Doanh nghiệp dẫn đầu mảng bảo hiểm phi nhân thọ công bố thông tin chưa từng có trong lịch sử hoạt động

Công ty cổ phần PVI (PVI) thành lập năm 1996, tiền thân là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) phát triển từ một công ty bảo hiểm nội bộ thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN).

Năm 2007, PVI chuyển đổi hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang mô hình Tổng công ty cổ phần. Hiện tại, doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ và Công ty con với các hoạt động kinh doanh lõi bao gồm: Bảo hiểm phi nhân thọ, Tái bảo hiểm và Quản lý tài sản.

Các công ty con của PVI gồm: Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (PVI Insurance), Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (Hanoi Re) và Công ty Quản lý quỹ PVI (PVI AM). PVI hiện là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực phi nhân thọ với khoảng 14 - 15% thị phần.

Doanh nghiệp dẫn đầu mảng bảo hiểm phi nhân thọ công bố thông tin chưa từng có trong lịch sử hoạt động- Ảnh 1.

Quý 1/2024, PVI đã công bố báo cáo tài chính ấn tượng khi tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Kết quả trong 3 tháng đầu năm công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) ghi nhận 361 tỷ đồng, tăng trưởng 41,5% so với cùng kỳ và đây cũng là mức lãi ròng cao nhất một quý trong lịch sử của PVI.

Trong kỳ PVI ghi nhận doanh thu tài chính 313 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Các hoạt động đóng góp chính đến doanh thu tài chính là lãi tiền gửi 186 tỷ đồng và lãi đầu tư trái phiếu 87 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư của PVI cuối kỳ tổng cộng 13.600 tỷ đồng, trong đó hơn 9.300 tỷ đồng tiền gửi ngắn và dài hạn (chiếm 68,38% tổng danh mục), Trái phiếu doanh nghiệp và TCTD hơn 3.150 tỷ đồng (chiếm 23,1% tổng danh mục), chứng khoán kinh doanh đạt 1.134 tỷ đồng, còn lại là các tài sản đầu tư khác.

"Sau quý 1 khả quan, chúng tôi kỳ vọng PVI sẽ có kết quả kinh doanh tối thiểu ngang với năm 2023, cụ thể 1.246 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 15,4% kế hoạch, lãi ròng tương ứng đạt 957 tỷ đồng, EPS đạt 4.086 đồng/cổ phiếu. Kỳ vọng mức P/E mục tiêu đạt 14,1 lần (trung bình 5 năm), giá mục tiêu của PVI tương ứng đạt 58.000 đồng/cổ phiếu", báo cáo phân tích vừa công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định.

Mirae Asset cũng khuyến nghị PVI phù hợp với nhà đầu tư theo quan điểm mua và nắm giữ hưởng cổ tức. Nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy PVI tại vùng 48.200 – 49.000 đồng/cổ phiếu và cắt lỗ nếu giá cổ phiếu chốt phiên dưới 47.000.

Doanh nghiệp dẫn đầu mảng bảo hiểm phi nhân thọ công bố thông tin chưa từng có trong lịch sử hoạt động- Ảnh 2.

Trong một diễn biến khác, cách đây không lâu, Bảo hiểm PVI đã được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.300 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ này, PVI, tiếp tục là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Việc tăng vốn điều lệ này nằm trong chiến lược phát triển của Bảo hiểm PVI nhằm nâng cao năng lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của công ty.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), doanh thu năm 2023 của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.064 tỷ, tăng 3% so với năm trước. Bồi thường bảo hiểm gốc ước đạt 23.906 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6 % (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).

Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là: Bảo hiểm xe cơ giới (52,5%), bảo hiểm sức khỏe (34,6%), bảo hiểm tàu (35,7%).

Tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 126.837 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 67.648 tỷ đồng; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 32.412 tỷ đồng; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 39.104 tỷ đồng.



Xem thêm tại cafef.vn