ấn tượng. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của PTI trong quý I đến từ việc giảm mạnh hàng chục phần trăm các loại chi phí như phí bồi thường, phí hoa hồng, chi phí tài chính, phí quản lý doanh nghiệp.
Bên cạnh những doanh nghiệp bảo hiểm phi lợi nhuận ghi nhận lãi ròng ở ngưỡng cao thì còn có những doanh nghiệp có lợi nhuận “đi lùi” như Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (mã ck: ABI), Tổng Công ty CP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (mã ck: VNR) và Tổng Công ty CP Bảo Minh (mã ck: BMI).
Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý I của VNR giảm mạnh nhất ở mức 25,3%, đạt hơn 177 tỷ đồng. Dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 7,8% so với cùng kỳ, việc chi phí neo cao và thiếu hụt trợ lực từ hoạt động tài chính đã kéo lùi lợi nhuận của VNR.
ABI và BMI đều ghi nhận mức giảm lợi nhuận trước thuế khá nhẹ so với cùng kỳ, lần lượt giảm 2,2% và 1%, tương đương đạt 86,5 tỷ đồng và 91 tỷ đồng, nguyên nhân do một số loại chi phí có mức gia tăng nhanh hơn so với doanh thu.
Cơ hội cho cổ phiếu ngành bảo hiểm
Trong quý I/2024, tình hình kinh doanh có sự cải thiện và phân hoá rõ rệt giữa các nhóm ngành. Tuy rằng, số lượng nhóm ngành có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương nhiều hơn so với quý IV/2023, nhưng tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại. Theo số liệu thống kê của FiinProX, tính đến thời điểm đầu tháng 5/2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng 21,1%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có sự biến động rõ rệt. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2024, diễn biến cổ phiếu AIC không mấy sôi nổi. Tháng đầu năm, cổ phiếu AIC tăng lên mức 15.520 đồng/cổ phiếu do những thông tin tích cực trong hoạt động kinh doanh cuối năm 2023. Sau đó, đến thời điểm tháng 2, cổ phiếu AIC giảm nhẹ do ảnh hưởng từ những biến động kinh tế vĩ mô. Sang đến tháng 3, cổ phiếu AIC giảm tiếp xuống quanh vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu dù kết quả kinh doanh quý I khởi sắc. Tính đến thời điểm ngày 17/5, cổ phiếu AIC giảm tiếp còn 11.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu PVI có diễn biến sôi động trên sàn chứng khoán từ đầu năm cho đến nay. Ảnh: SSI. |
Trái lại, cổ phiếu PVI có diễn biến sôi động trên thị trường chứng khoán trong quý I. Tháng đầu năm 2024, cổ phiếu PVI dao động trong mức 45.000 - 46.000 đồng/cổ phiếu. Tháng 2, cổ phiếu PVI bắt đầu có sự gia tăng lên đến mức 47.660 đồng/cổ phiếu. Kết phiên cuối cùng của quý I, cổ phiếu PVI tiếp tục tăng lên mức gần 50.000 đồng/cổ phiếu. Nhìn chung cổ phiếu PVI có diễn biến khá tích cực trong quý I với xu hướng tăng nhẹ và ổn định nhờ vào kết quả hoạt động kinh doanh khả quan. Tính đến thời điểm hiện tại, kết phiên ngày 17/5, cổ phiếu PVI có giá 51.300 đồng/cổ phiếu.
Đánh giá chung về diễn biến cổ phiếu bảo hiểm, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, dựa trên kết quả lọc cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và có câu chuyện riêng, cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm được nhận định là tương đối ổn định và an toàn.
Năm 2024, ngành bảo hiểm dự kiến đóng góp cho nền kinh tế thông qua số vốn đầu tư ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm kỳ vọng đạt 243.472 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%). |