Doanh nghiệp của TS. Lê Xuân Nghĩa 'chết lâm sàng' sau thương vụ đầu tư lịch sử, món nợ để lại khiến Agribank 'khóc thét'
Khoản nợ 58,8 tỷ đồng nhưng tài sản đảm bảo chỉ 300 triệu đồng
Agribank - Chi nhánh Tây Hà Nội vừa phát đi thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (UPCoM: NHP) phát sinh theo hợp đồng tín dụng ngày 10/6/2016. Đến ngày 10/7/2024 (sau 8 năm 1 tháng), giá trị khoản nợ lên đến 58,8 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc 44 tỷ đồng và nợ lãi, nợ quá hạn, lãi chậm trả là 14,8 tỷ đồng. Giá khởi điểm đấu giá là 58,8 tỷ đồng.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đứng sau NHP |
NHP chính là doanh nghiệp do Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Việt Nam - sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT. Ông Nghĩa từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng. Hiện tại, ông Nghĩa đang nắm giữ 3,9 triệu cổ phiếu NHP, tương ứng 14,28% cổ phần.
Số tài sản đảm bảo cho khoản nợ nêu trên là 1 triệu cổ phiếu NHP của ông Nghĩa. Tuy nhiên, trên thị trường, NHP chỉ có thị giá 300 đồng/cp, tương ứng tài sản đảm bảo là 300 triệu đồng, chưa bằng số lẻ của khoản nợ. Nếu chiếu theo giá trị chứng khoán ở thời điểm tháng 6/2016, thì NHP chỉ quanh 16.000 đồng/cp, tài sản đảm bảo là 16 tỷ đồng, vẫn thấp hơn khoản vay.
Trong quá khứ, NHP từng đạt 21.500 đồng/cp, thị giá hiện tại đã giảm 99% so với đỉnh |
Chuyên gia kinh tế "đánh chứng nhưng bị chứng đánh" khiến doanh nghiệp "chết lâm sàng"
NHP ra đời vào năm 2013 do 4 cổ đông sáng lập, địa chỉ tại huyện Phúc Lộc, TP. Hà Nội. Tại đây, công ty có khu nhà xưởng rộng 15.000m², thực hiện sản xuất bao bì PP các loại; đồng thời kết hợp kinh doanh hạt nhựa nhập khẩu PE, PP, in và các sản phẩm liên quan đến in.
Giai đoạn đầu, NHP phát triển khá tốt, bắt đầu có thị trường và đơn hàng từ nhiều đối tác trong và ngoài nước. Đến năm 2016, công ty có mức doanh thu 181,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi công ty do Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa dẫn dắt có quyết định đầu tư "lịch sử" là dùng lượng lớn tài sản doanh nghiệp để tất tay vào cổ phiếu TGG của CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang (tên hiện tại là CTCP The Golden Group) - "siêu cổ phiếu" sau này của Đỗ Thành Nhân.
Từ mốc 30.650 đồng/cp vào tháng 8/2018, TGG giảm về 2.540 đồng/cp vào phiên cuối năm đó và tiếp tục giảm về 830 đồng/cp vào tháng 3/2020.
Năm 2018, NHP lỗ sau thuế 73,1 tỷ đồng. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 thể hiện, công ty kinh doanh dưới giá vốn, đồng thời phải gánh khoản lỗ 33,6 tỷ đồng do đầu tư vào TGG. Không những vậy, NHP phải trích lập 27 tỷ đồng do nợ xấu từ các khoản phải thu. Đây là chưa tính việc công ty ủy thác tiền cho 2 cá nhân mang thêm 16,3 tỷ đồng đi đầu tư vào TGG và gặp thua lỗ nhưng không chịu trích lập.
"Công ty tin tưởng việc trích lập dự phòng khoản đầu tư vào TGG là chưa cần thiết" - trích Báo cáo tài chính kiểm toán 2018.
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tài chính |
Hoạt động kinh doanh thua lỗ, đầu tư thua lỗ, tiền nằm ngoài doanh nghiệp khó đòi về, từ năm 2019 NHP không còn phát sinh doanh thu và chỉ trích lập các khoản lỗ tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Đến hết quý I/2020, công ty ngừng công bố báo cáo tài chính và không còn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong 2 năm nay. Theo báo cáo tự lập, tại thời điểm ngày 31/3/2020, quy mô tài sản của NHP là 279,3 tỷ đồng. Ở phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu còn 167,3 tỷ đồng sau khi trừ đi khoản lỗ lũy kế 110,6 tỷ đồng; nợ phải trả là 112 tỷ đồng, trong đó nợ vay khoảng 69 tỷ đồng.
Cổ phiếu NHP cũng bị UPCoM đưa vào diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch ngày thứ Sáu).
Có cố gắng nhưng "không đáng kể"
Trước đó vào năm 2019, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nghĩa cho biết, do không có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành doanh nghiệp nên ở vai trò Chủ tịch NHP ông đã không nhận biết sớm những dấu hiệu bất thường tại NHP để chấn chỉnh kịp thời.
Doanh nghiệp này rơi vào khó khăn vì nhiều lý do, trong đó 2 lý do chính là năng lực quản lý yếu kém và thị trường không thuận lợi (giá nhựa rơi theo giá dầu nên các hợp đồng xuất khẩu bị ảnh hưởng, thua lỗ).
Trên cương vị Chủ tịch NHP, ông Nghĩa cho biết, ông đang và sẽ nỗ lực tối đa để tái cơ cấu tổ chức điều hành tại NHP; tái cơ cấu, xử lý nợ tồn đọng, cả phần NHP nợ khách hàng và khách hàng nợ doanh nghiệp. Đây là một công việc rất nhiều khó khăn, nhưng ông sẽ cố gắng xử lý tối đa.
Sau 5 năm, nỗ lực "tối đa" nói trên dường như "không đáng kể" khi nhìn vào diễn biến của NHP hiện tại.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn