Doanh nghiệp phân bón chờ 'làn sóng' thuế VAT để bứt tốc
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi của Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2025. Điều này mang lại một số lợi ích cho các doanh nghiệp phân bón trong nước.
Kết quả kinh doanh tích cực
Với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhu cầu về phân bón không hề suy giảm. Cùng với đó là lượng xuất khẩu tăng mạnh giúp cho nhu cầu các loại phân bón cũng tăng nhẹ. Trong đó, hầu hết nhu cầu các loại đều tăng, duy chỉ có phân NPK giảm nhẹ.
Thống kê từ báo cáo tài chính cho thấy, hầu hết các “ông lớn” ngành phân bón đều báo kết quả kinh doanh tăng trưởng.
Nhiều doanh nghiệp phân bón trong nước có kết quả kinh doanh ấn tượng. |
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) có doanh thu 3.863 tỷ đồng trong quý 2, lãi ròng 569 tỷ đồng (gấp 2 lần cùng kỳ). Lũy kế nửa đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu 6.607 tỉỷđồng và lãi ròng 915 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 69% so với cùng kỳ.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu hơn 200.000 tấn ure, tương ứng hoàn thành 93% kế hoạch cả năm 2024.
Trong tháng 9/2024, Đạm Cà Mau đạt kế hoạch sản xuất được 67.410 tấn ure với lượng tiêu thụ 80.000 tấn, so với tháng trước tăng lần lượt 47% và 150%. Riêng xuất khẩu phân bón ure trong tháng 9/2024 Đạm Cà Mau đặt mục tiêu đạt 10.000 tấn, giảm 38% so với tháng trước. Doanh nghiệp cũng sản xuất được 11.050 tấn NPK và tiêu thụ 25.000 tấn sản phẩm này trong tháng 9, tăng 14% về lượng sản xuất và gấp 10 lần về lượng tiêu thụ so với tháng trước.
Trong khi đó, CTCP Phân bón Bình Điền gây ấn tượng với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh (935% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là do giá các loại phân lân (DAP, MOP) trong nửa đầu năm duy trì ở mức cao và ít biến động hơn phân ure.
Đạm Phú Mỹ cũng báo lãi ròng 239 tỷ đồng trong quý 2, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Động lực tăng trưởng của Đạm Phú Mỹ từ sự phục hồi của giá phân bón và tiết kiệm chi phí. Qua đó, lợi nhuận sau thuế bán niên đạt 503 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 93% kế hoạch năm.
Một số thành viên của Vinachem cũng có kết quả kinh doanh tích cực như: Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao lãi ròng 67 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ; Hóa chất cơ bản Miền Nam (mã CSV) lãi ròng 69 tỷ đồng, tăng 38%; hay Công ty cổ phần DAP-Vinachem có quý tăng ấn tượng với 64 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 72 lần cùng kỳ và là quý đạt lợi nhuận cao thứ 5 kể từ khi cổ phiếu lên sàn UpCOM năm 2015.
Nhìn chung kết quả kinh doanh và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp phân bón trong nửa đầu năm 2024 đều tăng mạnh, chủ yếu do nền nhu cầu và giá bán năm 2023 thấp. Sang năm 2024, giá các loại phân bón hồi phục trở lại. Cùng với đó, nhu cầu hồi phục sau thiên tai cũng khiến cho doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Cơ hội cho doanh nghiệp nội chiếm lĩnh thị trường
Tại Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2025. Theo các chuyên gia trong ngành, điều này mang lại một số lợi ích cho các doanh nghiệp phân bón trong nước. Với việc áp thuế GTGT, các doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế nguyên liệu đầu vào, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất, nới rộng biên lợi nhuận gộp, góp phần tăng trưởng lợi nhuận.
Đại diện Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình cho rằng, việc áp thuế GTGT đối với phân bón lên mức 5% sẽ mang lại nhiều triển vọng với ngành phân bón nói chung. Đối với Phân lân Ninh Bình, nếu được áp thuế GTGT 5% với phân bón, hàng năm công ty sẽ được khấu trừ thuế trên 10 tỷ đồng. Công ty sẽ có cơ hội đầu tư công nghệ, thiết bị, cải tiến dây chuyền, giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, có cơ hội cạnh tranh hơn nữa với các sản phẩm phân bón ngoại nhập.
Trước lo ngại áp thuế sẽ khiến giá bán tăng, ảnh hưởng tới người nông dân, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, không có cơ sở. Năng lực sản xuất phân bón của doanh nghiệp trong nước lớn, nếu áp thuế 5% thì tác động nhất định tới giá thành sản xuất trong nước (hiện chiếm hơn 73% thị phần). Các doanh nghiệp sản xuất sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra và họ có dư địa giảm giá bán, chiếm lĩnh thị trường.
Bên cạnh việc áp thuế GTGT, ngành phân bón được đánh giá tích cực khi nhu cầu phân bón sẽ tăng cao, nhu cầu xuất khẩu dự kiến sẽ phục hồi, ít chịu áp lực về rủi ro tỷ giá…
Theo đó, Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 3,2% - 4% trong năm 2024, với lĩnh vực trồng trọt dự kiến tăng 2,0% - 2,2%. Điều này dự báo nhu cầu phân bón sẽ tiếp tục gia tăng để đáp ứng nhu cầu canh tác.
Sau khi giảm trong năm 2023, xuất khẩu phân bón của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi mạnh vào năm 2024, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng đang mở rộng thị trường sang Châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cao hơn.
Nhóm doanh nghiệp phân bón ít chịu áp lực vì dư nợ vay USD thấp. Thay vào đó, yếu tố giá urê trong nước và xuất khẩu có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo phân tích của Chứng khoán BIDV, nếu mặt hàng phân bón được áp thuế GTGT 5% có thể giúp lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau trong năm 2025 tăng thêm 6% so với trường hợp không được áp thuế GTGT. Việc áp thuế cũng sẽ giúp Đạm Cà Mau tăng khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
SSI Research dự báo, doanh thu năm 2024 của Đạm Cà Mau tăng 11% so với cùng kỳ năm trước với 14.006 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng trưởng sản lượng và giá bán bình quân. Chi phí khấu hao giảm và thu nhập bất thường liên quan đến hoạt động mua lại Phân bón Hàn Việt sẽ giúp lợi nhuận của Đạm Cà Mau phục hồi đáng kể trong năm 2024 với lãi ròng ước đạt 1.980 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
VFS Securities ước tính năm 2024, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sẽ ghi nhận 4.330 tỷ đồng doanh thu (tăng 25% so với cùng kỳ) và 230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 54%). Kết quả kinh doanh tăng trưởng dựa trên kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ cải thiện.
Anh Đức
Xem thêm tại vnbusiness.vn