Doanh nghiệp sản xuất giải bài toán giá điện tăng

Một số nhóm doanh nghiệp chịu tác động mạnh từ giá điện tăng

Sau khi Bộ Công thương công bố Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ gần 22.000 tỷ đồng trong năm 2023, ngày 11/10/2024, giá bán lẻ điện được bộ này điều chỉnh lên 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 4,8%.

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Công thương đã 3 lần điều chỉnh giá điện, với mức tăng lần lượt là 3%, 4,5% và 4,8%. Với giá điện bản lẻ tính theo bậc, các doanh nghiệp sản xuất sẽ là nhóm có mức tăng chi phí điện nhiều nhất.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, mức giá bán lẻ điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất sau tăng giá điện như sau: cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV, giá từ 1.749 - 3.242 đồng/kWh, tuỳ khung giờ; cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV, giá từ 1.812 - 3.348 đồng/kWh, tuỳ khung giờ.

Chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, chiếm khoảng 14 - 15% giá vốn hàng bán trong lĩnh vực sản xuất xi măng…

Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, việc tăng giá bán lẻ điện xét trên nhiều phương diện sẽ khiến chi phí một số ngành sản xuất tăng lên. Trong đó, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép và chiếm khoảng 14 - 15% giá vốn hàng bán trong lĩnh vực sản xuất xi măng, riêng những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9 -10% giá vốn hàng bán.

Năm 2023, giá điện tăng trong khi sản lượng tiêu thụ chưa tăng tương ứng đã ảnh hưởng tới chi phí đầu vào, khiến nhiều doanh nghiệp xi măng kinh doanh thua lỗ như Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (mã BTS), Công ty cổ phần Vicem Hoàng Mai (mã HOM)…

Đến nay, tình hình tiêu thụ xi măng vẫn chưa khởi sắc. Trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng tiêu thụ xi măng đạt 66 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái (số liệu từ Bộ Xây dựng), duy trì ở mức thấp lịch sử của ngành này.

Đối với thép, sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu có sự hồi phục với tổng tiêu thụ thép các loại trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng cùng kỳ năm ngoái có mức nền thấp, trong khi thị trường bất động sản chưa hồi phục rõ nét vẫn kìm hãm sức tiêu thụ của ngành thép.

Theo thông lệ, quý IV hàng năm, giá và nhu cầu thép thường tăng, nhưng diễn biến trên thị trường hiện nay còn khó lường, các nhà sản xuất thép Trung Quốc tăng cường xuất khẩu làm tăng sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp thép trong nước.

Ở nhóm dệt may, 23% tổng năng lượng được sử dụng trong lĩnh vực dệt, 34% trong lĩnh vực kéo sợi, 38% trong việc xử lý hoá chất và 5% cho các mục đích khác. Thời gian qua, chi phí năng lượng gia tăng, nhưng ngành dệt may hồi phục khá rõ nét, xuất khẩu các sản phẩm đem về khoảng 32 tỷ USD, tăng 7,7% so với mức 29,7 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, ngành dệt may Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ…

Doanh nghiệp nỗ lực chủ động nguồn cung điện

Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, giá điện tăng khiến các doanh nghiệp trong ngành phải tính toán lại phương án sản xuất, đẩy mạnh tiết giảm chi phí, sử dụng điện hiệu quả hơn. Hiện các doanh nghiệp thuộc Vicem đã và đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện.

Năm 2023, dự án tận dụng nhiệt khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện của Xi măng Vicem Bút Sơn đã hoàn thành và chạy thử thành công năng suất (72 giờ) phát điện đối với 2 dây chuyền. Đến ngày 10/1/2024, dự án đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Công trình sau khi đưa vào hoạt động đã cung cấp 25 - 30% lượng điện sử dụng của toàn nhà máy, giảm nhiệt độ thải ra môi trường, giảm nhiệt độ đầu vào cho các công đoạn sau nồi hơi, làm cho các quạt công nghệ hoạt động ổn định hơn, tăng tuổi thọ và hiệu suất lọc bụi điện.

Tại Vicem Hoàng Mai, bình quân mỗi tấn xi măng sản xuất phải sử dụng 80 kWh điện, chi phí điện chiếm khoảng 15% giá thành. Đến nay, doanh nghiệp đang thực hiện dự án Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện tại Nhà máy Xi măng Hoàng Mai có tổng mức đầu tư 255,7 tỷ đồng, tổng công suất lắp đặt 6,5 MW.

Ban lãnh đạo Vicem Hoàng Mai chia sẻ, dự án này nhằm mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm thiểu khí thải ra môi trường và tăng cường hiệu quả sản xuất. Tháng 6/2024, Công ty đã ký kết gói thầu số 1 về cung cấp thiết kế, thiết bị, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, gia công chế tạo và lắp đặt, năm nay sẽ tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo của dự án.

Ở nhóm thép, Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) trong nhiều năm qua đã áp dụng công nghệ thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện, giúp tiết kiệm năng lượng, tự chủ điện cho sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

Ông Hoàng Ngọc Phượng, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho hay, ngoài sử dụng nhiệt dư luyện than coke để phát điện, nhà máy còn tận dụng khí than dư thừa trong quá trình luyện gang, luyện thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện. Theo đó, khả năng thu hồi nhiệt để phát điện chiếm khoảng 75 - 80%, Hòa Phát chỉ lấy khoảng 20 - 25% điện lưới cho sản xuất.

Trong giai đoạn 2, Công ty tiếp tục đầu tư 5 tổ máy phát phát điện nhiệt dư với công suất mỗi tổ máy là 60 MW, nâng tổng công suất phát điện chủ động của toàn khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất lên 660 MW, sản lượng điện hàng năm ước đạt hơn 5 tỷ kWh.

Ở nhóm dệt may, một số doanh nghiệp bắt đầu sử dụng điện mặt trời mái nhà để giảm chi phí điện, đồng thời giảm phát thải khí, hướng tới xanh hoá dệt may, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu lớn.

Từ năm 2020, Công ty cổ phần Sợi Thế kỷ (mã STK) đã hợp tác với đối tác để triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho cả 2 nhà máy Củ Chi và Trảng Bàng, hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất thực tế là 7,4 MWp/năm. Đến năm 2023, hệ thống điện mặt trời áp mái đáp ứng khoảng 6% nhu cầu điện của Công ty. Sợi Thế Kỷ dự kiến sẽ mở rộng công suất năng lượng mặt trời thêm 15 MWp/năm cho Nhà máy Trảng Bàng và 15 MWp/năm cho Nhà máy Unitex thông qua dự án DPPA với đối tác chiến lược.

Tương tự, cuối năm 2023, Tổng công ty May 10 - CTCP (mã M10) đã khởi công dự án Pin năng lượng mặt trời mái nhà tại Trung tâm sản xuất công nghệ cao Hưng Hà. Dự án sau khi hoàn thành sẽ cung cấp 999 kWp/năm, tiết kiệm chi phí về sử dụng điện từ 15 - 20%. Đến tháng 1/2024, May 10 khởi công dự án Điện áp mái tại Xí nghiệp May Hà Quảng có công suất thiết kế 639 kWp để phục vụ sản xuất, không phụ thuộc vào điện lưới. Trong tương lai, May 10 dự kiến sẽ triển khai dự án điện mặt trời tại trụ sở chính ở Hà Nội, tại dự án Nhà máy Thái Hà - Thái Bình và tại các đơn vị khác thuộc Tổng công ty.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn