Doanh nghiệp địa ốc “gượng dậy” trong quý IV/2023

Những con số đáng mừng

Tính đến thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệpbất động sản đã công bố tình hình tài chính quý IV/2023. Dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các số liệu cho ra tương đối khả quan. 

Chẳng hạn với Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng, công ty này ghi nhận doanh thu thuần lên tới 68 tỷ đồng trong quý cuối của năm 2023, vượt xa so với mức 1 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, doanh nghiệp lãi ròng khoảng 24 tỷ đồng, trong khi quý IV/2022 còn lỗ gần 13 tỷ đồng.

Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy Bock - B.


Đáng chú ý, cách đây một năm, công ty này gần như không có doanh thu từ bất động sản và chỉ dùng tiền để đầu tưchứng khoán. Tuy nhiên, “gió đã đảo chiều” từ đầu năm 2023 khi công ty bắt đầu kiếm được tiền từ hoạt động chuyển nhượng căn hộ dự án Monarchy - Block B. Dự án này đã giảm tồn kho từ 390,99 tỷ đồng xuống còn 123 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp chuyên về bất động sản công nghiệp làCông ty Sonadezi Châu Đức cũng có kết quả kinh doanh khá tích cực. Theo đó, công ty này có doanh thu quý IV/2023 lên tới gần 259 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hơn 223 tỷ đồng đến từ hoạt động cho thuê đất và phí quản lý, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2022. 

Sau khi trừ các chi phí, Sonadezi Châu Đức báo lãi sau thuế khoảng 56 tỷ đồng, tăng 49% so với quý IV/2022. Qua đó, công ty chính thức có lợi nhuận cả năm vượt 4,1% kế hoạch đề ra. 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có kết quả tài chính “trong mơ”. Chẳng hạn như với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội, doanh thu thuần quý IV/2023 chỉ rơi vào gần 28 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của đà giảm đến từ việc doanh thu hoạt động xây dựng đi xuống. Dẫu vậy, sau khi trừ đi các chi phí, công ty vẫn lãi sau thuế hơn 5 tỷ đồng, cao gấp 32 lần so với cùng kỳ. 

Hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về tổng quan sức khỏe của các doanh nghiệp địa ốc, nhất là trong bối cảnh thị trường đã có một năm đầy khó khăn. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 giảm khoảng 45% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trung bình mỗi tháng có khoảng 107 công ty bất động sản phải rời khỏi thị trường.

Dẫu vậy, thị trường gần đây đã đón nhận thêm các thông tin lạc quan hơn trong những tháng cuối của năm 2023, đặc biệt là từ phía nguồn cung. Theo báo cáo quý IV/2023 của Bộ Xây dựng, phía nhà ở thương mại đã hoàn thành 29 dự án với quy mô khoảng 13.646 căn, tăng 38,1% so với quý trước; cấp phép mới 20 dự án, tương ứng 11.539 căn, tăng 33% so với quý III/2023.

Không chỉ vậy, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.022.532 tỷ đồng, tăng gần 29.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 10. Thông tin này cho thấy nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu trở nên sôi động hơn.

Kỳ vọng sự tích cực sẽ đến trong năm nay

Khi nhìn vào bức tranh tương lai của thị trường bất động sản, hầu hết công ty chứng khoán đều có cái nhìn khá thận trọng. Theo Công ty Chứng Khoán Kỹ Thương (Techcom Securities), ngành bất động sản sẽ có tín hiệu phục hồi trở lại vào cuối năm 2024.

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi trong nửa sau năm 2024.

Tuy nhiên, dự đoán trên chỉ trở thành sự thật khi mặt bằng lãi suất vẫn được hỗ trợ, tiến độ các dự án đầu tư công tiếp tục tăng tốc và thu nhập của người dân dần cải thiện. Không chỉ vậy, việc Quốc hội thông qua các bộ luật liên quan tới bất động sản cũng sẽ là một cú hích quan trọng giúp cải thiện tâm lý của thị trường và tháo gỡ nhiều vướng mắc đối với doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng đà phục hồi của ngành bất động sản có thể sẽ diễn ra chậm chạp trong nửa đầu năm 2024 và bắt đầu phục hồi mạnh mẽ hơn từ khoảng cuối năm. 

“Việc mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu vay mua nhà trong năm nay và cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp bất động sản. Hơn nữa, sự phục hồi của hoạt động vay vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng giải quyết khó khăn về vốn cho các nhà phát triển địa ốc trong những năm tới”, các chuyên gia của VNDIRECT nhận định.

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng triển vọng thị trường trong năm 2024 sẽ có phần tươi sáng hơn năm trước. Tuy nhiên, các thách thức vẫn chưa hề khép lại. Cụ thể, phía doanh nghiệp địa ốc vẫn phải đối mặt với nhiều dự án bị đình trệ và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. 

“Chúng tôi đánh giá hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2024. Phát hành tăng vốn dự kiến là xu hướng huy động chủ yếu của doanh nghiệp, do các ngân hàng đang thận trọng hơn khi cho vay bất động sản. Ngoài ra, hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) dự án cũng sẽ sôi động hơn trong năm nay”, báo cáo của MBS cho biết. 

Ngoài ra, đơn vị này dự báo rằng phân khúc bất động sản trung cấp sẽ là điểm sáng phục hồi trong năm 2024. Ngay trong nửa cuối năm 2023, những tín hiệu tích cực xoay quanh phân khúc này đã nhen nhóm xuất hiện. Qua đó, những doanh nghiệp địa ốc tập trung phát triển các sản phẩm ở thực với mức giá phải chăng sẽ tiếp tục được “hưởng trái ngọt” trong thời gian tới.

Xem thêm tại baodautu.vn