Doanh nghiệp dệt may đã vượt qua “vùng đáy”, nhưng vẫn thận trọng trong sản xuất

Vượt qua “vùng đáy”

Ghi nhận từ Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 74,4 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 47% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 5,8 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 85% kế hoạch năm 2024.

Doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đến từ 3 mảng chính là sản phẩm may (chiếm 74% tổng doanh thu), vải (14%) và sợi (8%). Về thị trường xuất khẩu, trong nửa đầu năm nay, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ thị trường châu Á (chiếm 70,2% tổng doanh thu), tiếp đến là thị trường châu Mỹ (25,2%) và thị trường châu Âu (4,2%).

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết, mức tăng trưởng nói trên vẫn chưa quá lạc quan, vì dựa trên nền kết quả kinh doanh rất thấp của năm 2023 và vẫn chưa đạt được mức tương đương năm 2022. Do vậy, tín hiệu tăng trưởng này chỉ thể hiện sự hồi phục từ “vùng đáy” và đang dần đi lên.

Thời gian gần đây, sức mua từ thị trường Mỹ dần phục hồi; thị trường châu Âu có phục hồi, song khá chậm. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, sức mua tăng, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, Mỹ đang siết chặt truy xuất nguồn gốc bông Tân Cương, nên đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đón sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc.

Một doanh nghiệp khác trong ngành là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (TNG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận kế toán sau thuế đạt 86,3 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, TNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 128,1 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của đại diện TNG, doanh thu từ các hoạt động kinh doanh chính của Công ty trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh nhờ tập trung khai thác các dòng hàng khó, phức tạp. Đặc biệt, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đóng góp đáng kể cho tăng trưởng doanh thu.

Trong khi đó, Công ty May mặc Dony ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 20 - 30% trong 6 tháng đầu năm. Bà Đào Mỹ Linh, Giám đốc kinh doanh Công ty May mặc Dony cho biết, đây là kết quả từ quá trình nỗ lực xúc tiến thương mại, tích cực làm việc với các đối tác của ban lãnh đạo Công ty từ đầu năm 2023 đến nay. Tuy nhiên, để gia tăng tính cạnh tranh, Dony phải đưa ra mức giá thấp hơn, chấp nhận giảm lợi nhuận.

Thận trọng cho giai đoạn cuối năm

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, ngành dệt may sẽ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực trong 6 tháng cuối năm và kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 có thể vượt 44 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành dệt may Việt Nam phải nỗ lực vượt qua nhiều thách thức. Nhu cầu thị trường chưa thực sự cải thiện, trong khi đó, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 16,52 tỷ USD, tăng 5,04% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp dệt may dự báo, từ nay đến cuối năm, đơn hàng sẽ sôi động hơn nhờ mùa lễ hội như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024.

Ông Trần Như Tùng chia sẻ: “Đơn hàng bắt đầu nhiều hơn, nhưng giá bán vẫn rất thấp. Vì vậy, chúng tôi rất thận trọng khi nhận đơn hàng. Tôi cho rằng, giai đoạn này chưa quá lạc quan, nhưng vẫn tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.

Quý IV là mùa cao điểm của dệt may, nên doanh nghiệp không lo thiếu đơn hàng. Thách thức hiện nay là đàm phán mức giá giúp doanh nghiệp có lợi nhuận, tuyển dụng đủ lao động và sản xuất kịp tiến độ để không phải giao hàng bằng đường hàng không khiến chi phí bị đội lên…

Một điểm đáng chú ý là đơn hàng từ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam - trong những tháng cuối năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tình hình lạm phát, hoạt động bầu cử… Bởi vậy, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang tiếp tục theo dõi, dự báo tình hình để chủ động trong kế hoạch sản xuất những tháng cuối năm 2024 cũng như năm 2025.

Theo bà Đào Mỹ Linh, tình hình địa chính trị trên thế giới vẫn phức tạp và khó lường, các nhà nhập khẩu cũng rất thận trọng, buộc doanh nghiệp phải bám sát tình hình đơn hàng, giá cước vận chuyển, tìm nguyên phụ liệu đầu vào với giá hợp lý để có kế hoạch sản xuất tốt, đáp ứng được yêu cầu và tiến độ giao hàng.

“Trong vài năm gần đây, chúng tôi thực hiện chính sách bán hàng số lượng lớn, chấp nhận lợi nhuận thấp để duy trì hợp tác lâu dài. Giữ giá tốt theo chuỗi sẽ là lợi thế để sản phẩm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp trong chuỗi, mỗi doanh nghiệp sẽ chủ động đưa ra mức giá tốt, giảm lợi nhuận để tất cả cùng hưởng lợi trong chuỗi cung ứng này”, bà Linh chia sẻ.

Đại diện Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp dệt may hiện nay là phải liên tục cải tiến để giảm chi phí, đẩy nhanh tốc độ sản xuất, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng.

“Mới đây, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công ra mắt và đưa vào vận hành Dự án ERP (Enterprise Resource Planning) nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh và quản lý. Từ đó, kết nối được nhiều khách hàng hơn, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông và nhà đầu tư”, ông Tùng nói.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn