Doanh nghiệp hôm nay: 5 tỷ USD khiến thương hiệu 150 tuổi về tay ThaiBev, 7 năm Sabeco còn lại những gì?
Thị trường bia Việt Nam với tiềm năng tăng trưởng được xem là tiêu điểm thu hút hàng loạt thương hiệu bia lớn như Heniken, ABInbev, Carlsberg, Sapporo… Sự xuất hiện ngày càng nhiều các hãng bia ngoại cũng khiến thị phần ngành bia liên tục xáo trộn, sự cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt hơn.
Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các hãng bia trong nước tự đổi mới mình, bắt kịp nhịp đập thị trường, hoặc chấp nhận dần tự đào thải.
Ở Việt Nam, các thương hiệu bia khá nhiều gồm những ông lớn như Sabeco, Habeco đại diện cho 2 miền Nam - Bắc. Ngoài ra còn có rất nhiều nhãn hiệu bia khác như Trúc Bạch, Halida, Đại Việt… Trong đó Sabeco được xem là hãng bia lớn nhất tại Việt Nam cả về quy mô và thị phần.
Khoản tiền 5 tỷ USD và cách mà doanh nghiệp 150 năm tuổi về tay người Thái “sau 1 đêm”
Đến nay cũng đã gần chục năm từ khi Sabeco bị ThaiBev thâu tóm, chiếm đa số cổ phần, thị trường tài chính gần như chỉ nhắc lại những gì mà ThaiBev thu về hoặc mất đi, và đã dần quên đi con đường đưa thương hiệu 150 năm tuổi về tay người Thái.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán SAB) ngày nay đã có lịch sử lâu đời, tiền thân là một xưởng bia nhỏ do một người Pháp, ông Victor Larue, lập ra tại Sài Gòn vào năm 1875.
Mãi đến năm 1910 xưởng mới phát triển thành một nhà máy hoàn chỉnh với các sản phẩm gồm bia, nước ngọt và nước đá. Năm 1927 nhà máy chính thức sáp nhập vào hệ thống hãng BGI của Pháp.
Năm 1977, hơn 100 năm kể từ ngày xưởng bia được thành lập, sau giải phóng, Bộ Lương thực quyết định giao công ty rượu Miền Nam tiếp nhận và quản lý toàn bộ nhà máy của hãng BGI, đổi tên thành nhà máy bia Sài Gòn.
Năm 1985, nhà máy bia Sài Gòn lắp đặt hệ thống chiết lon, và cho ra đời sản phẩm bia lon đầu tiên của Việt Nam – bia lon 333.
Những năm sau đó, từ các sản phẩm bia chai Larue dung tích 610ml và bia chai 333 dung tích 330ml những ngày đầu tiếp quản, nhà máy đã cho ra đời các sản phẩm đa dạng gồm bia chai Sài Gòn Lager, Sài Gòn Export, Sài Gòn Special.
Công ty cũng liên tục đổi mới mẫu mã, kích thước chai phù hợp với thị hiếu và nhu cầu; các chai bia mang kiểu dáng mới, dung tích 355, 450, 500ml…
“
Lon 333 là dòng bia lon đầu tiên tại Việt Nam
Năm 2007 công ty tiến hành cổ phần hóa, vốn điều lệ 6.413 tỷ đồng. Tính ra, đến nay Sabeco là hãng bia có lịch sử lâu đời nhất của Việt Nam với gần 150 năm tuổi.
Năm 2016 công ty niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã chứng khoán SAB, đưa doanh nghiệp vào một sân chơi lớn hơn, minh bạch hơn, cũng là thị trường vốn tiềm năng hơn. Thời điểm lên sàn Sabeco có vốn điều lệ 6.413 tỷ đồng, không đổi từ khi cổ phần hóa, Bộ Công thương nắm giữ 89,59% vốn.
Đưa Sabeco lên sàn, Bộ Công thương lập tức lên phương án thoái vốn, hơn 343,66 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 53,59%) được đưa ra chào bán cạnh tranh. Bộ Công thương chọn thời điểm thoái vốn khi Sabeco đang bước vào giai đoạn kinh doanh khởi sắc.
Trước và sau khi cổ phần hóa, đến thời điểm thoái vốn tháng 12/2017, Sabeco ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn. Trong đó năm 2017 đạt 34.200 tỷ đồng doanh thu và 4.949 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Chọn đúng thời điểm thoái vốn, nhưng khá ngạc nhiên khi phiên đấu giá cổ phần của Bộ Công thương chỉ có 2 nhà đầu tư tham gia. Đáng chú ý hơn, trong đó có 1 cá nhân chỉ đặt mua vỏn vẹn 20.000 cổ phiếu với giá 320.500 đồng/cổ phiếu, và 1 tổ chức tham gia đặt lệnh trọn lô với giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá kết thúc, toàn bộ cổ phần được đấu giá thành công, Bộ Công thương thu về gần 110.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp chi hơn trăm nghìn tỷ thâu tóm cổ phần Sabeco lúc đó lại mới thành lập được vài tháng, Công ty TNHH Việt Nam Beveragev. Công ty này ban đầu có tên là Công ty TNHH Nga Sơn Bevergev, do CTCP Đầu tư Nga Sơn làm chủ.
Ngay trước khi phiên đấu giá diễn ra, Nga Sơn Bevergev đổi tên thành Công ty TNHH Việt Nam Bevergev, tăng vốn khủng từ 100 tỷ đồng ban đầu lên hơn 681,66 tỷ đồng; Giám đốc, người đại diện là một người Thái Lan. Chủ sở hữu được giới thiệu là F&B Alliance Việt Nam.
Dấu ấn của ThaiBev chỉ thể hiện thực sự rõ khoảng 1 năm sau ngày Bộ Công thương thoái vốn. Giới tài chính lúc đó dùng từ “sau một đêm” để chỉ sự kiện. Cụ thể, Vietnam Bevergev bất ngờ tăng vốn điều lệ “sốc” từ 681 tỷ đồng lên hơn 111.890 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 164 lần.
Phần vốn góp tăng thêm này là của Beerco Limited (99,39%); còn F&B Alliance Việt Nam vẫn góp hơn 681,66 tỷ đồng như ban đầu, giảm tỷ lệ xuống chỉ còn 0,61%. Beerco Limited có địa chỉ trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), là công ty con do ThaiBev sở hữu 100% vốn.
“
5 tỷ USD và "đường vòng" để ThaiBev thâu tóm Sabeco
Câu chuyện 5 tỷ USD giờ mới được nhắc tới. Một năm trước đó Beerco/ThaiBev cho doanh nghiệp non trẻ Vietnam Bevergev vay 5 tỷ USD để thanh toán tiền mua cổ phần Sabeco từ tay Bộ Công thương.
Sau hơn 1 năm, Beerco/ThaiBev chuyển đổi khoản vay này thành cổ phần góp vốn vào Việt Nam Bevergev, nâng vốn điều lệ từ 681 tỷ đồng lên 111.890 tỷ đồng, sở hữu 99,39% Vietnam Bevergev và gián tiếp sở hữu hơn 53% vốn điều lệ Sabeco.
>> Từng chi 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco (SAB), tỷ phú Thái được gì sau 6 năm?
Tại sao ThaiBev phải “đi vòng” để nắm cổ phần Sabeco? Nguyên nhân bắt nguồn từ room ngoại. Khi Bộ Công thương thoái vốn, Sabeco chưa được nới room nên ThaiBev phải dùng phương án cho Vietnam Bevergev vay 5 tỷ USD để mua cổ phần Sabeco.
Cuối 2018 khi room ngoại được nới xong, Beerco/ThaiBev quyết định chuyển đổi khoản vay thành cổ phần, chính thức nắm giữ 99,39% vốn điều lệ Việt Nam Bevergev – tương ứng nắm hơn 53% vốn điều lệ Sabeco.
Chỉ “trong một đêm”, Vietnam Bevergev biến thành doanh nghiệp nước ngoài, cùng với đó, thương hiệu bia Việt gần 150 năm tuổi đã về tay người Thái.
7 năm rót vốn vào Sabeco, ThaiBev còn lại những gì?
Qua 150 năm lịch sử, hiện nay Sabeco đã phát triển 13 dòng sản phẩm, được xuất khẩu đi 5 châu lục với 38 quốc gia.
Về kết quả kinh doanh, năm 2018, doanh thu Sabeco đạt gần 36.000 tỷ đồng, trong đó đa phần, chiếm khoảng 85% là doanh thu bán bia. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.400 tỷ đồng, giảm sút 11%. Năm 2019 Sabeco đạt kỷ lục về doanh thu, xấp xỉ 37.900 tỷ đồng.
Những năm sau đó doanh thu giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt năm 2021 về mức gần 26.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 3.929 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân được cho là do tác động kép, từ những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến người dân thắt chặt chi tiêu; cộng với đó là việc siết chặt việc thổi nồng độ cồn khiến lượng tiêu thụ rượu bia tại các nhà hàng giảm sút.
Năm 2023 vừa qua công ty tiếp tục mạnh tay chi hơn 2.800 tỷ đồng cho quảng cáo, nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn giảm sút. Doanh thu cả năm đạt 30.461 tỷ , giảm 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm gần 23% về mức 4.255 tỷ đồng.
>> Sau mùa hè rực lửa, hai ông lớn ngành bia Habeco (BHN) và Sabeco (SAB) kinh doanh ra sao?
Tháng 8/2023, Sabeco lần đầu tiến hành tăng vốn điều lệ, phương thức dùng nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 1:1. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Sau phát hành, quy mô vốn điều lệ của Sabeco đạt 12.825 tỷ đồng.
“
Rót 110.000 tỷ đồng thâu tóm Sabeco, ThaiBev còn lại những gì?
Đầu tư vào Sabeco với giá mua 320.000 đồng/cổ phần, tổng tiền chi ra gần 110.000 tỷ đồng, Vietnam Bevergev hay Beerco/ThaiBev còn lại những gì? Đây là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư thường “tính hộ” mỗi dịp Sabeco chốt quyền trả cổ tức.
Khoảng 8.800 tỷ đồng là số tiền cổ tức mà ThaiBev nhận về từ 2017 đến nay, trong đó cổ tức năm 2023 được Sabeco chi trả tỷ lệ 15%, vừa chốt quyền nhận vào đầu tháng 1, và tiền thanh toán vào đầu tháng 2/2024.
>> Một doanh nghiệp ngành bia rượu sắp chi gần 2.000 tỷ đồng trả cổ tức
Trên thị trường, cổ phiếu SAB đã giảm sâu từ thời điểm 5 năm trước. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua SAB giảm tiếp về mức 57.000 đồng/cổ phiếu. Với thị giá này, số cổ phần Sabeco mà Vietnam Bevergev đang sở hữu hơn 687,28 triệu đơn vị có giá trị khoảng 39.200 tỷ đồng.
So với con số bỏ ra 110.000 tỷ đồng, số cổ tức thu về 8.800 tỷ đồng và vốn hóa số cổ phần còn lại 39.200 tỷ đồng, ThaiBev đã mất đi rất nhiều sau gần chục năm rót vốn.
>> Công ty mẹ của Sabeco báo lợi nhuận cả năm giảm mạnh
Dư địa nào cho Sabeco?
Trong khi các doanh nghiệp liên tục “quay vòng” vốn kinh doanh, Sabeco lại được mệnh danh trên thị trường là những ông vua tiền mặt. 3 năm nay, từ 2020-2023 tổng dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của Sabeco đều trên 20.000 tỷ đồng, trong đó tính đến cuối 2023 là 22.800 tỷ đồng.
Tiền nhiều, nợ phải trả, đặc biệt là nợ vay tài chính rất thấp, chưa đến nghìn tỷ đồng khiến Sabeco thực sự xứng danh là những ông vua tiền mặt. Tuy vậy đây cũng là thực trạng cho thấy doanh nghiệp không đổi mới đầu tư.
Thị trường bia 0 độ của Việt Nam đã và đang bị các ông lớn nhãn hiệu nước ngoài.
Theo một báo cáo của Vietdata, tính đến cuối năm 2022 mức tiêu thụ bia tại Việt Nam đạt khoảng 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới; đưa Việt Nam thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ.
Cũng theo báo cáo của Vietdata, thị phần bia Việt Nam đang nằm trong tay 4 thương hiệu lớn là Sabeco, Habeco, Heineken và Carlsberg. Qua thống kê doanh số, Vietdata nhận thấy thấy những sản phẩm của Sabeco, Habeco đang dần lép vế trước thương hiệu như Tiger và Heineken.
Nghị định 100 quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã khiến sản lượng tiêu thụ bia giảm mạnh, đây cũng là giai đoạn các sản phẩm bia không độ lên ngôi. Điểm qua các sản phẩm bia 0 độ được ưa thích tại Việt Nam, lại không có tên của Sabeco.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có doanh nghiệp tiên phong sản xuất bia 0 độ, CTCP Tập đoàn bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) với thương hiệu Sagota. Dù “dính” chữ “Sài Gòn”, nhưng Sabibeco chỉ là công ty liên kết của Sabeco.
Từng cho ra đời bia lon 333 - sản phẩm bia lon đầu tiên của Việt Nam, đến nay Sabeco đã mất đi vị thế tiên phong trong các dòng sản phẩm bia chinh phục thị trường đồ uống Việt. Bước đi tiếp theo của Sabeco sẽ ra sao?
>> Sabeco (SAB): Mỗi ngày "đốt" 13,4 tỷ cho chi phí quảng cáo - khuyến mãi, hiệu quả vẫn biệt tăm
Xem thêm tại nguoiquansat.vn