Doanh nghiệp bất động sản nghĩ cách huy động vốn
Mới đây, Công ty cổ phần Fnest hợp tác với Công ty Chứng khoán VPS để bán các căn hộ, biệt thự chia nhỏ cho nhà đầu tư với giá chỉ từ 10.000 đồng/cổ phần.
Theo quảng cáo, với mô hình này, ai cũng có thể tham gia đầu tư với số vốn nhỏ và không cần lo lắng về việc cho thuê hay rao bán bất động sản, bởi đơn vị này sẽ hợp tác với tác với công ty quản lý để tối ưu hóa hiệu quả vận hành.
Song, ngay sau khi có thông tin về “thương vụ” này, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã yêu cầu Công ty Chứng khoán VPS ngừng các hoạt động. Nguyên nhân vì mô hình này khá rủi ro khi chưa có quy định, hành lang pháp lý cụ thể.
Bên cạnh hoạt động chia nhỏ, nhiều doanh nghiệp địa ốc tìm đến giải pháp huy động vốn từ sàn chứng khoán. Một số doanh nghiệp còn tích cực tìm đối tác để ký kết hợp đồng phân phối toàn bộ hoặc phần lớn dự án nhằm thúc đẩy việc ra hàng nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Chẳng hạn, Tập đoàn Danh Khôi ký kết hợp tác chiến lược với Knightsbridge Partners - đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu tại Hồng Kông (Trung Quốc) với kỳ vọng đưa các sản phẩm thuộc Dự án Khu phức hợp thương mại và căn hộ cao cấp Astral City tới nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, một loạt dự án trọng điểm khác của Danh Khôi cũng được tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh như Welltone Luxury (Nha Trang), Nhơn Hội New City (Quy Nhơn), Barya Citi (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
“Các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn được rất nhiều thời gian trong việc triển khai và cung cấp các sản phẩm bất động sản giá trị cho thị trường ở nhiều phân khúc và loại hình. Hiện nay, Danh Khôi đang xúc tiến hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để thực hiện hoạt động M&A trong năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là động lực hồi phục, đa dạng hóa dòng vốn để giúp doanh nghiệp kinh doanh, tăng tính thanh khoản sản phẩm và phục hồi niềm tin thị trường”, một lãnh đạo cấp cao của Danh Khôi nói.
Tương tự, nhằm tái cấu trúc và bổ sung nguồn vốn để triển khai các hoạt động đầu tư của công ty con là Công ty cổ phần ADEC, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC đang lấy ý kiến cổ đông để thông qua chủ trương cho ADEC chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ diện tích đất đã đền bù của dự án khu đô thị mới tại xã Nhơn Đức và Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TP.HCM).
Theo đó, phần đất chuyển nhượng có thể là một phần hoặc toàn bộ diện tích đã được công ty này đền bù (373.544 m2) với giá chuyển nhượng không thấp hơn 2 triệu đồng/m2. Ước tính, ADEC sẽ thu về hơn 747 tỷ đồng cho phần diện tích đã đền bù trên (dự án khu đô thị mới này có tổng diện tích hơn 90 ha).
Trước đó, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty cổ phần Kinh doanh và Dịch vụ bất động sản Realty Holdings cũng thực hiện lễ ký kết hợp tác chiến lược toàn diện. Nội dung cam kết là bán và mua toàn bộ sản phẩm Dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 & 2 (Bình Dương) và Khu đô thị Bắc Hà Thanh (Bình Định).
Thực tế, đây không phải là lần đầu Realty Holdings mua dự án của Công ty Phát Đạt. Trước đó, doanh nghiệp này đã mua toàn bộ block B1 trong Dự án Astral City của Phát Đạt.
Ông Nguyễn Duy Hà, chuyên gia phát triển dự án bất động sản cho rằng, hiện tại vẫn là giai đoạn khá khó khăn cho các chủ đầu tư trong nước, khi dòng tiền còn bị ách tắc vì hàng tồn kho nhiều. Đồng thời, nhiều chủ đầu tư không có nguồn lực mạnh, thị trường đóng băng, càng khiến tình hình tài chính không mấy khả quan.
“Việc tồn đọng sản phẩm sẽ kéo theo chi phí lãi vay lớn, cộng thêm lực cầu thị trường chưa đủ mạnh, nên chủ đầu tư sẽ gặp nhiều thiệt hại nếu không đẩy được dự án. Do đó, việc bán sỉ dự án cũng là một cách để thoát khỏi khó khăn trong giai đoạn này”, ông Hà chia sẻ.
Công ty Chứng khoán MBS nhận định rằng, huy động vốn trên sàn sẽ là hoạt động nổi bật vào thời gian tới của các công ty bất động sản, nhằm tái cấu trúc nợ vay, đáp ứng nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và chi phí phát triển dự án. Bên cạnh đó, hoạt động M&A các dự án bất động sản cũng là một phần quan trọng trong năm 2024.
Việt Dũng
Xem thêm tại baodautu.vn