Doanh nghiệp kỳ vọng bức tranh xuất khẩu sáng hơn

Không ít doanh nghiệp may mặc đang dồn lực sản xuất để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Đ.T

Đơn hàng về nhiều

Đơn hàng xuất khẩu quần áo thể thao của Công ty Pro-Sports Hà Nội sang Mỹ, châu Âu đã kín đến hết năm. Để phục vụ lượng đơn hàng này, doanh nghiệp đang tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo đủ đầu vào cho sản xuất, giao hàng đúng hẹn cho đơn hàng đã ký.

Bà Trần Thị Hà, Giám đốc Công ty Pro-Sports Hà Nội cho hay: “Với vải dệt thoi - trong nước chưa sản xuất được - doanh nghiệp tăng nhập khẩu khoảng 20% để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu”.

Đơn hàng tăng đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 5 tháng, với kết quả 15,3 tỷ USD, trong đó, dệt may tăng 3,3%, xơ sợi tăng 8,2%. Cùng kỳ này năm ngoái, xuất khẩu của ngành tăng trưởng âm 15,3%.

Ấn tượng hơn cả là ngành gỗ. Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay: “Đơn hàng dồi dào hơn từ cuối quý IV năm ngoái đến nay, xuất khẩu mang về 6,14 tỷ USD, tăng gần 24%”. Với kết quả này, doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm.

Xuất khẩu đang tốt lên, các đơn hàng xuất khẩu về nhiều. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng năm 2024 đạt 156,28 tỷ USD, tăng 14,9%, tương ứng tăng 20,23 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

“Cùng với tiêu dùng nội địa, thu hút đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu là điểm khả quan cho kinh tế Việt Nam”, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định.

Sự hồi phục của xuất khẩu còn thể hiện qua nhập siêu tháng 5 đã quay lại ở mức 0,5 tỷ USD. Nhập khẩu tăng chủ yếu do các lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và dệt may da giày... tăng nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đầu vào.

Việc tăng cường nhập khẩu vật tư đầu vào nhằm phục vụ sản xuất các đơn hàng trong nửa cuối năm nay. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động để đáp ứng đơn hàng từ các thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và hơn 60 thị trường toàn cầu.

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6/2024 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố cũng nhấn mạnh điểm sáng xuất khẩu.

Xuất khẩu được hỗ trợ bởi các mặt hàng công nghiệp, đặc biệt là điện thoại, máy tính, kinh kiện và máy ảnh, máy móc thiết bị phụ tùng, với mức tăng trưởng 2 con số.

“Dự báo xuất khẩu sẽ tăng 10 - 12% trong năm 2024, cán cân thương mại thặng dư ở mức 21 - 24 tỷ USD”, báo cáo của MBS nêu.

Dẫn ra các cơ sở cho tăng trưởng, MBS cho hay, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo, thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024, khi áp lực lạm phát dự kiến giảm, cho phép thu nhập thực tế tăng trở lại, do đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất.

Thêm vào đó, những tín hiệu tích cực từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động thương mại. Cùng với đó, các cải cách về chính sách thương mại và hải quan giúp nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu.

Chèo lái qua khó khăn

Những chỉ dấu về sự hồi phục tiêu dùng hàng hóa toàn cầu đang tạo cú hích đáng kể cho xuất khẩu nửa đầu năm. Nhưng, không khó để nhận thấy, hàng loạt thách thức đang đè nặng lên vai doanh nghiệp. Nhận diện rõ để đưa ra các kịch bản ứng phó linh hoạt, có lợi cho sản xuất, kinh doanh là cách mà nhiều nhà xuất khẩu đang thực hiện.

Dự báo, xuất khẩu sẽ tăng trưởng 10 - 12% trong năm 2024, cán cân thương mại thặng dư 21 - 24 tỷ USD.

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6/2024 của MBS

Đó là gián đoạn kéo dài và chi phí vận tải tăng đột biến bởi các xung đột địa chính trị leo thang; gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu đối thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…

Ngành hàng cà phê, loại nông sản đang hút khách mua hàng quốc tế (xuất khẩu cà phê 5 tháng đạt 2,9 tỷ USD, tăng 44%) “đau đầu” vì phí vận tải biển leo thang quá mạnh. Giá cước container 40 feet đi Mỹ tăng từ hơn 3.000 USD lên xấp xỉ 8.000 USD, nếu xuất khẩu, doanh nghiệp cầm chắc lỗ.

Chủ thương hiệu cà phê trái cây Meet More, ông Nguyễn Ngọc Luận cho hay: “Xung đột leo thang, lạm phát, các nước giảm tiêu dùng, giá nguyên liệu rất cao, giá cước vận chuyển giữ ở mức cao thì doanh nghiệp rất khó bán hàng”.

Giải pháp của doanh nghiệp này là xuất hàng cầm chừng và cố gắng đàm phán hợp đồng mới với khách với đơn giá nhích lên để bù đắp chi phí.

Song song đó, các doanh nghiệp vẫn hy vọng vào các FTA mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác để tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Bộ Công thương cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và sự thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp; kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp. Bộ tạo mọi điều kiện để xuất khẩu có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay.

Xem thêm tại baodautu.vn