Doanh nghiệp chung tay ổn định thị trường tiêu dùng trong bão lũ

Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký và ban hành công điện về việc chủ động chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó ảnh hưởng cơn bão số 4 (Soulik). Công điện được gửi Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Giám đốc Sở Công thương các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... các doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu.

Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố rà soát kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai. Nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, xăng dầu, vật liệu xây dựng... Đôn đốc các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, siêu thị tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh miền Trung. Ưu tiên cung ứng cho các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, ngập lụt, chia cắt cục bộ...

Tích cực mang đến các chương trình hỗ trợ người dân miền Bắc và hiện là miền Trung, 19 siêu thị Co.opmart, 31 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại khu vực miền Trung từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng tăng lượng dự trữ nguồn hàng tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Hàng hóa dự trữ gồm gạo, mì gói, đường, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt. Rau xanh, củ quả, thịt heo, bò, gà các loại… Bên cạnh đó, các trung tâm phân phối Saigon Co.op trên toàn quốc lập kế hoạch vận chuyển, điều tiết nguồn hàng kịp thời cho khu vực miền Trung.

Nhiều doanh nghiệp đã triển khai chương trình bán hàng hóa không lợi nhuận dành cho bà con, các tổ chức cứu trợ vùng lũ.
Nhiều doanh nghiệp đã triển khai chương trình bán hàng hóa không lợi nhuận dành cho bà con, các tổ chức cứu trợ vùng lũ.

Từ nay đến ngày 2/10, hệ thống siêu thị này cũng tổ chức chương trình khuyến mại "Túi hàng to - Giá tiền nhỏ". Chương trình giảm sâu lên đến 50% cho hơn 1.000 sản phẩm thuộc các nhóm hàng thiết yếu như giặt xả, vệ sinh nhà cửa, thực phẩm, các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và em bé hoặc mua tặng kèm sản phẩm cùng loại.

Ngoài ra, với tinh thần "nhường cơm sẻ áo", Saigon Co.op còn triển khai chương trình "Hàng hóa không lợi nhuận dành cho bà con, các tổ chức cứu trợ vùng lũ". Cụ thể, đơn vị chuẩn bị sẵn các phần đồ ăn nhanh đủ dinh dưỡng và túi chăm sóc cá nhân dành riêng cho nam, nữ với giá dao động chỉ 30.000 - 100.000 đồng/phần, bao gồm: nước tinh khiết, sữa, xúc xích, bánh gạo, bàn chải và kem đánh răng, vật dụng cá nhân…

Tương tự, hệ thống MM Mega Market sẽ tăng thêm hai chuyến xe vận chuyển hàng rau củ quả, tương đương 10 tấn, từ Lâm Đồng đến trung tâm MM Mega Market Đà Nẵng, từ đó tiếp tục đưa hàng đến các trung tâm phân phối khác tại miền Trung. MM Mega Market cam kết đảm bảo đầy đủ các mặt hàng tươi sống như thịt cá, bao gồm hàng đông lạnh nhập khẩu từ 12 - 15 tấn; với hàng tươi số lượng dự trữ tăng gấp 3 lần so với ngày thường với mức giá bình ổn. MM Mega Market Việt Nam cho biết, các đơn vị thiện nguyện cần lượng hàng lớn để cứu trợ siêu thị sẽ dành mức chiết khấu tốt nhất tùy đơn hàng.

Những ngày này hệ thống siêu thị BRG Mart cũng tổ chức hàng loạt chương trình khuyến mại giảm giá hàng trăm mặt hàng với mức ưu đãi lên đến 50%. Cụ thể, hệ thống siêu thị BRG giảm giá từ 26 - 30% các loại hoa quả, giảm giá từ 14 - 37% cho mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, cá, hải sản… Giảm giá đến 50% cho các mặt hàng sữa uống, cà phê, trà ô long, mỳ Hảo Hảo, nước mắm Chinsu…. Đáng chú ý, hệ thống BRG còn triển khai chương trình mua 1 tặng 1 với các sản phẩm lạp xưởng tươi, cá trứng, gân thăn bò, tôm nõn…

Doanh nghiệp chung tay ổn định thị trường tiêu dùng trong bão lũ - Ảnh 1

Ông Kaneda Hiroki, Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam cho biết, công ty đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường và cam kết không tăng giá sản phẩm. “Thấu hiểu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão này, chúng tôi tiếp tục nổ lực để hỗ trợ không chỉ về sản phẩm mà cả tiền mặt để chung tay góp phần khắc phục hậu quả bão lũ”, ông Ông Kaneda Hiroki chia sẻ. Cũng theo đại diện Acecook Việt Nam, các cơ quan, đơn vị... có nhu cầu mua những sản phẩm của Acecook như mì ăn liền, phở... phục vụ cho công tác từ thiện các tỉnh phía Bắc, công ty có chính sách bán hàng không lợi nhuận.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn KIDO cũng cho biết, đơn vị đã triển khai chương trình mua 2 tặng 1 các sản phẩm bất kỳ dành cho các đoàn thiện nguyện khi mua sản phẩm để cứu trợ đồng bào vùng lũ. Chương trình dự kiến kéo dài đến hết tháng 9. Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng đã thực hiện chính sách giảm giá 5 - 20% cho các tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sản phẩm để hỗ trợ đồng bào miền Bắc, miền Trung.

Ngoài việc hỗ trợ giá bán hàng, từ ngày 11/9 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm cũng đã liên tục tổ chức các hoạt động trao tặng sữa, bánh, nước, mì gói, các loại thực phẩm chế biến sẵn… cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ. 

Hiện tại miền Bắc, giá rau xanh ở nhiều chợ hiện cao gấp 2 - 3 lần so với trước bão số 3, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết sớm khôi phục vùng sản xuất. Dù vậy, một số hệ thống phân phối lớn có điểm bán ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cho biết nhu cầu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng rau củ quả, trái cây, hàng tươi sống tại thị trường miền Bắc đã giảm nhiệt so với cao điểm tuần trước. Các hệ thống cũng đã giảm lượng hàng cung ứng tăng cường cho miền Bắc, chỉ còn bằng 50% so với tuần trước.

Các doanh nghiệp, siêu thị đã tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa cung ứng các mặt hàng thiết yếu tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung.
Các doanh nghiệp, siêu thị đã tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa cung ứng các mặt hàng thiết yếu tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung.

"Giá các mặt hàng, đặc biệt là hàng rau củ quả, vẫn được bán với giá ổn định. Chúng tôi kiên quyết giữ ổn định giá và yêu cầu các nhà cung cấp phối hợp bình ổn giá để hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn này", ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống MM Mega Market, thông tin. Một hệ thống phân phối khác cho biết trong hơn 240 mã hàng rau củ quả đang bán trên thị trường, chỉ có 29 mã hàng đang được nhà cung cấp ở Lâm Đồng đề nghị tăng giá. Lý do tăng giá hoàn toàn khách quan và thuyết phục nên hệ thống đang xem xét thời điểm áp dụng.

Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương chủ động kiểm tra, tiêu thoát nước kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất, hạt giống để gieo trồng với những diện tích không có khả năng phục hồi, ưu tiên những loại rau ăn lá, rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ. "Theo nhu cầu thị trường và điều kiện cụ thể, trước mắt, chúng ta gieo trồng cây ngắn ngày, rau ăn lá. Những loại này, chỉ khoảng 25-30 ngày sẽ cho thu hoạch", ông Cường khuyến nghị.

Xem thêm tại vneconomy.vn