Doanh nghiệp linh hoạt xoay xở trước biến động tỷ giá

Rủi ro vẫn tiềm ẩn

Một loạt động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước như hút bớt tiền VND trên thị trường liên ngân hàng thông qua kênh phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ giao ngay, đẩy nền lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lên mức xấp xỉ với lãi suất USD… đã hỗ trợ tỷ giá ổn định ở ngưỡng hiện tại. Theo đó, USD tăng gần 5% so với VND kể từ đầu năm 2024.

Tuy nhiên, theo quan sát, diễn biến này chưa cho thấy sự ổn định khi trong những ngày gần đây tỷ giá vẫn có lúc nhích tăng nhẹ. Tại thời điểm sáng ngày 22/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.254 đồng, tăng 3 đồng so với hôm trước và là ngày thứ 3 tăng liên tiếp kể từ đầu tuần. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng tiếp đà tăng với biên độ dao động từ 3 - 10 đồng so với phiên trước. Giá bán ra dao động quanh mức 25.466 VND/USD, giá mua vào dao động quanh mức 25.170 - 25.166 VND/USD. Chênh lệch mua bán trong khoảng 200 - 300 đồng.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, áp lực lên tỷ giá chưa thể tháo bỏ, nhưng sẽ không quá căng thẳng trong thời gian tới. Lý do lớn nhất là chênh lệch lãi suất đã được giảm thiểu và sẽ kích thích các DN FDI và xuất khẩu bán ra nguồn USD. Tuy nhiên, thặng dư thương mại đang có dấu hiệu giảm dần khi nhập khẩu tăng tốc. Vì vậy, duy trì được thặng dư thương mại dương với nền lãi suất VND phù hợp sẽ hỗ trợ cho bài toán tỷ giá.

Nhiều cách giảm “sốc” tỷ giá

Tỷ giá neo cao đã ảnh hưởng tới chi phí nhập khẩu, gây khó khăn không nhỏ cho các DN khi nhập nguyên phụ liệu trong bối cảnh đầu ra vẫn chưa hết khó khăn. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh cho biết, giá nhập khẩu nhôm làm vỏ chai, hương liệu trái cây đều tăng. Trước tình hình đó, công ty đã phải liên tục rà soát lại các khâu sản xuất, tiết giảm chi phí để không phải tăng giá bán. Cụ thể, công ty nỗ lực để giảm thiểu tối đa tỷ lệ hao hụt trong sử dụng nguyên vật liệu, đồng thời hợp lý hóa thiết bị, máy móc cũng như giảm các chi phí truyền thông, phân phối…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket cho biết, công ty luôn có dự báo, dự trữ nguyên vật liệu để giảm thiểu tối đa các tác động của việc tăng giá sốc. Tuy nhiên, trước áp lực chi phí đầu vào, công ty buộc phải lên kế hoạch tăng giá bán từ 3-5%, song sẽ kèm theo các chương trình hỗ trợ cho đại lý, cửa hàng. DN này cũng tiếp tục rà soát, cải tiến thiết bị sản xuất, đầu tư công nghệ mới để tiết giảm tiêu hao năng lượng.

Trong khi đó, các DN có khoản vay bằng USD cũng có những giải pháp xoay xở để tránh được rủi ro từ biến động tỷ giá. Tại Công ty CP Long Sơn, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết, tỷ giá tăng đã khiến chi phí nhập khẩu điều nhân của công ty tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, tỷ giá tăng lại giúp công ty được hưởng lợi khi xuất khẩu điều nhân. Do đó, về tổng thể công ty không bị tác động từ tỷ giá. Đặc biệt, ông Sơn cho biết, vào đầu năm nay, ông đã quyết định chuyển toàn bộ các khoản vay từ USD sang VND, nhờ đó, công ty đã may mắn thoát được rủi ro từ việc đồng USD tăng giá.

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Masan – DN có dư nợ bằng USD lên tới hàng tỷ USD cũng đã có giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hiệu quả. Cụ thể, từ cuối năm 2023, Masan đã phòng ngừa thành công 100% rủi ro các khoản nợ dài hạn bằng USD với các điều khoản hợp lý từ việc hoán đổi tiền tệ. Theo đó, 950 triệu USD tiền gốc vay được chuyển đổi sang VND ở tỷ giá 23.937 đồng và lãi suất cố định 8,93%. Cùng với đó, Masan cũng hoán đổi lãi suất kết hợp với giao dịch hối đoái kỳ hạn đối với 45 triệu USD thanh toán gốc vào năm 2024 với tỷ giá hối đoái là 24.005 và 300 triệu USD có lãi suất cố định 6,48% mỗi năm trong kỳ hạn 5 năm với tỷ giá hối đoái của 1 năm ở mức 23.790.

Nhờ những giải pháp phù hợp như trên, trong khi nhiều DN phải gánh khoản chi phí tài chính tăng vọt từ nguồn vốn huy động bằng USD trong quý 1/2024, Masan vẫn khẳng định, việc đồng USD tăng giá gần đây không gây ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của công ty. Cụ thể, doanh thu hợp nhất quý 1/2024 của DN này tăng trưởng nhẹ ở mức 18.855 tỷ đồng, lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số tăng gấp đôi so với của quý 4/2023.

Mới đây, Masan cũng đã hoàn tất đợt huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital, quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới, với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD. Masan đã nhận 6.228 tỷ đồng tiền mặt thuần từ khoản đầu tư này, giúp cải thiện đáng kể bảng cân đối kế toán của công ty.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn