Doanh nghiệp sợ nhất là lãi suất 'quay đầu' tăng
Trong khi đó, gần đây xuất hiện một số yếu tố khiến lãi suất cho vay có thể tăng lên trong thời gian tới, như thị trường vàng và tỷ giá đang nóng lên, nhu cầu tín dụng tăng lên khiến lãi suất huy động cũng tăng theo.
Mong lãi suất giảm để tính toán bài toán kinh doanh
Các chuyên gia cho rằng, những ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh trong quý I/2024 cũng nên chia sẻ với người dân và doanh nghiệp bằng cách tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Điển hình như nhóm ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank tiếp tục dẫn đầu thị trường về lợi nhuận.
“Hiện, nhiều ngân hàng quy mô lớn đều lãi lớn, từ hàng ngàn đến chục ngàn tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp sản xuất vẫn còn khó khăn. Vì vậy, ngân hàng cần đẩy mạnh giảm lợi nhuận, chia sẻ với doanh nghiệp”, một chuyên gia nêu vấn đề.
Lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. |
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, xuất khẩu thủy sản năm vừa qua giảm gần 20%, nhưng trong quý I/2024 đã tăng trưởng trở lại khoảng 10%, trong đó chủ yếu là ngành tôm. Do đó, nhu cầu vốn cũng bắt đầu trở lại với doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản.
Lãi suất mà doanh nghiệp vay vốn bằng VND hiện nay cũng còn ở mức cao từ 6-8%/năm và khoảng 8-9%/năm đối các doanh nghiệp nhỏ, không còn nhiều tài sản đảm bảo. Trong khi đó, vay vốn bằng USD có lãi suất 5%/năm.
“Sự biến động của tỷ giá khiến rủi ro đối với doanh nghiệp gia tăng, do đó hiện nhiều doanh nghiệp đang xem xét diễn biến của thị trường thay vì mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua khảo sát, các doanh nghiệp cũng mong muốn các ngân hàng giảm thêm lãi suất USD xuống dưới 4%/năm và công bố rộng rãi hơn các gói tín dụng ưu đãi lãi vay”, bà Lan thông tin.
Thực tế, câu chuyện về ngân hàng lãi lớn nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, lãi suất cho vay còn cao đã được các doanh nghiệp, chuyên gia nhắc nhiều. Tuy nhiên, các ngân hàng giải thích do trước đây huy động lãi suất cao nên phải cho vay cao, trong khi các hợp đồng cho vay thường có kỳ hạn dài hơn hợp đồng tiền gửi tiết kiệm nên biến động lãi suất huy động sẽ có ảnh hưởng chậm hơn tới lãi suất cho vay.
Vấn đề này cũng được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu tại Báo cáo thẩm tra về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 ngày 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ phân tích về nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn.
Báo cáo dẫn chứng lợi nhuận sau thuế của một số ngân hàng trong năm 2023 như Vietcombank là 33.054 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022; BIDV: 22.027 tỷ đồng, tăng 20%; MB: 21.053 tỷ đồng, tăng 16%; VietinBank: 20.044 tỷ đồng, tăng 18%...
Lãi suất có dư địa giảm?
Văn phòng Chính phủ cũng vừa phát đi văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại lớn ngoài nhà nước để chỉ đạo, yêu cầu thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay có thể sẽ tăng lên trong 2-3 tháng tới. Nguyên nhân là do thị trường vàng và tỷ giá đang nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới khi bước sang quý II, cầu tín dụng cũng đã bắt đầu phục hồi đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi hạn mức tín dụng cả năm đã được NHNN phân bổ.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô công bố mới đây của Công ty Chứng khoán TPBank (TPS) nhận định, lãi suất huy động và cho vay vẫn đang giữ ở mức khá thấp. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng thương mại lớn khá thấp, nhưng một số ngân hàng có quy mô vốn nhỏ đã bắt đầu nâng lãi suất huy động.
"Lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. Từ huy động vốn đến đưa dòng vốn ra nền kinh tế thường có độ trễ từ 2 đến 3 tháng, vì vậy, khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong 2 – 3 tháng tới là rất cao", TPS dự báo.
Trước đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất huy động tăng sẽ cần độ trễ để lãi suất cho vay tăng. Ông cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng trở lại vào nửa cuối năm 2024, từ đó khiến lãi suất cho vay tăng lên.
Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. "Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, còn trường hợp "sức khỏe" doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút", ông Hiếu phân tích.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn