Doanh nghiệp sản xuất vẫn than khó

Các doanh nghiệp lo lắng năm 2024 sản xuất vẫn suy giảm vì cầu yếu 	Atnh: Đức Thanh
Các doanh nghiệp lo lắng năm 2024 sản xuất vẫn suy giảm vì cầu yếu      Ảnh: Đức Thanh

Áp lực vì cầu yếu

Ngành sản xuất đã đi qua năm 2023 với nhiều gam trầm, sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm trong hơn nửa đầu năm, chỉ có dấu hiệu phục hồi trong 4 tháng cuối năm.

Doanh nghiệp sản xuất thuộc tất cả các ngành chủ chốt đều gặp nhiều khó khăn, chi phí vốn tăng, ảnh hưởng đến sự phục hồi.

Cầu hàng sụt giảm mạnh, kéo hoạt động sản xuất suy yếu, xuất khẩu cũng không thể “khỏe”. Theo Bộ Công thương, kết thúc năm 2023, hàng loạt chỉ tiêu của ngành đều chưa đạt kế hoạch như: tăng trưởng xuất khẩu ước cả năm giảm 4,4% (trong khi kế hoạch tăng 6%); tỷ trọng chế biến chế tạo trong GDP ước đạt 23,84% (trong khi kế hoạch đề ra đạt 25,4 - 25,8%); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp ước cả năm tăng 1,5% (trong khi kế hoạch tăng 8-9%)...

Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng đều ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế so với các năm trước đó.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp (tăng 1,8% so với mức tăng 7,1% của năm 2022), trong khi tỷ lệ tồn kho cao (bình quân năm 2023 là 87,5% so với mức bình quân 78,1% của năm 2022), cho thấy những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 1% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023. 

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, các dữ liệu sản xuất trong tháng cuối cùng của năm 2023 phản ánh bức tranh ngành sản xuất Việt Nam trong hầu hết thời gian của năm qua với tình trạng nhu cầu yếu dẫn tới sản lượng giảm.

Kỳ vọng của năm 2024 là Nhà máy LEGO hơn 1,3 tỷ USD tại Bình Dương sẽ đi vào sản xuất, dự kiến xuất xưởng sản phẩm “Made in Vietnam” chất lượng cao đầu tiên vào nửa cuối năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo giảm, khiến Phó thủ tướng Trần Hồng Hà băn khoăn.

“Công nghiệp chế biến chế tạo là nền tảng cho các ngành công nghiệp khác, nhưng có lĩnh vực giảm khá sâu, tới 43% như điện tử. Nguyên nhân khách quan, chủ quan đều có, nhưng trong “cơn bão” của năm 2023, nền kinh tế đang lộ ra những vấn đề để chúng ta xem xét lại chiến lược trong thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thị trường”, Phó thủ tướng lưu ý.

Kế hoạch sản xuất chỉ dám tính theo tháng

Bộ Công thương dự báo, năm 2024, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Áp lực đến từ cả 3 kênh. Thứ nhất là kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả  xuất khẩu.

Thứ hai là kênh đầu tư quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới.

Thứ ba là kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với USD. Tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu, nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.

Sau năm 2023 tăng trưởng thấp, các ngành sản xuất trong nước phải căng mình phân tích thông tin thị trường để điều chỉnh sản xuất. Với ngành dệt may, theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp, quý IV/2023 đã bắt đầu có đơn hàng trở lại, kỳ vọng khi sức mua của người tiêu dùng tăng lên trong dịp nghỉ lễ, kéo lượng hàng tồn kho giảm. Tuy nhiên, chưa kịp thở phào, doanh nghiệp đang lo xung đột địa chính trị, căng thẳng ở Biển Đỏ, tác động xấu đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Bà Hoàng Thùy Oanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho biết, qua theo dõi và quan sát, thị trường ngành may mặc năm 2024 vẫn còn nhiều biến động, do đó các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng biện pháp thích ứng để giảm mức độ tác động khi thị trường xấu đi.

Dự báo của Wood Mackenzie thì GDP toàn cầu sẽ giảm so với năm 2023 và năm 2022. Xung đột địa chính trị còn kéo dài, dẫn tới áp lực cho người tiêu dùng toàn cầu, họ sẽ giảm mua sắm các hàng hóa không thiết yếu, trong đó có dệt may. Điều này tác động trực tiếp tới tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp.

“Lúc này cần tận dụng những cơ hội nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng, đa dạng hóa mặt hàng, làm những đơn hàng nhỏ…”, bà Oanh nói.

Nhận định thị trường ngành sợi còn yếu, nhiều bất định, ít nhất là phải tới hết quý I, II năm 2024, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài cho hay, kế hoạch sản xuất hiện nay không còn tính theo quý, mà chỉ theo tháng.

Bà Lê Thị Quê Hương, Phó tổng giám đốc Sợi Phú Bài chia sẻ, Công ty đã phải chuyển đổi mặt hàng để đáp ứng thị trường và khách hàng, cố gắng có đủ đơn hàng tới hết tháng 1/2024 để chạy đủ công suất của 3 nhà máy sợi.

Mục tiêu IIP tăng khoảng 7-8% trong năm 2024 mà ngành công thương đặt ra là thách thức lớn trong bối cảnh cầu thị trường hàng hóa thế giới chưa phục hồi. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải co kéo và “cân não” nhiều hơn.

Trong đó, những lĩnh vực sản xuất công nghiệp quan trọng như dệt may, da giày, điện tử… phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu do chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại để xuất khẩu sẽ chịu áp lực nhiều hơn cả. (Năm 2023, riêng điện tử, dệt may, da giày đã đóng góp gần 170 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).

Xem thêm tại baodautu.vn