Tài trợ chuỗi cung ứng chỉ tỷ lệ thấp
Chia sẻ xung quanh vấn đề tài trợ chuỗi cung ứng của các ngân hàng, ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng doanh nghiệp (Ngân hàng SHB) cho biết, tài trợ cho chuỗi cung ứng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, tối ưu hóa sự tham gia của các bên trong thực hiện mua bán hàng hóa, cung cấp sản phẩm dịch vụ. Khi tham gia vào chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn thông qua việc ngân hàng tài trợ cho các khoản phải thu, tài trợ cho hàng tồn kho…
Khuyến khích các phương thức tài trợ tiên tiến “Để tăng tỷ lệ tài trợ cho chuỗi cung ứng của các ngân hàng, cơ quan Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động tài trợ thương mại. Cho phép, khuyến khích, thúc đẩy các ngân hàng cung ứng nhiều hơn các phương thức tài trợ thương mại tiên tiến mà các nước trên thế giới đã và đang áp dụng” - ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV chia sẻ. |
Về phía ngân hàng, khi tham gia vào chuỗi cung ứng, ngân hàng có cơ hội gia tăng danh mục khách hàng qua việc tài trợ, cung cấp dịch vụ cho các đối tác đầu vào, đầu ra trong chuỗi cung ứng. Thông qua việc tài trợ cho DN trung tâm, ngân hàng cũng sẽ kiểm soát được dòng tiền thu chi từ DN trung tâm đối với các đối tác để hạn chế rủi ro cho qúa trình cấp tín dụng. Bên cạnh đó, ngoài việc tài trợ cho DN tham gia vào chuỗi cung cứng, cung cấp phương thức thanh toán, bao thanh toán, ngân hàng còn có thể tham gia vào việc tư vấn cho các bên tham gia thông tin về đối tác để qua đó, có thêm thông tin về tiếp cận thị trường. Đồng thời, đánh giá được uy tín, năng lực của khách hàng để hạn chế rủi ro, tăng thêm hiệu quả hoạt động của mình.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ tài trợ thương mại cho 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá 731 tỷ USD của cả nước. Thương mại theo chuỗi cung ứng chiếm một nửa tổng thương mại toàn cầu và 2/3 tổng thương mại quốc tế đối với Việt Nam, nhưng tài trợ thương mại cho hoạt động này lại chỉ chiếm 2% tổng vốn tài trợ thương mại được cung cấp trong nước.
Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất địa phương ở cấp thấp hơn tại những thị trường này phải chịu áp lực tài chính đáng kể khi tham gia hoạt động thương mại. Do yêu cầu cao về tài sản thế chấp và quy trình thẩm định phức tạp nên rất ít các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được nguồn tín dụng và công cụ tài trợ thương mại chính thức, còn lại là tiếp cận theo hướng phi chính thống.
Doanh nghiệp và ngân hàng cùng đồng hành
Lý giải về tỷ lệ tài trợ cho chuỗi cung ứng của các ngân hàng chỉ khoảng 2%, ông Đinh Ngọc Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, SHB nói riêng và các tổ chức tín dụng khác nói chung đã và đang triển khai hoạt động tài trợ cho chuỗi cung ứng cho các DN. Nhưng do khuôn khổ pháp lý cho tài trợ chuỗi hạn chế, thách thức lớn đối với ngân hàng là vấn đề về năng lực quản trị, minh bạch hóa thông tin của các DN tham gia vào chuỗi khiến hoạt động tài trợ chuỗi vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp. Bên cạnh đó, dù có nhiều cơ hội mở ra, nhưng các ngân hàng cũng sẽ phải đầu tư chi phí không nhỏ cho số hóa, công nghệ trong khi để thu hồi được vốn trong tài trợ chuỗi cung ứng cần thời gian dài.
Thêm ý kiến xung quanh vấn đề này, ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV thừa nhận rằng: “Ở thị trường Việt Nam, đúng là DN muốn vay được vốn cần có tài sản đảm bảo. Để kiểm soát rủi ro, phía ngân hàng yêu cầu các DN phải có tài sản đảm bảo mới cấp hạn mức tín dụng, trên cơ sở hạn mức đó thì mới sử dụng công cụ tài trợ thương mại. Còn các sản phẩm, phương thức tài trợ thương mại tiên tiến dựa trên tài trợ cho các khoản phải thu, tài trợ hóa đơn, tài trợ lô hàng… rất ít được áp dụng do tính chất bất ổn và đa phần các DNNVV năng lực còn hạn chế về quản trị, về tài chính, công nghệ…”.
Ngoài ra, ông Long cũng chia sẻ, nhiều DN trung tâm của Việt Nam vẫn không thực sự đồng hành với nhà phân phối và nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng. Sự đảm bảo uy tín từ các DN trung tâm cho các DN trong chuỗi chính là yếu tố quan trọng để các ngân hàng “xuống tay” tài trợ nhưng có nhiều DN trung tâm chỉ giới thiệu các nhà cung cấp, nhà phân phối để ngân hàng tự tiếp cận được thì tiếp cận, không có trách nhiệm gì trong chuỗi đó nên rất khó để ngân hàng có thể chia sẻ được rủi ro với các DN này. Vấn đề nữa khi tài trợ theo chuỗi, theo ông Long là cần phải có công nghệ, có các platform (nền tảng) mà trên cơ sở các platform đó sẽ kết nối giữa người mua, nhà phân phối, DN trung tâm, người bán. Trong khi vấn đề này tại Việt Nam vẫn còn thiếu.
Đưa ra giải pháp cho việc lấp khoảng trống về tài trợ chuỗi, đại diện Ngân hàng BIDV cho rằng, các ngân hàng muốn triển khai được tài trợ theo chuỗi thì có 4 yếu tố cần thiết. Trong đó, công nghệ là quan trọng; mô hình tổ chức tức cấu trúc tổ chức bán hàng phải chuẩn; sản phẩm phải tiêu chuẩn; dựa vào DN trung tâm, khi xác định được DN trung tâm thì sẽ đánh giá được các nhà phân phối, nhà cung cấp để sẵn sàng tài trợ cho chuỗi.
Đồng thời, cần có sự đồng hành của các DN trung tâm. Cần có những chia sẻ, tư vấn để các DN trung tâm hiểu được giá trị khi tham gia vào cùng với ngân hàng, các nhà cung cấp, phân phối thì giá trị, lợi ích của tài trợ cho chuỗi sẽ ngày càng tốt hơn và chính họ sẽ được hưởng lợi. Cùng với đó, do chưa minh bạch trong công tác kế toán, báo cáo tài chính nên ngân hàng cũng e dè trong cung ứng các sản phẩm tài trợ thương mại tiên tiến. Vì thế, các DNNVV phải “tự lớn lên”, hoàn thiện hơn nữa, nhất là về trình độ quản trị DN, minh bạch thông tin tài chính, kế toán...
ÔNG NGUYỄN QUỐC HÙNG - PHÓ CHỦ TỊCH, KIÊM TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI NGÂN HÀNG: Doanh nghiệp cần tạo được niềm tin với ngân hàng Việc cho vay có tài sản đảm bảo hay không do các tổ chức tín dụng quyết định. Có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không cần tài sản đảm bảo vẫn được tiếp cận vốn vay thuận lợi. Vấn đề quan trọng ở đây là các DNNVV chưa tạo được niềm tin với các tổ chức tín dụng nên nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn. Vì vậy, các DNNVV cần thấy được thế yếu của mình để minh bạch, rõ ràng, công khai hơn, chia sẻ khó khăn, tạo niềm tin cho DN trung tâm, cho các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp sao cho các quỹ bảo lãnh DNVNN hoạt động không hiệu quả hơn, tạo điều kiện hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn. Thảo Miên (ghi) |
ÔNG THOMAS JACOBS - GIÁM ĐỐC QUỐC GIA CỦA IFC TẠI VIỆT NAM, CAMPUACHIA VÀ LÀO: Phát triển các công cụ tài trợ mới Việt Nam cần phát triển các công cụ mới như tài trợ chuỗi cung ứng và các dịch vụ số hóa sáng tạo để giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp. Để làm được điều này, cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm giải quyết các yêu cầu về tài sản thế chấp, giao dịch số hóa, các điều kiện của ngân hàng trung ương và khung trách nhiệm giải trình. Báo cáo cũng đề xuất nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà cung cấp trong nước về cách thức tiếp cận tài trợ thương mại. Hà My (ghi) |