Doanh nghiệp công nghệ đầu tư khủng, cổ phiếu vào "tiêu điểm" đầu tư

Các doanh nghiệp công nghệ vẫn có tỷ lệ tăng trưởng khá trên thị trường (Ảnh: Lê Toàn)
Các doanh nghiệp công nghệ vẫn có tỷ lệ tăng trưởng khá trên thị trường (Ảnh: Lê Toàn)

Sức nóng trên sàn chứng khoán

Năm 2024, FPT là một trong 3 mã chứng khoán chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của các nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị bán ròng hơn 6.000 tỷ đồng. Dù vậy, bất chấp lực cung mạnh mẽ từ xu hướng chốt lời khối ngoại, sức cầu trong nước hỗ trợ và là một trong các động lực giúp cổ phiếu FPT đến cuối năm 2024 vẫn giữ mức tăng tới 85%.

Không riêng FPT, cổ phiếu ngành công nghệ ghi nhận một năm tỏa sáng. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SHS, vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp ngành công nghệ - viễn thông sau nhiều năm liên tục chỉ chiếm khoảng 2%, đã nhanh chóng tăng lên mạnh mẽ trong 3 năm gần đây và hiện nâng tỷ trọng lên 9% tổng vốn hóa.

Sức hút của cổ phiếu công nghệ trên sàn chứng khoán thể hiện qua cả diễn biến giá cổ phiếu lẫn khối lượng giao dịch trên sàn. Sự lên ngôi mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ diễn ra tại Việt Nam và trên toàn cầu. Trước đó, làn sóng đầu tư vào cổ phiếu công nghệ đã lan  tỏa từ Mỹ tới hầu hết thị trường. Tuy nhiên, không chỉ là một hiện tượng tăng giá nhờ hiệu ứng tâm lý, tăng trưởng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng là động lực hỗ trợ hiệu suất đầu tư cổ phiếu công nghệ.

Theo thống kê của SHS, trong năm 2024, nhóm ngành viễn thông ghi nhận mức tăng 242,2%, trong khi nhóm công nghệ thông tin tăng 79,8% so với năm trước. Đây cũng là 2 ngành có mức tăng giá tốt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua.

Về thanh khoản, khối lượng giao dịch ở hai nhóm viễn thông và công nghệ thông tin đều tăng mạnh trong năm 2024, với mức tăng lần lượt là 395,3% và 213,9%.

Cập nhật kết quả kinh doanh của 1.088/1.660 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024, khối phân tích Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) tính toán, lợi nhuận ròng năm 2024 của các công ty trên 3 sàn chứng khoán tăng gần 18% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm công nghệ thông tin ghi nhận mức tăng vượt trội, với 24,2% trong cả năm.

Tăng mạnh nhất về lợi nhuận năm 2024 là Viettel Global, với lợi nhuận sau thuế đạt 7.181 tỷ đồng, gấp 4,4 lần năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục mà doanh nghiệp này từng ghi nhận. Ngoài nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá khá lớn (tăng 2.350 tỷ đồng), lãnh đạo công ty cho biết, hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài tăng trưởng tốt, đặc biệt tại các công ty ví điện tử. Cổ phiếu VGI đã tăng từ mức 26.000 đồng/cổ phiếu lên gần 109.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm giữa năm.

Kết quả kinh doanh của FPT tiếp tục nối dài mức tăng trưởng hai con số, với doanh thu cả năm đạt 62.849 tỷ đồng, tăng gần 20% và lợi nhuận sau thuế đạt 9.420 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Lợi nhuận CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông (Elcom - mã ELC) cũng tăng 20% so với năm 2023.

Cá biệt, Tập đoàn công nghệ CMC (CMG) dù tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận quý III/2024 giảm so với cùng kỳ do giảm lợi nhuận chuyển từ các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, lợi nhuận trong 9 tháng của niên độ tài chính năm 2024 vẫn tăng nhẹ.

Loạt doanh nghiệp đầu tư khủng

Ngoài mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, nhóm doanh nghiệp công nghệ cũng gia tăng đầu tư mạnh mẽ. Năm 2024, Viettel Construction đã đầu tư hơn 158,5 tỷ đồng xây dựng hạ tầng trạm BTS cho thuê. Đây cũng là khoản đầu tư xây dựng cơ bản lớn nhất trong năm của doanh nghiệp này, đưa số trạm BTS do Viettel Construction sở hữu tính đến cuối năm 2024 lên khoảng 10.000 trạm, gấp rưỡi so với thời điểm 1 năm trước.

Hoạt động đầu tư nhanh chóng phản ánh vào kết quả kinh doanh và cho thấy hiệu quả tại công ty này. Phân tích từ chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI cũng cho thấy, doanh thu mảng hạ tầng cho thuê là động lực tăng trưởng có đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu.

Trong khi đó, Elcom cũng có khoản đầu tư lớn thông qua việc mua lại một lô đất có diện tích hơn 7.561m2 tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) để xây dựng dự án tổ hợp văn phòng. Giá trị đầu tư dự án này đến cuối năm 2024 là 213 tỷ đồng. Tập đoàn công nghệ CMC (CMG) cũng đã đầu tư cũng tại khu đô thị này từ các năm trước, xây dựng Không gian sáng tạo CMC tại Hà Nội, với mục tiêu xây dựng khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại, bao gồm cả các hoạt động công nghệ thông tin, công nghệ cao, giáo dục đào tạo. Giá trị đầu tư đến nay là 623 tỷ đồng.

Tại FPT, chỉ riêng dự án AI Factory đã dành gần 980 tỷ đồng đầu tư mới. Cùng với các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu quận 9, F-Town 3, FPT Complex 3..., giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang đến cuối năm 2024 đạt 2.600 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm 1 năm trước đó. Với riêng nhà máy AI, FPT cho biết, nhà máy tại Nhật Bản dự kiến đi vào hoạt động từ cuối tháng 3/2025, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, trong khi nhà máy tại Việt Nam vẫn đang được triển khai đúng tiến độ và dự kiến bắt đầu tạo ra doanh thu ngay quý đầu năm.

Đánh giá về sự xuất hiện của DeepSeek, FPT tin rằng, nhu cầu về GPU Nvidia H100 sẽ không bị ảnh hưởng, mà có thể tạo ra thêm nhiều cơ hội cho các dịch vụ CNTT ứng dụng AI.

Với tiềm năng từ thị trường, nhóm ngành công nghệ được nhiều công ty chứng khoán đưa vào “tiêu điểm” đầu tư năm 2025. Theo Công ty Chứng khoán SHS, nhu cầu đầu tư cho công nghệ gia tăng trên toàn cầu cùng xu hướng AI sẽ là động lực quan trọng cho các công ty công nghệ Việt Nam trong mảng cung ứng dịch vụ. Cùng với đó, chủ trương và chính sách thúc đẩy CNTT cùng với lợi thế về nhân lực là điều kiện để Việt Nam tận dụng được làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn, AI toàn cầu.

Xem thêm tại baodautu.vn