Doanh nghiệp dệt may ‘bi quan’ trước triển vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm

Kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2024

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may trong nửa đầu năm 2024 đạt 16,52 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, quý II/2024 đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,2% so với quý I/2024.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm là Mỹ đạt 7,21 tỷ USD, tăng 3,6%; EU (27 nước) đạt 1,95 tỷ USD, tăng 0,8%; Nhật Bản đạt 1,87 tỷ USD, tăng 6,8%; Hàn Quốc đạt 1,36 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp dệt may ‘bi quan’ trước triển vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm
Ảnh minh hoạ

Báo cáo tài chính quý II/2024, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã chứng khoán: TNG) công bố doanh thu thuần đạt 2.173,6 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, TNG lãi ròng 86,3 tỷ đồng, tăng 61,6% so với quý II/2023. Kết quả kinh doanh tích cực của công ty đến từ biên lợi nhuận gộp cải thiện, đạt 16,4% cao hơn mức 12% cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TNG lãi ròng hơn 129 tỷ đồng, tăng 37,7%.

Theo báo cáo của TNG, doanh thu quý vừa qua tăng trưởng là nhờ công ty tập trung khai thác các dòng hàng khó, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời tối ưu hóa chi phí nhờ tăng sử dụng máy móc thiết bị tự động, robot trong việc điều hành, sản xuất.

Còn đối với CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã chứng khoán: TCM), doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.878 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đã hoàn thành 47% so với kế hoạch cả năm. Lợi nhuận ròng ghi nhận ở mức 147,5 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và đạt 85% kế hoạch năm.

Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ (Mã chứng khoán: HTG) còn ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc không kém. Sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ước đạt 2.286 tỷ đồng doanh thu và 142,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 65% kế hoạch cả năm. Còn so với 6 tháng 2023, lợi nhuận của dệt may Hòa Thọ tăng trưởng 75%. Ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, dệt may Hòa Thọ đã nâng kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 lên 262 tỷ đồng, cao hơn 19% so với mục tiêu ban đầu.

Trong nửa đầu năm 2024, một số doanh nghiệp may mặc khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực như Công ty CP May Hữu Nghị (Mã chứng khoán: HNI) đạt 25,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 33%); Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (Mã chứng khoán: AAT) lãi ròng 6 tỷ đồng (tăng 361%).

“Sóng gió” 6 tháng cuối năm

Mặc dù lạc quan về số lượng đơn hàng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Báo cáo mới nhất của dệt may Thành Công cho thấy, đến hết quý III/2024, đơn hàng xuất khẩu của công ty đã được đảm bảo. Tuy nhiên, khi nhìn xa hơn đến quý IV/2024, bức tranh lại trở nên mờ nhạt hơn. Sự thận trọng của các đối tác khiến cho triển vọng kinh doanh trong những tháng cuối năm vẫn còn nhiều ẩn số.

Dệt may Hòa Thọ cũng đang bày tỏ lo ngại về triển vọng ảm đạm trong 6 tháng cuối năm. Áp lực cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là việc các quốc gia đối thủ có thể phá giá nội tệ hỗ trợ xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng do giá cước vận tải biển tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng tăng, chi phí năng lượng và chi phí tài chính cũng có dấu hiệu tăng lên.

Nhiều chuyên gia lưu ý, doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt với khó khăn khi nhiều thị trường lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới lao động và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may.

Ngoài ra, ngành dệt may cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lực lượng lao động. Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu khoảng 500.000 lao động, tập trung vào lao động có tay nghề, lao động cấp trung, quản lý, thiết kế sản phẩm…

Xem thêm tại nguoiquansat.vn