Doanh nghiệp niêm yết tăng tốc đầu tư

HAX thúc đẩy hoạt động của công ty con

Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã HAX) vừa công bố về việc sẽ niêm yết cổ phiếu Công ty cổ phần Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ ô tô PTM (PTM) trên HOSE. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Haxaco và Ban tổng giám đốc PTM sẽ hợp tác với các đối tác để thành lập Ban quản lý dự án, nhằm phát triển và mở rộng hiệu quả các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm 2025 của công ty con có vốn điều lệ 320 tỷ đồng này (Haxaco sở hữu 51,62%).

PTM đang phân phối ô tô thương hiệu MG, với 12 đại lý trên cả nước, trong đó có 7 đại lý đạt tiêu chuẩn 3S Premium toàn cầu của MG. Theo kế hoạch, năm 2025, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý phân phối, mục tiêu đạt 18 đại lý, bao gồm 12 đại lý Premium, với sản lượng dự kiến 8.000 xe, chiếm 40% thị phần MG tại Việt Nam.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Haxaco cho biết, mục đích đưa PTM lên niêm yết là muốn minh bạch hoạt động kinh doanh của công ty con, chứ chưa đặt nhiều kỳ vọng vào việc thu hút vốn trên thị trường, bởi nguồn lực nội tại của PTM đủ để phát triển kinh doanh.

“Chúng tôi đang xây nền móng vững chắc và đủ lớn để PTM phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, kỳ vọng mở rộng cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng”, ông Dũng nói.

NHH sẽ huy động vốn cổ phần để đầu tư

Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (mã NHH) vừa thông qua kế hoạch giảm vốn điều lệ Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác và Chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC) từ 200 tỷ đồng xuống 100 tỷ đồng. Số tiền rút ra từ VMC, Nhựa Hà Nội dự kiến góp vào Công ty TNHH An Trung Industries. Cả VMC và An Trung Industries đều là công ty con do Nhựa Hà Nội sở hữu 100% vốn.

Đại hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư mở rộng và di chuyển nhà máy chế tạo khuôn mẫu và sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao tại An Trung Industries, đồng thời cho phép công ty con thuê lại nhà xưởng của Công ty cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát để thực hiện dự án.

An Trung Industries đang sở hữu nhà máy chế tạo khuôn mẫu và sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao tại Khu công nghiệp An Phát Complex trên diện tích hơn 9.000 m2. Tuy nhiên, nhà máy hiện tại chưa đáp ứng được mặt bằng tổ chức sản xuất và nhu cầu mở rộng quy mô theo kế hoạch phát triển.

Công ty dự kiến đầu tư 1.152 tỷ đồng để thực hiện đầu tư mở rộng và di chuyển nhà máy sang địa chỉ mới tại Khu công nghiệp An Phát 1. Năng suất tối đa đối với sản phẩm nhựa dự kiến đạt 15,5 tấn sản phẩm/năm, đối với khuôn mẫu khi đi vào hoạt động toàn bộ và ổn định dự kiến 340 bộ/năm.

Ngoài ra, Nhựa Hà Nội thông qua kế hoạch chào bán 36.440.000 cổ phiếu NHH cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thực hiện trong quý I/2025. Mục đích sử dụng vốn trong đợt phát hành này là góp vốn vào An Trung Industries, số tiền 364,4 tỷ đồng, nâng giá trị góp vốn lên 705,4 tỷ đồng.

Lãnh đạo Nhựa Hà Nội cho hay, Công ty có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nhựa kỹ thuật, linh phụ kiện ô tô, xe máy; cung cấp linh kiện cho các hãng xe lớn ở thị trường Việt Nam như Ford, Vinfast, Toyota, Honda, hoặc xuất hiện trong đồ điện máy gia dụng của Samsung, Panasonic, LG…

Kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm 2024 của Nhựa Hà Nội cho thấy, doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 41%, lên 81,5 tỷ đồng.

TTF mở rộng thị trường

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng tốc thông qua hoạt động đầu tư, mở rộng thị trường.

Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) đang tập trung mở rộng và tìm kiếm khách hàng mới tại EU, Mỹ, đặc biệt là châu Á, UAE, Australia và Đông Á nhằm tăng sản lượng trong quý IV/2024.

Trong đó, TTF thông qua công ty con là Công ty cổ phần Đồ gỗ Casadora (TTF sở hữu 60%) để thâm nhập thị trường UAE. Đồ gỗ Casadora đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài lần đầu, hình thức đầu tư là mua cổ phần của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý. Tổ chức kinh tế thành lập ở nước ngoài mang tên Belmonte Design Services L.L.C, vốn đầu tư 500.000 USD (hơn 12 tỷ đồng) từ vốn chủ sở hữu. Sự khởi đầu này kỳ vọng sẽ đánh dấu bước tiến mới của TTF tại Trung Đông, nơi thị trường bất động sản cao cấp phát triển sôi động.

Động thái mới nhất từ TTF là Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 15/11 thông qua việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Natuzzi Việt Nam, vốn điều lệ 30,6 tỷ đồng, trong đó TTF góp hơn 1,5 tỷ đồng, chiếm 5% vốn.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTF cho biết: “Hiện Mỹ (xuất khẩu) và nội địa (dự án và một phần bán lẻ) vẫn là các thị trường trọng điểm của TTF, với tỷ trọng doanh thu tương đương nhau. Tuy nhiên, để phát triển tốt hơn nữa, TTF cần có mặt ở các thị trường lớn khác. Trong năm vừa qua, TTF đã nắm được một thương hiệu châu Âu (JNL), qua đó đủ sức hút để tham gia sân chơi vô cùng thú vị nhưng cũng rất cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn của thế giới ở khu vực Trung Đông (chủ yếu là UAE và Ả Rập Xê út), với thương hiệu Casadora (cổ điển) và JNL (hiện đại), cùng với thương hiệu Natuzzi nổi tiếng của Ý mà TTF là cổ đông. Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều khách hàng tiềm năng, thiết lập quan hệ và đang tham gia chào giá tại không ít dự án. Kết quả cụ thể sẽ thể hiện trong năm 2025, nhưng chúng tôi đánh giá, những khoản đầu tư và các bước đi này đều đúng và mang lại hiệu quả tốt”.

Theo ông Tín, thị trường Mỹ đã bắt đầu “ấm” trở lại, với nhiều đơn hàng hơn và các nhà máy của Công ty có khả năng sớm kín đơn hàng cho cả năm 2025. Tuy nhiên, nếu các nhà máy Trung Quốc vào Việt Nam nhiều hơn để tránh nguy cơ thuế cao do chính quyền mới của ông Donald Trump dự kiến áp dụng với hàng hoá Trung Quốc sẽ tăng thêm rủi ro cho Việt Nam. Hiện thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam vượt con số 100 tỷ USD/năm.

Thực tế, hoạt động kinh doanh của TTF thời gian qua gặp nhiều khó khăn, 9 tháng đầu năm 2024 lỗ 26,6 tỷ đồng, nhưng ông Tín khẳng định: “Chúng tôi tự tin vẫn có lãi năm nay và các năm tiếp theo với mức độ ngày một tốt hơn”.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn