Doanh nghiệp bất động sản đua nhau tìm vốn trên sàn
Phát hành cổ phiếu để huy động vốn
Đây là một trong những chủ đề làm “nóng” phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa diễn ra của Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã NRC). Trước đó, doanh nghiệp này đã có tờ trình về việc huy động 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tưchứng khoán chuyên nghiệp.
Với số tiền huy động được, Danh Khôi dự kiến dùng 520 tỷ đồng để thanh toán tiền nợ thuế, nợ trái phiếu và nợ tại BIDV. Số tiền còn lại được Danh Khôi dùng để gom quỹ đất và bổ sung vốn lưu động. Điều đáng nói, giá chào bán cổ phiếu trong đợt huy động trên là 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với giá giao dịch trên sàn (khoảng 4.700 đồng/cổ phiếu).
Ông Hồ Đức Toàn, Giám đốc tài chính Danh Khôi cho biết, Ban Điều hành của Công ty đã xem xét kỹ lưỡng phương án khi phát hành sẽ có pha loãng. HĐQT cũng trao đổi với nhóm cổ đông lớn, thống nhất chấp nhận pha loãng để chào đón nhà đầu tư mới. Mục đích của đợt phát hành là huy động vốn, phát huy nguồn lực từ cổ đông mới, đích đến cuối cùng là mang lại lợi ích cho cổ đông.
Giá trị sổ sách của cổ phiếu NRC vào cuối năm 2023 khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến quý I/2024 là 181 tỷ đồng. Do đó, lãnh đạo Danh Khôi kỳ vọng, nhà đầu tư đánh giá và nhận ra được triển vọng trong tương lai của Công ty và cổ phiếu NRC. Công ty cũng đang đàm phán với nhiều đối tác tiềm năng khác, kỳ vọng cơ sở phát hành khả thi.
Tương tự, Công ty cổ phần Chương Dương đã lên kế hoạch chào bán 21,99 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 11.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến triển khai trong quý III/2024 đến quý IV/2024. Trong đó, tổng số tiền huy động 241,88 tỷ đồng được Công ty sử dụng để góp vốn vào công ty con, mua lại trái phiếu trước hạn và cơ cấu lại khoản vay ngân hàng ngắn hạn.
Được biết, Chương Dương sẽ ưu tiên giải ngân tiền huy động theo thứ tự. Trong đó, trước tiên là dùng 150 tỷ đồng góp vốn vào Chương Dương Homeland để thực hiện Dự án nhà ở xã hội tại khu đất 1,4 ha (Đồng Nai); thứ hai là dùng 70 tỷ đồng để mua lại trái phiếu đến hạn/mua lại trái phiếu trước hạn; cuối cùng là dùng 21,88 tỷ đồng để cơ cấu lại khoản vay ngân hàng ngắn hạn.
Huy động tiền để cơ cấu khoản vay
Dù thị trường bất động sản đang nhúc nhích hồi phục, nhưng khó khăn về dòng tiền với các doanh nghiệp bất động sản còn hiện hữu, do khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp chưa thực sự dễ dàng.
Nhu cầu vốn lớn để phát triển các dự án cũng như cơ cấu lại các hoạt động tài chính đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trung - dài hạn thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay huy động chính cổ đông trong công ty.
Trong số này, không ít doanh nghiệp huy động tiền của cổ đông để cơ cấu các khoản vay, hoặc thanh toán các khoản nợ đến hạn. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu lên kế hoạch chào bán gần 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số tiền từ đợt chào bán dự kiến là 300 tỷ đồng sẽ được Hodeco dùng để thanh toán gốc và lãi của 8 hợp đồng tín dụng (BIDV 75 tỷ đồng, PG Bank 91 tỷ đồng, TPBank 54 tỷ đồng, Vietcombank 80 tỷ đồng).
Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát cũng muốn huy động 3.000 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ vay và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn. Cụ thể, Công ty lên phương án chào bán gần 160 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 140,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, với cùng mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến cuối năm 2023, Hải Phát Invest có tổng nợ vay 2.465 tỷ đồng, bằng 68,7% vốn chủ sở hữu (nợ vay ngắn hạn là 1.828 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 637 tỷ đồng).
Lạc quan với tín hiệu tích cực từ thị trường
Bên cạnh doanh nghiệp đặt ra kế hoạch huy động vốn từ thị trường chứng khoán để cơ cấu nợ, thì số khác chủ yếu để thực hiện việc triển khai các dự án bất động sản. Điều này thể hiện tham vọng và sự lạc quan của doanh nghiệp trước những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản trước chu kỳ mới.
Ông Lê Thống Nhất, Chủ tịch HĐQT Danh Khôi cho biết, việc mua hai dự án trong phương án sử dụng vốn khi phát hành riêng lẻ chỉ nằm trong kế hoạch, chiến lược năm nay của Công ty là tập trung vào một số sản phẩm mang tính pháp lý chuẩn, định hướng có tính thanh khoản cao.
Ngoài 2 dự án được trình bày trong phương án sử dụng vốn, Ban Điều hành Danh Khôi đang làm việc, tìm hiểu nhiều dự án khác nhau. Trong quá trình tìm hiểu có thể có những dự án tốt hơn và Công ty sẽ quyết định đầu tư vào dự án đó.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản đang chuyển biến tích cực, song doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Trong đó, bài toán tài chính luôn là vấn đề quyết định sống còn với doanh nghiệp.
Dự kiến cuối năm nay, thị trường bất động sản mới bước vào giai đoạn hồi phục. Do đó, việc phát hành thêm cổ phiếu không những giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn tự có, mà còn tránh sự ràng buộc bởi nghĩa vụ trả lợi tức cố định.
Xem thêm tại baodautu.vn