Doanh nghiệp chịu lỗ từ chênh lệch tỷ giá

Báo cáo tài chính quý 1/2024 của không ít doanh nghiệp đã cho thấy những khoản lỗ lớn vì chênh lệch tỷ giá. Chẳng hạn, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGenco3) ghi nhận mức lỗ ròng 652 tỷ đồng trong quý 1/2024 trong khi cùng kỳ năm trước lãi 621 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân được Công ty này đưa ra là do chi phí tài chính tăng gấp hơn 2 lần năm trước, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá khi quý 1/2024 lỗ 617 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 172 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia đánh giá, tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý 2/2024. Ngân hàng UOB dự báo tỷ giá giữa USD và VND trong quý 2/2024 là 25.600 VND/USD, 25.100 VND/USD trong quý 3/2024, 24.800 VND/USD trong quý 4/2024 và 24.600 VND/USD trong quý 1/2025.

Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong quý 1/2024, Công ty phát sinh khoản lỗ tỷ giá lớn 46 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, khiến lãi ròng giảm 35% xuống 36,5 tỷ đồng, song vẫn là mức lãi cao nhất 4 quý qua kể từ quý 2/2023. Theo giải trình của Vinatex, trong quý 1/2024, tỷ giá tăng cao từ 24.420 VND/USD tại thời điểm đầu năm lên 24.970 VND/USD tại thời điểm 31/3/2024. Trong khi đó, các đơn vị thành viên của Tập đoàn chủ yếu vay bằng USD để phục vụ sản xuất kinh doanh nên việc tỷ giá tăng cao khiến các doanh nghiệp phát sinh lỗ tỷ giá lớn do đánh giá lại số dư gốc vay ngoại tệ.

Tại Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ, doanh thu trong quý 1/2024 đạt 265,8 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ giá vốn giảm mạnh nên lợi nhuận gộp đạt 32,3 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Sợi Thế Kỷ chỉ còn 711,6 triệu đồng, giảm tới 56,3% so với cùng kỳ năm 2023. Theo giải trình, lãnh đạo Công ty cho hay, do thu nhập tài chính kỳ trước khá cao trong khi chênh lệch tỷ giá ghi vào chi phí tài chính kỳ này tăng nhiều hơn so với cùng kỳ làm cho lãi trước và sau thuế giảm. Báo cáo tài chính cho thấy, lỗ chênh lệch tỷ giá đã tăng lên gần 7,6 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024.

Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) ghi nhận lỗ tỷ giá trong quý 1/2024 gần 53 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang chịu lỗ quý 1/2024 lên tới gần 96,3 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân gây lỗ được Công ty đưa ra là do chi phí lãi vay và khoản lỗ tỷ giá hối đoái tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu khác…

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng ghi nhận khoản lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ hơn 646 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước hãng bay này báo lãi khoản mục này là 110 tỷ đồng. Vào tháng 3/2024, tại hội nghị với Chính phủ, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, với 1% thay đổi tỷ giá, doanh nghiệp mất 300 tỷ đồng, nên Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.

Ngoài ra, với nhiều doanh nghiệp có khoản vay nợ lớn bằng USD, biến động và rủi ro tỷ giá cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng từng cho biết, Tập đoàn hiện có dư nợ ngoại tệ khoảng 1,5 tỷ USD nên rất cần tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động ngoại tệ. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực như chăn nuôi, da giày… còn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu thì tình hình tỷ giá biến động mạnh càng gây khó khăn lên chi phí và doanh thu.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhu cầu USD của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.120 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 4/2024 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 3,03% so với tháng 12/2023; tăng 6,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 4,6%. Do đó, trước những biến động tỷ giá như trên, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp nên chủ động có giải pháp phỏng ngừa, bằng cách lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP)…

Trước những biến động trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái can thiệp nhằm ổn định tỷ giá. Báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, kể từ sau khi NHNN bắt đầu bán ngoại tệ, đà tăng của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã dừng lại.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn