Doanh nghiệp kỳ vọng "cất cánh" trong năm 2024

Những mục tiêu ấn tượng

Trong thông điệp gửi tới cán bộ, nhân viên mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho các mảng hoạt động của công ty. Nổi bật trong đó, THACO Industries sẽ tiếp tục đầu tư và đưa vào hoạt động các nhà máy mới tại Chu Lai, bao gồm nhà máy kính xe ô tô du lịch cao cấp; nhà máy linh kiện khung và thân vỏ ô tô, tổ hợp nội thất ô tô du lịch.

Đặc biệt, DN này đặt kế hoạch thành lập và vận hành công ty bán hàng tại Mỹ cho thị trường Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ, Canada, Mexico), thành lập và quản trị 2 văn phòng đại diện tại châu Âu và Australia để hỗ trợ khách hàng hiện hữu và phát triển thị trường. THACO Industries đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2024 là 13.000 tỷ đồng trong đó doanh thu xuất khẩu là 250 triệu USD.

Đối với THACO Auto, trong năm 2024 sẽ phát triển sản phẩm mới, giới thiệu và bán ra thị trường 9 mẫu xe du lịch, 13 mẫu xe tải và 6 mẫu xe bus mang thương hiệu THACO. Đồng thời đầu tư xây dựng Trung tâm R&D mới với quy mô lớn hơn, với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển về công nghệ trong sản xuất lắp ráp ô tô. Kế hoạch bán hàng của THACO Auto trong năm 2024 là 95.400 xe ô tô các loại, chiếm 38% thị phần ô tô trong nước; xuất khẩu hơn 1.600 xe. Doanh thu hợp nhất là 68.400 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, THACO Agri đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 6.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu là 190 triệu USD. Với lĩnh vực logistics (THILOGI), kế hoạch năm 2024 sẽ vận chuyển hơn 20.100 container trái cây và vật tư nông nghiệp đối lưu. Thực hiện dịch vụ vận chuyển các tuyến đường biển nội địa hơn 46.600 container và tuyến quốc tế với 56.600 container. Tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai ước đạt 5 triệu tấn, tăng 62% so với năm 2023. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2024 dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng.

Tính chung các mảng kinh doanh, tổng doanh thu mục tiêu của THACO trong năm 2024 sẽ đạt gần 100.000 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng vừa công bố kế hoạch năm 2024 với doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng, trong khi năm 2023 và 2022 công ty lỗ lần lượt 545 tỷ đồng và 2.079 tỷ đồng. Kể từ quý 4/2023, kết quả kinh doanh của HBC đã có khởi sắc khi lãi sau thuế 101 tỷ đồng, ngắt mạch thua lỗ liên tiếp của 4 quý trước đó. DN này cũng đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sau khi thị trường bất động sản ấm lên. Cuối tháng 12/2023, HBC ký hợp đồng thiết kế và thi công dự án khu nhà ở xã hội tại TP Hải Phòng với tổng giá trị hợp đồng ký kết là gần 4.000 tỷ đồng. Mới nhất, HBC trúng thầu 5 dự án tại Kenya với quy mô gồm 3.400 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 72 triệu USD.

Nhiều DN khác cũng đặt kế hoạch tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 như Tập đoàn Dabaco đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2024 đạt 25.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng- cao gấp 29 lần năm 2023. Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) dự kiến doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 490 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 38% so với thực hiện năm 2023.

Kỳ vọng “cất cánh”

Trong báo cáo chiến lược năm 2024 vừa được Công ty chứng khoán SSI công bố, các chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam sẽ quay lại đà hồi phục trong năm 2024 với các động lực tăng trưởng truyền thống như thương mại, đầu tư công và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Một trong những chất xúc tác lớn nhất cho năm 2024 là tiềm năng ý chí chính trị mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế năm 2024. Trên thực tế, xem xét kỹ hơn kế hoạch Nghị quyết 2024 của Quốc hội, đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài ưu tiên tăng trưởng hơn ổn định kinh tế vĩ mô, cho thấy tiềm năng nới lỏng các chính sách tài chính và tiền tệ.

Trong năm 2023, một loạt lộ trình và khung khổ luật pháp đã được ban hành nhằm mục đích “chuyển đổi” nền kinh tế trong trung và dài hạn, bao gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết 81/2023), Quy hoạch phát triển điện VIII, Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), các luật liên quan đến đất đai. Vì vậy, năm 2024 được đánh giá sẽ là năm “cất cánh” cho việc triển khai và thực hiện. Việt Nam bước vào năm 2024 với dư địa dồi dào để kích thích nhu cầu trong nước, với nợ công ước tính khoảng 39% - 40% GDP (thấp hơn nhiều so với mức trần 60% của Chính phủ). Chính phủ cũng đang tích cực mở rộng nguồn thu từ cơ sở thuế (Quyết định 508/2022/QĐ-TTg về cải cách hệ thống thuế) và IMF ước tính rằng cân đối tài chính của Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt nhẹ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, bao gồm cả cải cách tiền lương.

So với các nước trong khu vực, nợ chính phủ của Việt Nam ở mức dễ kiểm soát và nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực khi Chính phủ đã không đẩy chi tiêu quá mạnh trong thời kỳ Covid-19. Do đó, việc Chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa trong suốt năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế là hoàn toàn hợp lý.

Từ góc độ DN, nhiều đối sách quan trọng cũng đang được triển khai nhằm ứng phó với những biến động của thị trường. Theo ban lãnh đạo MWG, năm 2024, công ty lựa chọn chủ động thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đổi, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc sức mua hồi phục khả quan ở giai đoạn này. Theo đó, MWG sẽ tái cấu trúc toàn diện, giảm lượng, tăng chất để tăng cường sức mạnh nội tại, sẵn sàng bứt phá cho giai đoạn tăng trưởng bền vững. MWG cũng đưa ra định hướng hoạt động kinh doanh gắn với các mục tiêu phát triển bền vững (ESG). Digiworld sẽ mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh khác như phân phối máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh thương hiệu Xiaomi; phân phối độc quyền nhãn hàng Poly chuyên cung cấp các thiết bị hỗ trợ việc học trực tiếp; chuỗi cầm đồ Vietmoney…

Còn tại THACO, ông Trần Bá Dương cho biết sẽ tập trung kiện toàn và nâng cấp quản trị để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới phát triển các nền tảng số để hoàn thành chuyển đổi số trễ nhất là đến năm 2027.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn