Doanh nghiệp tích cực mua lại trái phiếu

34 doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng 1/2024

Hơn 1 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ít chịu áp lực khi khối lượng đáo hạn và khối lượng phát hành mới ở mức thấp.

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm 2024 đến ngày 16/2, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 4.800 tỷ đồng, với 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng (chiếm 55,2%) và 3 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 2.150 tỷ đồng (chiếm 44,8%). Trong khi đó, giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn là 7.589 tỷ đồng. Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 58,9% tổng giá trị mua lại trước hạn.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, riêng trong tháng 1/2023, có 34 doanh nghiệp thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn, với giá trị 7.394 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất thấp là động lực chính để các doanh nghiệp mua lại các trái phiếu phát hành có lãi suất cao trong giai đoạn trước. Dự báo, hoạt động mua lại trái phiếu sẽ gia tăng trong các tháng tới, khi tình hình kinh doanh cải thiện hơn.

Mới đây, ngày 20/2/2024, Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk công bố mua lại trước hạn đối với 6 lô trái phiếu, tổng giá trị gần 1.413 tỷ đồng, trên tổng cộng 1.880 tỷ đồng giá trị đã phát hành. Theo đó, sau đợt mua lại, Công ty đã tất toán 5 lô trái phiếu, chỉ còn 1 lô đang lưu hành với giá trị hơn 4,4 tỷ đồng.

Xuân Thiện Đắk Lắk là một thành viên thuộc Tập đoàn Xuân Thiện, đơn vị quản lý, vận hành, khai thác Cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp giai đoạn 1 tại Đắk Lắk. Theo thông tin Tập đoàn Xuân Thiện công bố, dự án này có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, công suất 831 MWp, là cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ hai thế giới ở thời điểm đưa vào vận hành năm 2021.

Xét về tình hình kinh doanh, báo cáo mới nhất của Xuân Thiện Đắk Lắk cho thấy, nửa đầu năm 2023, Công ty lỗ gần 20,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 26,5 tỷ đồng. Cuối tháng 6/2023, Công ty có nợ phải trả 3.788 tỷ đồng, gấp 3,24 lần vốn chủ sở hữu.

Cùng có hành động mua lại trái phiếu trước hạn trong khi hoạt động kinh doanh thua lỗ là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC). Công ty này vừa công bố mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu, giảm dư nợ trái phiếu về 0.

Năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu 13.786,3 tỷ đồng, giảm 40,5% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế âm 919,3 tỷ đồng (năm 2022 âm 652 tỷ đồng). Đáng chú ý, SMC có nợ xấu gần 1.284 tỷ đồng, tính đến 31/12/2023 phải trích lập hơn 574 tỷ đồng cho danh mục nợ xấu này.

Theo SMC, quý IV/2023 cũng như cả năm 2023 lỗ lớn là do nhu cầu về thép và giá thép giảm mạnh, trong bối cảnh thị trường bất động sản gần như đóng băng khiến các doanh nghiệp bất động sản nói chung và doanh nghiệp thi công xây lắp nói riêng gặp khó khăn kéo dài, doanh thu và dòng tiền suy giảm. Bên cạnh đó, chi phí tài chính vẫn ở mức cao do lãi vay, tỷ giá gây bất lợi và Công ty phải tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu.

Giá trị trái phiếu có nguy cơ chậm trả gốc và lãi giảm mạnh

Giá trị trái phiếu có nguy cơ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2023.

Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp phần nào giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, dù tình trạng chậm trả gốc/lãi vẫn đáng quan ngại.

Theo tính toán của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), giá trị trái phiếu có nguy cơ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, chiếm 19% lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức 147.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh trong năm 2023. Xu hướng giảm này là do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên, đặc biệt là đối với nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả cao như bất động sản, xây dựng, năng lượng, nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.

Khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu có rủi ro cao đến từ 35 tổ chức phát hành, phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Nhìn chung, các doanh nghiệp này có khả năng trả nợ ở mức thấp khi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định được 17 trong 35 tổ chức phát hành có rủi ro cao (chiếm khoảng 61% giá trị trái phiếu rủi ro chậm trả gốc/lãi) là các SPEs - công ty được thành lập chỉ nhằm mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Những SPEs này có liên quan đến 6 nhóm công ty lớn, trong đó có 3 nhóm đã gặp tình trạng chậm trả gốc/lãi trái phiếu”, VIS Rating cho biết.

Trong khi đó, theo VBMA, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trái phiếu trong tháng 1/2024, với tổng giá trị khoảng 8.432 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 5 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.

Dữ liệu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 2/2024, Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai đã chậm thanh toán lãi trái phiếu nhiều kỳ liên tiếp và vừa điều chỉnh kéo dài kỳ hạn trả lãi, gốc đến ngày 22/2/2026; Công ty cổ phần Xây lắp Sunshine E&C chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu hơn 90 tỷ đồng vào ngày 19/2/2024, do chưa thu xếp kịp nguồn vốn.

Triển vọng phát hành mới của nhóm ngân hàng và bất động sản

Khối ngân hàng đóng góp 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong năm 2023 và nhu cầu phát hành mới từ các nhà băng nhiều khả năng tiếp tục đóng góp phần lớn giá trị phát hành trong năm 2024.

Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Mặt khác, hàng năm, ngân hàng thường phát hành trái phiếu mới để bù đắp lượng trái phiếu mua lại và đáo hạn.

Các chuyên gia cho rằng, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản dự kiến sẽ phục hồi.

“Chúng tôi kỳ vọng, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp bất động sản sẽ cao hơn trong năm 2024, khi các rào cản pháp lý được giảm bớt và cấp phép dự án được khôi phục trở lại, với các bộ luật bất động sản có hiệu lực kể từ năm 2024. Điều này có thể thấy được qua mức hồi phục của giá trị phát hành trái phiếu bất động sản trong nửa cuối năm 2023”, VIS Rating cho biết.

Ngoài ra, thanh khoản thị trường được cải thiện sẽ hỗ trợ khôi phục niềm tin nhà đầu tư và thúc đẩy nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024. Sau khi hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX đi vào vận hành vào tháng 7/2023, giá trị giao dịch loại trái phiếu này tăng dần, đạt 98.000 tỷ đồng vào tháng 12/2023 (tương đương 8% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành).

Ở thời điểm tháng 1/2024, có gần 40% của 2.700 trái phiếu đang lưu hành đã đăng ký tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) và có thể giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, kỳ vọng thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện khi 60% trái phiếu đang lưu hành còn lại thực hiện đăng ký trên VSD trong năm 2024.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn