Doanh nghiệp có vốn nhà nước: Quy định về lương, thưởng gây tranh cãi

Không hợp lý và thiếu công bằng

Dự thảo Luật quy định, tiền lương, tiền thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp lấy từ lợi nhuận sau thuế.

Hiện tại, theo quy định tại Văn bản số 2092/VBHN-BLĐTBXH của 2092/VBHN-BLĐTBXH của của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế về nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, bao gồm công ty mẹ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam, công ty mẹ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, mức lương theo tháng của chủ tịch hội đồng thành viên, hội đồng quản trị cao nhất 70 triệu đồng, mức lương của thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát cao nhất 60 triệu đồng, mức lương của kiểm soát viên cao nhất 50 triệu đồng.

Tiền lương, tiền thưởng của người lao động, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên công ty gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của công ty.

Văn bản số 2092/VBHN-BLĐTBXH đã hợp nhất Nghị định số 20/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và Nghị định số 87/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP.

Trước đó, ở các doanh nghiệp nhà nước, tiền lương của người quản lý trực tiếp được xác định gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý (hạng doanh nghiệp) tương ứng với mức lương cơ bản (lương tối đa của chủ tịch tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng). Nhà nước áp dụng hệ số tăng thêm tối đa từ 0,5 - 2,5 lần đối với doanh nghiệp có quy mô lợi nhuận từ 700 - 1.500 tỷ đồng, tùy theo lĩnh vực hoạt động. Trường hợp lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch thì người quản lý được hưởng thêm tối đa không quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch.

Lương, thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp có vốn nhà nước đang được tính vào chi phí doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác theo Luật Doanh nghiệp và Luật Kế toán, nhưng theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khoản tiền đó sẽ trích từ lợi nhuận sau thuế.

Dữ liệu từ báo cáo thường niên của nhiều công ty cổ phần có vốn nhà nước đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cho thấy, mức lương, thưởng chi trả cho lãnh đạo doanh nghiệp cao hơn nhiều so với các quy định trên. Chẳng hạn, tại FPT, tổng thù lao thành viên ban kiểm soát, hội đồng quản trị, tiền lương của tổng giám đốc và người quản lý khác của FPT mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng, chưa kể cổ phiếu ESOP. Tại Vinamilk, lãnh đạo doanh nghiệp nhận hàng trăm triệu đồng tiền lương, thưởng mỗi tháng.

Vấn đề là lương, thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp có vốn nhà nước đang được tính vào chi phí doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác theo Luật Doanh nghiệp và Luật Kế toán, còn theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khoản tiền đó sẽ trích từ lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp. Liệu điều này có được các cổ đông khác trong doanh nghiệp chấp thuận, bởi cách tính như dự thảo Luật khiến lợi nhuận có thể chia cổ tức cho cổ đông suy giảm?

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, khoản 2 Điều 84 Luật Doanh nghiệp (đối với công ty TNHH một thành viên) quy định: Tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của người quản lý công ty (chủ tịch công ty/chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc) và kiểm soát viên được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.

Hiện nay, người quản lý doanh nghiệp, bao gồm người đại diện vốn trực tiếp của nhà nước tại doanh nghiệp và người đại diện vốn của các cổ đông khác đều hưởng tiền lương từ chi phí của doanh nghiệp. Do đó, dùng lợi nhuận sau thuế để trả lương cho người đại diện vốn nhà nước chưa phù hợp với bản chất của tiền lương trong doanh nghiệp và mâu thuẫn, khó khăn trong xác định nguồn chi lương đối với các cổ đông khác của công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước.

Ngoài ra, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra quy định lương, thưởng thiếu công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp. Cụ thể, đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, trường hợp kết quả sản xuất - kinh doanh phát sinh lỗ, không còn nguồn quỹ đầu tư phát triển, nguồn tiền lương cho lãnh đạo doanh nghiệp sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác, nếu kết quả sản xuất - kinh doanh phát sinh lỗ, không còn nguồn quỹ đầu tư phát triển, dự luật không đề cập nguồn tiền lương cho lãnh đạo doanh nghiệp lấy từ đâu.

Trong khi đó, Điều 15 dự thảo Luật quy định: “Riêng các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, trường hợp không đủ nguồn từ lợi nhuận sau thuế được Nhà nước đảm bảo trích lập đủ 2 tháng lương thực hiện để lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của người lao động”.

Quy định điều chuyển vốn cần xem xét lại

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế gồm các nội dung ưu tiên: Chi tiền lương, tiền thưởng, trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển. Đồng thời, dự luật quy định, quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp sử dụng để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi trả tiền lương; tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê; thuê kiểm toán báo cáo tài chính; đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp; nộp về ngân sách nhà nước, điều chuyển giữa các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Quy định như vậy, theo nhận xét của các doanh nghiệp là không phù hợp với các nguyên tắc đang áp dụng hiện nay. Đó là quỹ đầu tư phát triển phục vụ nhu cầu đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Các nội dung như chi trả tiền lương, tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê, thuê kiểm toán báo cáo tài chính cần xem xét đưa vào chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác.

Mặt khác, việc điều chuyển quỹ đầu tư phát triển tại các doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng bất công bằng, cào bằng giữa các doanh nghiệp và vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp về sự công bằng giữa các cổ đông.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, Quy chế quản lý tài chính của EVN quy định, lợi nhuận của Tập đoàn sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối như sau: Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có), bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế.

Theo ông Nam, dự luật quy định cơ chế điều chuyển quỹ đầu tư phát triển giữa các doanh nghiệp có thể tạo sự linh hoạt trong cơ chế bố trí vốn, nhưng trong một số trường hợp sẽ làm giảm hoặc có nguy cơ bị các nhà đầu tư/tổ chức khác đánh giá làm giảm tiềm lực của doanh nghiệp, hạn chế sự chủ động, động lực phát triển của doanh nghiệp. EVN đề nghị xem xét theo hướng: Phương án điều chuyển giữa các doanh nghiệp là phương án được xem xét lựa chọn trong trường hợp phải nộp về ngân sách nhà nước.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn