Doanh nghiệp bất động sản buộc phải 'bán mình'

Phải “cắt máu”

Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group - mã chứng khoán: DIG) vừa thông qua việc chuyển nhượng khu dịch vụ thương mại thuộc dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 1.

Dự án này nằm tại số 169 Thùy Vân (phường 8, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với phần diện tích thương mại 6.554 m2. Đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Du lịch DIC - DIC Hospitality.

Doanh nghiệp bất động sản buộc phải 'bán mình'- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques.

Hình thức thực hiện chuyển nhượng là hai bên ký kết hợp đồng mua bán đối với phần diện tích xây dựng thuộc khu dịch vụ thương mại và hợp đồng mua bán nội thất, thiết bị rời thuộc khu dịch vụ thương mại. Giá trị chuyển nhượng không được DIG công bố.

Tương tự, Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC (mã chứng khoán: VRC) thông qua chủ trương cho công ty con là Công ty CP ADEC chuyển nhượng một phần Khu dân cư ADC tại phường Phú Mỹ (quận 7, TPHCM).

Đồng thời, giao và ủy quyền cho người đại diện pháp luật của VRC xem xét, biểu quyết thông qua phương án chuyển nhượng diện tích đất cụ thể tại đại hội cổ đông của ADEC.

Khu dân cư ADC rộng hơn 7,9 ha, có mặt tiền nằm trên đường 15B (Nguyễn Lương Bằng nối dài). Dự án này do ADEC làm chủ đầu tư, phần chuyển nhượng sẽ là khu chung cư lô H, giá chuyển nhượng không thấp hơn 800 tỷ đồng, mục đích nhằm bổ sung nhu cầu vốn hoạt động cho ADEC.

Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) vừa hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 25% vốn tại dự án Nam Long Đại Phước (45 ha) cho đối tác Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad trong tháng 6/2024.

Thương vụ chuyển nhượng này có giá trị 662 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất, ước tính Nam Long có thể thu về lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng.

Dự án Nam Long Đại Phước có tên thương mại là Paragon Đại Phước , thuộc phân khu 8, Cù lao Ông Cồn (xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Theo kế hoạch, dự án sẽ được Nam Long và Nishi Nippon Railroad phát triển với khoảng 670 sản phẩm, chủ yếu gồm biệt thự song lập và đơn lập cao cấp.

Doanh nghiệp bất động sản buộc phải 'bán mình'- Ảnh 2.

Phối cảnh dự án Paragon Đại Phước ở xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) cũng tính bán dự án Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà do Công ty CP Hải Duy làm chủ đầu tư; dự án khu chung cư lô C1, phường Bình An, (TP. Dĩ An, Bình Dương) do LDG làm chủ đầu tư và các tài sản, dự án khác thuộc công ty để thanh toán các khoản nợ trái phiếu, nợ ngân hàng .

Tiếp tục được thúc đẩy

Báo cáo của MBS Research cho thấy, thị trường M&A bất động sản sẽ sôi động từ nửa cuối năm nay song đối tượng của các thương vụ M&A vẫn chỉ tập trung tại các dự án đã có tình trạng pháp lý rõ ràng, chất lượng tốt và nhiều tiềm năng để phát triển.

Tương tự, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, M&A bất động sản tiếp tục được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, cả nội địa và quốc tế. Ngoài phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở, bất động sản thương mại văn phòng và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng được các nhà đầu tư để ý.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, kết thúc năm 2023, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, hiện nay vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án và các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở tại TPHCM. Quý I/2024, TPHCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Do đó, Chủ tịch HoREA cho rằng, việc cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 để các doanh nghiệp được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản theo nhu cầu có thể giúp doanh nghiệp tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.

Xem thêm tại cafef.vn