Lãnh đạo một DN sản xuất đang nợ thuế tại Hà Nội chia sẻ, từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, DN cố gắng gồng gánh. Theo đại diện DN này, chi phí nhân công, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng lượng hàng bán ra giảm do người dân tiết giảm chi tiêu.
Doanh nghiệp mong được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn (Ảnh minh hoạ). |
“Lượng hàng tồn kho lớn đã ăn mòn tích luỹ. Chúng tôi đã tính đủ mọi cách để tồn tại, từ cắt giảm chi phí sản xuất, cắt giảm nhân công, thu gọn nhà xưởng. Với DN, cực chẳng đã mới phải nợ thuế. Bởi nợ thuế sẽ bị dừng xuất hoá đơn và không thể xuất bán hàng hoá. Giai đoạn này, chúng tôi rất mong cơ quan thuế có chính sách hỗ trợ như giãn, hoãn thời gian nộp tiền thuế”, DN này kiến nghị.
Là đơn vị quản lý số lượng DN nhiều thứ 2 cả nước, từ cuối năm 2023, Cục Thuế Hà Nội cho biết, đã đưa ra hàng loạt giải pháp đối phó tình trạng nợ đọng thuế như: mời DN tới làm việc để lắng nghe phản ánh về khó khăn, tìm giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, số lượng DN, cá nhân nợ thuế do Cục Thuế Hà Nội quản lý không ngừng gia tăng.
Đến cuối năm 2023, có hơn 2.200 doanh nghiệp ở Hà Nội nợ gần 1.000 tỷ đồng thuế. Trong đó, nhiều đơn vị nợ tiền thuế lớn như Cty cổ phần Công nghiệp Hàn Việt Nam nợ 75,8 tỷ đồng, Cty TNHH MTV Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin nợ 19 tỷ đồng; Cty cổ phần Tập đoàn Thành Nam nợ hơn 14 tỷ đồng; Cty TNHH Quốc tế Tăng Thành Công nợ 13 tỷ đồng… Một trong những khoản nợ chính của các DN nợ tiền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, kết hợp cho thuê.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, DN gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn để sản xuất, kinh doanh nên khất nợ thuế để có vốn tiếp tục đầu tư.
“DN bị cưỡng chế, ngưng sử dụng hoá đơn hay cấm xuất cảnh người đại diện sẽ rất khó tạo doanh thu. Vì vậy, cơ quan thuế nên có giải pháp hỗ trợ giúp DN nuôi dưỡng nguồn thu. Khi có doanh thu, DN mới có nguồn tiền nộp thuế”, ông Long kiến nghị.