Doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG chưa thấy lợi nhuận
Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC), dẫn chứng câu chuyện một doanh nghiệp tại Mexico bán một chai rượu vang giá chỉ 5 USD nhưng khi dán nhãn không phát thải, chai rượu này có giá tới 50 USD và được bán thẳng cho các khách sạn 5 sao ở Mỹ, thậm chí đắt hàng đến nỗi không có hàng để bán.
TIÊN PHONG NHƯNG ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC
Chia sẻ tại tọa đàm: “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn” do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Phương Nam cho rằng hiện nhiều sản phẩm của Việt Nam đang bán giá rẻ hơn so với giá trị, một phần bởi chưa cộng phần giá trị bền vững vào sản phẩm.
Kiên định tầm nhìn, sứ mệnh, các triết lý kinh doanh “Cùng nông dân phát triển bền vững” suốt 35 năm, Tập đoàn Lộc Trời luôn đi tiên phong trong các chương trình môi trường, về sản xuất xanh và phát thải carbon thấp.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho biết hiện tập đoàn đang phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững từ đầu tới cuối, tất cả các sản phẩm của cây lúa đều có thể đưa vào chế biến sâu và biến thành giá trị gia tăng rất lớn, trở thành một vòng tuần hoàn tự nhiên.
Sau khi áp dụng tất cả mô hình, đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, Lộc Trời đã giảm chi phí cho người nông dân 14%. Trong số đó, chi phí thuốc trừ sâu giảm 23%, khi đưa công nghệ để đồng bộ hóa, tích hợp trên quy mô lớn có thể giảm thuốc trừ sâu tới 30%, đó là chưa kể bổ sung thuốc trừ sâu sinh học, chi phí thuốc trừ sâu có thể giảm tới 70%. Cùng với đó, nước giảm 7%, phân bón giảm 5% nhưng năng suất chỉ tăng 1% ở quy mô nhỏ.
Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cũng bộc bạch rằng dù thực hiện rất nhiều chương trình nhưng doanh nghiệp khó thể tiến xa được, đôi khi dậm chân tại chỗ. Việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững có lợi cho người nông dân và đóng góp cho môi trường nhưng thị trường tín chỉ carbon hiện chưa có. Vì vậy, chính sách cần theo kịp và sớm giải quyết vấn đề này.
THIẾU CHÍNH SÁCH, DỮ LIỆU ĐO LƯỜNG
Thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, chuyên gia UNFCCC Nguyễn Phương Nam cho rằng tại Việt Nam, doanh nghiệp đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện rất thiếu và yếu về số liệu, thiếu về thông tư hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp.
Cụ thể, về khung khổ pháp lý, các chính sách, các văn bản mang tính chiến lược của Việt Nam đã đề cập đến, thậm chí đề cập trong hiến pháp. Tuy nhiên, nếu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay ở Việt Nam chỉ có hai văn bản có nhắc đến cụm từ ESG (mô hình kinh doanh phát triển bền vững theo khung môi trường, xã hội và quản trị).
Đó là Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, chữ ESG nằm ở phụ lục 4 của Thông tư 96 và ở phần dịch tiếng Anh, còn phần tiếng Việt là kinh doanh bền vững. Mới đây có Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT ngày 12/12/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” có chữ ESG.
"Chuyển đổi số phải đi trước chuyển đổi xanh là vì cần minh bạch về số liệu và bằng chứng để chứng minh. Nghĩa là 365 ngày trên đồng ruộng phải có 365 bằng chứng về những hoạt động ở ngoài ruộng, phải có số liệu đo đạc, để tính xem lượng giảm phát thải khí nhà kính bao nhiêu, mới nhận được tín chỉ carbon. Bài toán chuyển đổi xanh khó ở chỗ doanh nghiệp không có số liệu để chứng minh sự chuyển đổi của mình".
Về việc đánh giá và tính lượng tín chỉ carbon, ông Nam cho biết chuyển đổi xanh muốn tạo ra lợi nhuận phải có bên thứ 3 kiểm định sự xanh nên rất cần số liệu, chứng minh giảm được bao nhiêu tấn CO2 trên một đầu sản phẩm, đấy mới là gốc rễ bền vững của doanh nghiệp kinh doanh bền vững, chứ không phải về mặt hình ảnh.
Thấu hiểu những khó khăn của Tập đoàn Dệt may hay Tập đoàn Lộc Trời, vị chuyên gia này nhận định rằng doanh nghiệp đang triển khai vì thực tâm muốn chuyển đổi xanh, song những việc làm này chưa đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vô hình chung, xét về kinh tế bền vững thì “bền vững” là có, nhưng phần “kinh tế” lại chưa có.
Cùng quan điểm, bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp nhỏ hay lớn cần phải theo dõi, quản lý và xây dựng lộ trình thu thập các dữ liệu.
Dữ liệu cũng cần kiểm định, đong đếm bởi bên thứ ba hay bộ phận kiểm soát của doanh nghiệp xác thực số liệu này. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn, chứng minh được mình là doanh nghiệp, dự án thỏa mãn tiêu chí xanh và tham gia vào thị trường quốc tế.
9/10 DOANH NGHIỆP THÀNH CÔNG DO MAY MẮN
Nhiều năm tư vấn cho doanh nghiệp, chuyên gia Nguyễn Phương Nam nhấn mạnh: nhu cầu tự thân của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định đến tốc độ chuyển đổi và kết quả chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Nói dễ nhưng thực hành cực khó.
Ông Nam phân tích: thứ nhất, chủ doanh nghiệp phải tự thân nâng cao năng lực. Gặp 10 doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam có chút thành công, song chuyên gia UNFCCC cho rằng có đến 9 doanh nghiệp đều làm chuyển đổi xanh, bền vững theo nghĩa tự nguyện, may mắn là có thành công, chứ chưa có chủ doanh nghiệp thành công chuyển đổi xanh do học tập, đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Do đó, phải chuyển đổi từ người chủ doanh nghiệp đến người lao động thấp nhất. Doanh nghiệp cũng cần có lộ trình chuyển đổi xanh phù hợp, chứ chưa nên “xanh hóa” hoàn toàn, xanh tuyệt đối. Như Apple cũng chỉ tuyên bố sản phẩm đồng hồ đạt net zero tới năm 2030, còn máy tính, điện thoại thì chưa cam kết.
Thứ hai,trong thực hành kinh doanh bền vững, phải có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách. Trao đổi với một số các ngân hàng hàng đầu Việt Nam, ông Nam nhận thấy một chủ ngân hàng có 10.000 nhân viên, song không có cử nhân môi trường trong ngân hàng. Đấy là một điều đáng sợ về mặt kỹ thuật, vì không cán bộ tín dụng nào có thể đảm trách về mặt môi trường.
Thứ ba, tự thân về vốn. Doanh nghiệp không nên bỏ ra một đống tiền để đầu tư xanh, đây là sự đầu tư dại dột. Tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, như Heineken, Lego không bỏ tiền túi mà họ có quỹ đầu tư, ngân hàng đằng sau, trải thảm đỏ cho vay tiền.
“Một điều rất quan trọng là doanh nghiệp có nhiều quyền lực, có nhiều tiền thì trách nhiệm càng lớn. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa, trách nhiệm cũng vừa phải nhưng phải đi khôn ngoan và thông minh”, ông Nam khuyến nghị...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2024 phát hành ngày 06/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Xem thêm tại vneconomy.vn