Doanh nghiệp dệt may với cuộc đua “xanh hoá"

Định hướng phát triển bền vững

“Xanh hóa” sản xuất là yêu cầu tất yếu đối với mọi doanh nghiệp, ngành dệt may cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hiện nay, quá trình chuyển đổi sang sản xuất bền vững đang lan tỏa mạnh mẽ trong ngành, bao gồm cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của ngành dệt may hiện đối mặt với yêu cầu đổi mới toàn diện để nâng cao giá trị và đạt được tính bền vững lâu dài.

Tại Hội nghị “Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc - Xúc tiến đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế số” do Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư và Du lịch Hà Nội tổ chức, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã chia sẻ về các mục tiêu trong chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2035.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITA). Ảnh: Nguyễn Linh

Theo Quyết định 1643/QĐ-TTg, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 6,8% đến 7,2% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030, và từ 7,5% - 8% cho giai đoạn 2021 - 2025. “Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 là 50 - 52 tỷ USD và đến năm 2030 lên tới 68 - 70 tỷ USD, ngành dệt may cần không chỉ tăng cường sản xuất mà còn phải đầu tư mạnh mẽ vào chuỗi giá trị”, ông Cẩm nhìn nhận.

Đặc biệt, tỷ lệ giá trị nội địa trong ngành dệt may cũng được kỳ vọng tăng từ 51 - 55% trong giai đoạn 2021 - 2025, và từ 56 - 60% trong giai đoạn 2026 - 2030. Điều này đòi hỏi ngành phải tập trung tối ưu hóa nguồn cung trong nước, phát triển mạng lưới sản xuất hiện đại, đồng thời nâng cao năng lực quản lý. 

Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã đặt ra định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn và tối ưu hóa chuỗi giá trị nội địa, nhằm xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam có chất lượng cao và sức cạnh tranh nội địa lẫn thị trường quốc tế.

Ngoài ra, việc “xanh hóa” và phát triển bền vững cũng là những yêu cầu cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đòi hỏi ở các nhà cung cấp. Các sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu hiện phải đáp ứng yêu cầu sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. 

Đây là các tiêu chuẩn không chỉ về giá cả, chất lượng mà còn bao gồm các chỉ số phát triển bền vững như ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Những nhà cung cấp đáp ứng được các yêu cầu này sẽ có lợi thế cạnh tranh và thu hút nhiều đơn hàng hơn.

Định hướng phát triển từ nay đến năm 2030 của ngành dệt may là từng bước dịch chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Đây là một bước chuyển quan trọng, đòi hỏi sự đồng bộ từ các khâu sản xuất, kinh doanh, công nghệ cho đến tiêu dùng, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và nâng cao tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng trong nước. 

Tầm nhìn đến năm 2035, ngành dệt may Việt Nam đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng nội địa và đặc biệt là xây dựng các thương hiệu quốc gia đạt tầm quốc tế.

Chinh phục thị trường khó tính nhờ chất lượng

Ông Trương Văn Cẩm cho biết hiện các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ đều yêu cầu khắt khe về sản phẩm dệt may. Điển hình, Liên minh châu Âu đã đưa ra chiến lược “Dệt may bền vững” yêu cầu sản phẩm phải có độ bền cao, có thể tái sử dụng, và chứa hàm lượng tái chế nhất định. Đồng thời, các doanh nghiệp phải minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc và quy trình sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Đối với thị trường Mỹ, Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ đã đặt ra yêu cầu khắt khe về chuỗi cung ứng, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải xác định rõ nguồn gốc nguyên liệu, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn nhân quyền và bảo vệ môi trường. Các đạo luật này đòi hỏi sự thay đổi lớn từ các doanh nghiệp dệt may, từ quy trình quản lý chuỗi cung ứng đến cải tiến công nghệ sản xuất. 

Trong nước, lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về mục tiêu Net Zero vào năm 2050 đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành dệt may. Để đáp ứng các yêu cầu này, ngành này cần đầu tư lớn vào công nghệ dệt nhuộm, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, việc tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào cũng là điều cần thiết để tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết.

Để thích ứng với các yêu cầu đó, ngành dệt may Việt Nam đã và đang đầu tư vào các giải pháp như xử lý nước thải, tái chế chất thải và giảm thiểu khí thải. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi từ việc sử dụng than, dầu sang các nguồn năng lượng thân thiện hơn như điện và biomas… nhằm giảm tác động đến môi trường. 

Chính phủ cần đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may để xây dựng “chiến lược xanh hóa”.

Đặc biệt, sử dụng các nguyên liệu thân thiện môi trường và truyền thống như tơ tằm, đay, gai, chuối, dứa, tre. Xu hướng này vừa đáp ứng yêu cầu thị trường vừa giúp phát huy giá trị bản địa của ngành dệt may. Bên cạnh đó, liên kết giữa các doanh nghiệp cùng địa bàn để thu gom và xử lý nước thải, phế thải hay lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cũng góp phần tạo nên môi trường sản xuất xanh và bền vững hơn.

Khoảng ba năm trở lại đây, Tổng công ty May 10 đã triển khai nhiều hoạt động xanh hóa sản xuất như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng; đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm tái chế, từ thiên nhiên,…

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ: “Xanh hóa sản xuất không còn là việc muốn hay không mà đến nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu bền vững. Ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu đốt bằng điện sinh khối nhằm bảo đảm lượng khí thải carbon ít nhất. Dự kiến, trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của May 10 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải hơn 20.000 tấn carbon ra môi trường”.

Tương tự, TNG Thái Nguyên và LGG Bắc Giang cũng là những đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất bền vững. Trong đó, yếu tố môi trường làm việc, nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao cùng hệ thống máy móc trang bị hiện đại là những ưu tiên hàng đầu mà các doanh nghiệp này hướng đến. Kết quả thu được từ quá trình chuyển đổi chính là khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ giúp người lao động có thể yên tâm làm việc. 

Cùng với đó, hệ thống máy móc hiện đại có khả năng đáp ứng những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường trong sản xuất, giảm thiểu chi phí nguyên liệu, giá thành sản xuất. Chẳng hạn với TNG Thái Nguyên, vào những ngày đủ nắng, dàn pin mặt trời có thể cung cấp đủ 100% năng lượng điện cho nhà máy, trung bình thì có thể đạt khoảng 70 - 80% nhu cầu tiêu thụ điện.

Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. "Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng “chiến lược xanh hóa”, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái…", ông Cẩm thẳng thắn.

Xem thêm tại baodautu.vn