Doanh nghiệp bảo hiểm tăng vốn cầm chừng

Doanh nghiệp tăng vốn rải rác

Bảo hiểm PVI, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có vốn điều lệ lớn nhất trong khối phi nhân thọ tại thị trường Việt Nam, đã thực hiện hai đợt tăng vốn trong năm 2024, nâng mức vốn điều lệ từ 3.300 tỷ đồng lên 3.900 tỷ đồng vào cuối tháng 8.

Trong khi đó, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đang chờ tăng vốn điều lệ từ 804 tỷ đồng lên 1.206 tỷ đồng (tăng gấp rưỡi) sau 9 năm chưa thực hiện tăng vốn (kể từ năm 2015). Việc tăng vốn được thực hiện trong năm 2024, sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, PTI dự kiến phát hành thêm gần 40,2 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện là 2:1, tức cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu phát hành thêm. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần của PTI, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 là gần 402 tỷ đồng.

Với mức vốn điều lệ mới, PTI sẽ vượt qua Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) vươn lên vị trí thứ 5 về quy mô vốn điều lệ trong khối phi nhân thọ, sau Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Bảo hiểm AAA. Trong đó, Bảo hiểm AAA mới thực hiện tăng vốn điều lệ lên gần 1.500 tỷ đồng vào tháng 2/2024.

Ở mảng bảo hiểm nhân thọ, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), giai đoạn 2016 - 2021, các DNBH nhân thọ đã tăng vốn điều lệ lên gấp hơn 3 lần, tương ứng tăng khoảng 90.709 tỷ đồng, từ 26.863 tỷ đồng năm 2016 lên 117.572 tỷ đồng năm 2021, riêng năm 2021 đã tăng vốn thêm 23.501 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau năm 2022, quá trình tăng vốn đã dần chậm lại và chỉ diễn ra rải rác ở một số doanh nghiệp.

Thống kê trong năm 2024, Bảo hiểm Nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) đã hai lần thực hiện tăng vốn điều lệ với tổng mức tăng 800 tỷ đồng, lên 3.293 tỷ đồng vào ngày 22/4/2024.

Sun Life Việt Nam cũng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 16.480 tỷ đồng lên 17.944 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 1.464 tỷ đồng, là 1 trong 3 công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong khi đó, Bảo Việt Nhân thọ (công ty con 100% vốn của Tập đoàn Bảo Việt) luôn thận trọng trong tăng vốn. Cách đây gần 10 năm (năm 2015), Bảo Việt Nhân thọ từng là công ty bảo hiểm có quy mô vốn lớn nhất thị trường, nhưng hiện nay, với số vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, nhà bảo hiểm này chỉ đứng thứ 8 về quy mô vốn trong tổng số 19 DNBH nhân thọ. Và đến cuối năm 2024, công ty này vẫn đang ở chế độ chờ tăng vốn.

Nguyên nhân khiến tốc độ tăng vốn tại các DNBH chậm lại có cả chủ quan và khách quan, liên quan đến những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính - bảo hiểm Việt Nam. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do yêu cầu vốn đã đáp ứng đủ, nên các DNBH không quá áp lực trong việc tăng vốn. Theo Nghị định 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007, sau 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng.

Với khối DNBH nhân thọ, đa số là công ty nước ngoài hoặc có công ty mẹ là tập đoàn ở nước ngoài, từ năm 2021 trở về trước, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng trưởng đều đặn hai con số. Tập đoàn mẹ ở nước ngoài nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng dài hạn ở Việt Nam nên liên tục rót vốn, đồng thời thể hiện cam kết gắn bó lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, tăng lòng tin dành cho người tham gia bảo hiểm, nhằm đảm bảo an toàn tài chính và phát triển kinh doanh.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc khai thác mới doanh thu phí bảo hiểm sụt giảm mạnh, kèm theo khủng hoảng niềm tin, khiến các tập đoàn đoàn bảo hiểm đa quốc gia không ưu tiên rót vốn vào công ty con như trước.

Ngoài ra, hiện kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng gặp khó khiến các DNBH nhân thọ không còn gấp rút tăng vốn để chuẩn bị cho một cuộc đua chiến lược trên thị trường, gắn liền với các thương vụ hợp tác độc quyền có giá trị lớn cùng nhiều tham vọng như trước. Trước đây, cả ba công ty bảo hiểm, gồm Manulife, FWD và Sun Life phải chạy đua tăng vốn điều lệ lớn nhất thị trường nhân thọ vì gắn với tham vọng này.

Với các DNBH phi nhân thọ, việc huy động vốn khó khăn trong năm gần đây cũng khiến cho việc tăng vốn điều lệ chậm lại. Ngoài tình hình thị trường chứng khoán không thật sự thuận lợi thì cuộc khủng hoảng niềm tin đối với bảo hiểm khiến các nhà đầu tư không mặn mà rót thêm vốn.

Nỗ lực gỡ vướng để tăng nội lực doanh nghiệp

Tăng vốn điều lệ ngoài mục đích chung là giúp doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường năng lực tài chính, có thêm dư địa để mở rộng quy mô kinh doanh…, thì còn mang ý nghĩa riêng.

Thực tế, tăng vốn điều lệ ngoài mục đích chung là giúp doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường năng lực tài chính, có thêm dư địa để mở rộng quy mô kinh doanh… thì còn mang ý nghĩa riêng.

Với khối phi nhân thọ, lợi thế về vốn sẽ giúp nhà bảo hiểm dễ thắng thầu tại các dự án lớn. Vì vậy, dù khó khăn nhưng một số DNBH vẫn quyết tâm tăng vốn để duy trì khả năng cạnh tranh và đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về vốn.

Điển hình là Bảo hiểm PVI, nhờ sở hữu quy mô vốn điều lệ cao nhất trong khối phi nhân thọ, hãng bảo hiểm này liên tiếp thắng thầu hợp đồng bảo hiểm cho các dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I...

Đối với các DNBH phi nhân thọ khác như PTI, MIC, PJICO…, sau một thời gian lỗi hẹn với cổ đông, năm nay cũng đã khởi động lại việc tăng vốn để có cơ hội thắng thầu các hợp đồng bảo hiểm lớn.

Tuy nhiên, để thu hút được vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các DNBH cần sớm khắc phục các điểm trừ của ngành như thiếu minh bạch thông tin, gian lận bảo hiểm, nợ đọng phí bảo hiểm, cạnh tranh không lành mạnh…

Bên cạnh đó, các DNBH cần sớm xây dựng dữ liệu ngành chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng, qua đó, tìm lại giá trị cốt lõi của bảo hiểm để khôi phục niềm tin của khách hàng.

Các DNBH cũng nên tập trung thu hút, tìm kiếm đối tác chiến lược quốc tế để gia tăng vốn điều lệ và tiếp cận kinh nghiệm quản lý, công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp có nội lực mạnh và minh bạch thông tin sẽ có cơ hội thu hút nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.

Với các DNBH thuộc tốp đầu ngành, cả khối bảo hiểm phi nhân thọ lẫn nhân thọ, như Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Prudential, Bảo Việt Nhân thọ cần tiên phong để nâng tầm thị trường hơn nữa, thông qua việc chủ động minh bạch thông tin, chia sẻ thông tin công khai và rộng rãi trên các phương tiện truyền thông...

Ngoài ra, DNBH có thể tham gia vào các thương vụ sáp nhập và mua bán (M&A) với các doanh nghiệp nhỏ hơn để mở rộng quy mô và củng cố nội lực tài chính. Việc hợp nhất sẽ giúp thị trường bảo hiểm tinh gọn và tăng trưởng bền vững hơn.

Tốc độ tăng vốn của các DNBH chậm lại là hệ quả tất yếu sau đại dịch Covid-19 và những biến động của thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DNBH nhìn lại, nâng cao nội lực và tăng cường minh bạch, từ đó khôi phục niềm tin và thu hút nguồn vốn chiến lược trong và ngoài nước.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn