Doanh nghiệp có cổ phiếu đắt top đầu sàn chứng khoán báo lãi cao nhất 38 quý, thị giá lên sát đỉnh 4 năm

CTCP Bến xe Miền Tây (mã: WCS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt gần 40 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ mức tăng giá vốn chậm hơn mức tăng doanh thu, biên lãi gộp được cải thiện từ 59% cùng kỳ lên 63% trong quý 2/2024. Khấu trừ chi phí giá vốn, Bến xe Miền Tây ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 25 tỷ đồng; tăng gần 24% so với quý 2/2023.

Ngoài ra, doanh thu tài chính của WCS ghi nhận gần 3 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể so với cùng kỳ, ghi nhận gần 4 tỷ đồng. Doanh nghiệp không phát sinh chi phí tài chính và chi phí bán hàng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Bến xe Miền Tây đạt hơn 20 tỷ đồng, tương ứng tăng 23% so với thực hiện cùng kỳ 2023. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất trong gần 10 năm mà WCS đạt được, kể từ quý 4/2014.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, WCS ghi nhận hơn 78 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 39 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 14% và 22% so với cùng kỳ; tương ứng thực hiện được gần 50% mục tiêu doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận năm. Lãi cơ bản trên cổ phiếu EPS đạt 13.650 đồng, nằm top đầu sàn chứng khoán.

Doanh nghiệp có cổ phiếu đắt top đầu sàn chứng khoán báo lãi cao nhất 38 quý, thị giá lên sát đỉnh 4 năm
- Ảnh 1.

Theo tìm hiểu, Bến xe Miền Tây được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 1973, sau năm 1975, Nhà nước tiếp quản, Bến xe tiếp tục hoạt động và trực thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố. Từ ngày 03/5/2006, Bến xe Miền Tây chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần. Ngành nghề kinh doanh: khai thác và kinh doanh bến xe, kinh doanh dịch vụ phục vụ trong bên; vận tải hành khách; cho thuê mặt bằng và kiốt; dịch vụ bốc xếp hàng hóa...

WCS còn được biết đến với truyền thống chia cổ tức bằng tiền cao ngất ngưởng trên sàn chứng khoán. Còn nhớ giai đoạn năm 2018 và năm 2019, doanh nghiệp bến xe này thậm chí đã trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao kỷ lục lên đến 400% và 516%. 

Gần đây nhất, WCS đã "dốc hầu bao" trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 160% (1 cổ phiếu nhận về 1.600 đồng), vượt xa kế hoạch cổ tức "không thấp hơn 20%" đã thông qua hồi đầu năm. Doanh nghiệp này đã tạm ứng cổ tức tiền mặt tỷ lệ 144% vào tháng 3 và hoàn tất thanh toán 16% còn lại trong ngày 21/6 vừa qua.

Trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu WCS chứng kiến đà tăng gần 25% kể từ đầu năm, chốt phiên 22/7 ở mức 230.000 đồng/cp, mức thị giá cao thứ 2 trên sàn HNX (chỉ sau mã VE4). So với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 6/2020 là 235.000 đồng, WCS chỉ còn cách khoảng 2%. Dù vậy, giao dịch tại cổ phiếu này tương đối ảm đạm với khoảng vài trăm tới vài nghìn đơn vị khớp lệnh do lượng cổ phiếu trôi nổi thấp.

Tính đến cuối quý 2, Công ty mẹ là Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH MTV nắm giữ 51% vốn, tiếp đến là America LLC sở hữu 24% vốn và Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình sở hữu 10% vốn.  

Doanh nghiệp có cổ phiếu đắt top đầu sàn chứng khoán báo lãi cao nhất 38 quý, thị giá lên sát đỉnh 4 năm
- Ảnh 2.

Xem thêm tại cafef.vn