Doanh nghiệp nhà ở quý III: Tiếu lý tàng… sầu

Đếm trên một bàn tay

Thống kê của Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đối với 40 doanh nghiệp phát triển nhà ở hàng đầu thị trường hiện nay cho thấy, trong quý III/2024, nhiều đơn vị đã ghi nhận đà tăng trưởng doanh thu khá ấn tượng.

Nổi bật trong số đó là những doanh nghiệp tăng trưởng bằng lần như: Tài chính Hoàng Huy (HoSE: TCH) tăng 5,6 lần, Địa ốc Sài Gòn (HoSE: SGR) tăng 3 lần, Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) tăng 2,7 lần, Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) tăng 2,5 lần. Các doanh nghiệp có mức tăng trưởng hai chữ số ở mức cao gồm: Novaland (HoSE: NVL) tăng 87%, Taseco Land (UPCoM: TAL) tăng 66%, Hải Phát Invest (HoSE: HPX) tăng 42%, Vingroup (HoSE: VIC) tăng 31%, BecamexTDC (HoSE: TDC) tăng 27%, EverLand (HoSE: EVG) tăng 24%...

Đây có thể xem là một tin vui, cho thấy nhịp phục hồi của thị trường bất động sản vẫn đang tiếp diễn, nhất là ở các doanh nghiệp quan trọng như: Vingroup, Novaland.

Tuy nhiên, niềm vui này không lớn, bởi ngoài yếu tố nền so sánh thấp (cùng kỳ năm 2023, thị trường bất động sản vẫn chìm trong khủng hoảng), thì số lượng doanh nghiệp có doanh thu lớn rất ít ỏi, chỉ đếm trên một bàn tay.

Cụ thể, trong 40 doanh nghiệp được đưa vào diện thống kê, chỉ 2 doanh nghiệp có doanh thu vạn tỷ đồng là Vingroup (62.850 tỷ đồng) và Vinhomes – HoSE: VHM (33.323 tỷ đồng); chỉ 3 doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ đồng là Novaland (2.010 tỷ đồng), Tài chính Hoàng Huy (1.413 tỷ đồng) và Đất Xanh – HoSE: DXG (1.013 tỷ đồng).

Có 18/40 doanh nghiệp được thống kê có doanh thu trên ngưỡng 100 tỷ đồng, gồm: Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM – HoSE: CII (706 tỷ đồng), Hải Phát Invest (428 tỷ đồng), Licogi – UPCoM: LIC (389 tỷ đồng), EverLand (332 tỷ đồng), Taseco Land (310 tỷ đồng), Kosy – HoSE: KOS (304 tỷ đồng), CIC Group – HoSE: CKG (300 tỷ đồng), An Gia – HoSE: AGG (268 tỷ đồng), Khang Điền – HoSE: KDH (252 tỷ đồng), IDJ Việt Nam (185 tỷ đồng), TTC Land – HoSE: SCR (184 tỷ đồng), Quốc Cường Gia Lai (178 tỷ đồng), BV Land - UPCoM: BVL (177 tỷ đồng), SJ Group – HoSE: SJS (127 tỷ đồng), Hodeco – HoSE: HDC (124 tỷ đồng), Dịch vụ Hoàng Huy – HoSE: HHS (124 tỷ đồng). Nhưng điều đáng buồn là trong nhóm này, có nhiều doanh nghiệp bị suy giảm rất nặng về doanh thu, như: An Gia (-85%), Licogi (-75%), Khang Điền (-59%), BV Land (-42%), SJ Group (-26%), Hodeco (-26%), Dịch vụ Hoàng Huy (-23%), Đất Xanh (-16%).

Các doanh nghiệp nằm ngoài nhóm “doanh thu trên 100 tỷ đồng” chung cảnh bị suy giảm nặng về doanh thu gồm: Phát Đạt – HoSE: PDR (-99%), Sunshine Homes – UPCoM: SSH (-94%), Lideco – HoSE: NTL (-92%), DIC Group – HoSE: DIG (-80%), Nam Mê Kông – HNX: VC3 (-58%), BGI Group – HNX: VC7 (-34%)…

Không ít doanh nghiệp khác có doanh thu rất thấp, thậm chí ở mức “bé hạt tiêu” như: Địa ốc Hoàng Quân – HoSE: HQC (9 tỷ đồng), Fideco – HoSE: FDC (7 tỷ đồng), Lideco (4 tỷ đồng), Phát Đạt (2,6 tỷ đồng)…

Nỗi niềm lợi nhuận

Cùng với sự kém vui về doanh thu, bức tranh lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của các doanh nghiệp nhà ở cũng chứa đựng đầy nỗi niềm.

Trên thực tế, quý III/2024 có khá nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, không ít doanh nghiệp tăng trưởng bằng lần như: Novaland (21,6 lần), Taseco Land (20 lần), Vingroup (3,5 lần), Lideco (3,4 lần), Hải Phát Invest (2,7 lần), Tài chính Hoàng Huy (2,7 lần), Quốc Cường Gia Lai (2,5 lần), Kosy (2,4 lần), Địa ốc Sài Gòn (2,3 lần). Một số doanh nghiệp khác cũng có mức tăng trưởng hai chữ số như: C.E.O Group – HNX: CEO (73%), EverLand (37%), SJ Group (34%), IDJ Việt Nam (33%), CIC Group (21%)…

Tuy nhiên, xét trên giá trị tuyệt đối, số doanh nghiệp lãi lớn lại rất hiếm. Trong 40 doanh nghiệp được thống kê, chỉ có 3 doanh nghiệp có lợi nhuận trên nghìn tỷ đồng gồm: Vinhomes (8.980 tỷ đồng), Novaland (2.950 tỷ đồng), Vingroup (2.105 tỷ đồng); chỉ 2 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 100 tỷ đồng gồm: Tài chính Hoàng Huy (263 tỷ đồng), Taseco Land (185 tỷ đồng).

Mặt khác, không ít doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh, nhưng thực tế giá trị lợi nhuận không cao, như: Địa ốc Sài Gòn (tăng 2,3 lần, đạt 42 tỷ đồng), Quốc Cường Gia Lai (tăng 2,5 lần, đạt 25 tỷ đồng), Hải Phát Invest (tăng 2,7 lần, đạt 12 tỷ đồng), Kosy (tăng 2,4 lần, đạt 11 tỷ đồng), Lideco (tăng 3,4 lần, đạt 3,5 tỷ đồng), Fideco (tăng 3 lần, đạt 2,4 tỷ đồng)…

Thực tế là có rất nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận ở mức thấp, từ vài chục tỷ đồng đến vài tỷ đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng. Các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp nhất thị trường gồm: EverLand (9 tỷ đồng), BV Land (8 tỷ đồng), Sunshine Homes (8 tỷ đồng), Nam Mê Kông (6 tỷ đồng), Lideco (3,5 tỷ đồng), Fideco (2,4 tỷ đồng), BGI Group (2 tỷ đồng), TTC Land (0,8 tỷ đồng).

Ngoài ra, xét ở một góc độ khác, quý III/2024 chứng kiến khá nhiều doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận rất nặng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có nhiều “ông lớn”, như: Vinhomes (-16%), Đất Xanh (-33%), Phát Đạt (-49%), Hodeco (-59%), Khang Điền (-68%), BV Land (-71%), TTC Land (-77%), An Gia (-88%), BGI Group (-90%), Sunshine Homes (-98%).

Một số doanh nghiệp phải nhờ vào hoạt động tài chính mới có tăng trưởng lợi nhuận hoặc thoát lỗ như: Novaland, Phát Đạt. Số khác thậm chí đã lỗ trước thuế (DIC Group).

Như vậy, có thể thấy, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà ở thực tế khá buồn. Đó là chưa kể, trong quý này, số doanh nghiệp báo lỗ vẫn khá nhiều. Trong đó, trường hợp đáng tiếc nhất là Nam Long – HoSE: NLG (lỗ 40 tỷ đồng). Đây là doanh nghiệp có nền tảng tốt và dự án phù hợp với nhu cầu thị trường, nhưng do suy giảm lãi trong công ty liên doanh, liên kết mà phải chịu lỗ. Còn lại, các doanh nghiệp báo lỗ trong quý đều là những cái tên thuộc vào hàng ngũ “lỗ kinh niên” như: Long Giang Land – HoSE: LGL (lỗ 17 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 4 liên tiếp), DRH Holdings – HoSE: DRH (lỗ 31 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 6 liên tiếp), EVNLand – HoSE: LEC (lỗ 6 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 8 liên tiếp), LDG Group – HoSE: LDG (lỗ 77 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 8 liên tiếp), Danh Khôi – HNX: NRC (lỗ 6 tỷ đồng, tái lỗ sau 4 quý liên tiếp có lãi), Xuân Mai Corp – UPCoM: XMC (lỗ 0,3 tỷ đồng), UDEC – UPCoM: UDC (lỗ 15 tỷ đồng)…

Vì đâu?

Có thể nói, kết quả kinh doanh quý III/2024 đã phản ánh tương đối chính xác diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay: một thị trường có sự hồi phục song chưa mạnh mẽ và là một thị trường có tính phân hoá sâu sắc, có mức độ cô đặc rất cao – biểu hiện rõ nét là phần lớn doanh thu, lợi nhuận của toàn thị trường rơi vào một số doanh nghiệp lớn (như Vingroup, Vinhomes, Novaland, Hoàng Huy…), là những đơn vị có sẵn dự án để khai thác. Trong số này, Vingroup – Vinhomes tiếp tục cho thấy vị thế “bá chủ” của mình, khi gần như là doanh nghiệp quốc nội duy nhất có thể triển khai đồng loạt các dự án lớn và “chia bánh” cho đồng minh (như: Masterise Group, MIK Group, thậm chí là cho nước ngoài như: CapitaLand).

Còn lại, khá nhiều doanh nghiệp cho thấy sự trồi sụt, không chỉ so với cùng kỳ năn trước mà còn so với quý liền kề ngay trước đó, phản ánh tính chất “mùa vụ” của thị trường bất động sản cũng như đặc trưng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của ngành này.

Tất nhiên, trong trò chơi chung của thị trường, có một số doanh nghiệp vẫn băng băng đi lên, cho thấy rất rõ quá trình “tạo sao” đang diễn ra hậu kỳ khủng hoảng.

Tựu trung lại, kết quả kinh doanh quý III/2024 là một thực trạng có thể chấp nhận được đối với các nhà đầu tư, dẫu rằng ít nhiều vẫn để lại những dư vị không mấy dễ chịu. Nói một cách hình ảnh là trong tiếng cười có ẩn chứa niềm chua xót, nhưng dẫu sao vẫn còn có thể cười.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn