Doanh nghiệp thuỷ sản trông chờ hồi phục cuối năm

Mảng sáng tối bức tranh tài chính quý II/2024

CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) mới công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024 với doanh thu thuần đạt 2.703 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán thủy sản đạt 2.636 tỷ đồng, tăng 34%. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, Sao Ta báo lãi sau thuế đạt 140,6 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Sao Ta cho biết, kết quả tăng trưởng tích cực như trên chủ yếu là nhờ sản lượng tôm tự nuôi và hoạt động tiêu thụ ổn định, trong đó phần lớn đến từ hoạt động xuất khẩu.

Tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã ABT), trong nửa đầu năm nay, Công ty mang về 280 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 45 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với nửa đầu 2023. Riêng quý II/2024, ABT ghi nhận khoản lãi sau thuế cao nhất trong vòng 14 năm, đạt xấp xỉ 34 tỷ đồng, tăng 19% so với quý II năm ngoái.

Theo ước tính của CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC), doanh thu hợp nhất 6 tháng của doanh nghiệp đạt 6.063 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vĩnh Hoàn cho biết, tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm trong 6 tháng đầu năm nay ghi nhận sự hồi phục tốt. Cụ thể, doanh thu tại thị trường Mỹ đạt 1.772 tỷ đồng, tăng 8%; thị trường châu Âu đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 20%; thị trường Trung Quốc đạt 639 tỷ đồng, tăng 16%. Đặc biệt, doanh thu tại thị trường nội địa tăng trưởng tốt ở mức 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.734 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, CTCP Nam Việt (mã ANV) công bố mức doanh thu 6 tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ, về mức 2.209 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm đến 16,7% so với quý II/2023, về còn 34,41 tỷ đồng. Nếu xét riêng quý II, tình hình của ANV đã có sự cải thiện rõ rệt từ mức lỗ hơn 51 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái đã chuyển sang có lãi 17,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dù chưa công bố báo cáo chính thức, nhưng tại ĐHĐCĐ cuối tháng 6 vừa qua, ông Lê văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã MPC) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất của MPC có tăng nhưng xuất khẩu rất kém. Nguyên nhân chính do Mỹ áp thuế với Trung Quốc rất cao, từ 50 - 100%, dẫn đến việc Trung Quốc gom hết container về nước khiến Việt Nam không đủ tàu và container dù vẫn chấp nhận giá cao. Trong khi đó, việc tuyển công nhân cho nhà máy gặp khó đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của MPC.

Xuất khẩu tăng tốc cuối năm

Trong chia sẻ tại Market talk do Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức mới đây, ông Lê Ngọc Hiển, Chuyên viên Trung tâm Phân tích​ VDSC nhận định, ngành thuỷ sản kỳ vọng tăng trưởng cuối năm chủ yếu nhờ việc tăng trưởng sản lượng, còn giá bán vẫn thấp hơn cùng kỳ. Sự hồi phục sẽ thể hiện dần ở thị trường Mỹ, trong khi các thị trường khác vẫn còn khó khăn.

Đối với cá tra, thị trường Mỹ được kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nhờ duy trì mức giá bán cạnh tranh với các loại cá khác và kinh tế Mỹ hồi phục dần nhờ Fed giảm lãi suất. Giá bán vào Mỹ năm 2024 kỳ vọng sẽ cải thiện dần theo sự hồi phục của nền kinh tế, tuy nhiên khó tăng cao khi nhu cầu tại Mỹ chưa cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, thuế chống bán phá giá lần 19 giảm so với lần 18 đối với một vài doanh nghiệp sẽ giúp duy trì lợi thế cạnh tranh về giá.

Sản lượng cá tra vào thị trường Trung Quốc cũng kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ giá bán cạnh tranh so với cá rô phi trong khi nền kinh tế nước này còn yếu. Sản lượng tăng ở Trung Quốc sẽ giúp giảm sản lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho sự tăng giá trở lại của toàn ngành cá tra trong năm sau khi nguồn cung giảm dần.

Nhưng ở thị trường EU, cả sản lượng và giá bán sẽ khó tăng trưởng trong nửa cuối năm khi phải cạnh tranh với nguồn cung dồi dào của cá minh thái và tình hình kinh tế chưa cải thiện.

Đối với tôm, ông Hiển kỳ vọng sản lượng sẽ tăng trưởng tại Trung Quốc và Mỹ nhờ nền kinh tế phục hồi trong khi giá bán tương đương cùng kỳ do áp lực cạnh tranh về giá với Ecuador còn cao.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ tại trường Nhật tiếp tục cải thiện, giá bán phụ thuộc vào sự mạnh lên của đồng yên Nhật khi Mỹ cắt giảm lãi suất. Còn thị trường Anh kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ sản lượng và giá bán khi mức độ cạnh tranh cao và nền kinh tế EU còn khó khăn.

Từ những phân tích trên, chuyên gia VDSC cho rằng, đối với ngành cá tra, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có tỷ trọng doanh thu tại Mỹ cao như VHC sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi ngành tôm, các doanh nghiệp tỷ trọng xuất khẩu qua Nhật cao như FMC sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có tỷ lệ tự chủ nguồn tôm/cá nguyên liệu cao như VHC, ANV và FMC sẽ hưởng lợi nhờ chi phí thức ăn giảm và giá bán tăng dần.

Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta đánh giá, trong nửa cuối năm 2024, tổng quan là giai đoạn dễ thở hơn, nhu cầu thị trường tăng mạnh.

"Quý III/2024, FMC sẽ tập trung thu hoạch vụ nuôi tôm chính. Ngay sau thu hoạch là thả vụ hai. Qua đó, FMC có nền tảng để giảm giá thành sản phẩm cuối cùng của mình, tăng sức cạnh tranh, từ đó kỳ vọng giữ vững tăng trưởng hai con số đến kết thúc năm", ông Lực cho biết.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc MPC cũng kỳ vọng từ tháng 7 trở đi, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khả quan hơn. MPC đã ký nhiều hợp đồng mới và đang tìm thêm mặt hàng có thể tận dụng lợi thế cả về vùng nuôi lẫn chế biến để thu được lợi nhuận tốt nhất.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn