Khát vọng ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT
Hai năm Covid đã thay đổi suy nghĩ của chúng tôi, rằng công nghệ không chỉ góp phần hưng thịnh quốc gia, mà còn cứu được con người. Những chatbot của FPT đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi trong giai đoạn đại dịch để xem người bệnh ở nhà có nguy hiểm không, nếu có thì sẽ kết nối với tổ chức y tế để cứu giúp họ.
FPT đã cùng chính quyền quận 7, TP.HCM triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và khi quận 7 triển khai thí điểm trung tâm này sau giai đoạn phong tỏa để chống dịch, mức thu ngân sách của địa bàn này trong tháng 10/2021 đạt 470 tỷ đồng, bằng cả giai đoạn quý III năm đó. Chúng tôi cũng giác ngộ công nghệ thông tin có thể tác động đến tính mạng con người, sinh kế nhân dân.
Năm 2023, năm thứ 35 trong lịch sử hoạt động của FPT, chúng tôi nhận thức được rằng, công nghệ còn có thể làm con người hạnh phúc. Mỗi ngày làm việc với chúng tôi là một ngày vui, hạnh phúc kích thích con người sáng tạo, đổi mới. FPT đã ký kết hợp tác và trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI – một may mắn lớn. FPT có thể hợp tác với người đứng đầu về thị giác nhân tạo và ông sẽ trực tiếp viết chương trình đào tạo AI (trí tuệ nhân tạo) cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của hệ thống giáo dục FPT. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó, tất cả trẻ em Việt Nam được học về AI. Không có hiểu biết về AI, chúng ta có thể mất việc làm. Người hiểu AI mới có thể đổi mới, sáng tạo và góp phần thay đổi thế giới.
Tôi đã trò chuyện với nhiều lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về chuyển đổi số. Có thể Việt Nam sẽ đi sau về trước trong chuyển đổi số, chẳng hạn như cấp định danh điện tử cho người dân, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia đi đầu và thần tốc trong việc này. Tốc độ sẽ mang đến cho chúng ta cơ hội.
Chúng tôi khát vọng ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới. FPT đã đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 và mục tiêu trong 5 năm tới là đạt 5 tỷ USD. Trí tuệ làm ra của cải, càng dùng trí tuệ càng phát triển, đem nhiều việc hơn cho đất nước. Ngày nay, chúng tôi làm việc với cả công dân các nước, cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Hiện FPT có 2.500 nhân viên người nước ngoài, thuộc 66 quốc tịch.
Giai đoạn khó khăn, phải đầu tư phát triển chiều sâu của tổ chức
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Quyền Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Techcombank
Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp nào cũng vậy. Khi xây dựng kế hoạch tài chính năm, điều mà chúng tôi dự báo được tình hình này và chúng tôi suy nghĩ về gốc rễ của tổ chức. Techcombank là một ngân hàng, nên phải tìm ra những giải pháp tài chính phù hợp cho doanh nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời cũng đảm bảo cho hoạt động của Ngân hàng an toàn, bền vững Chúng tôi đặt trọng tâm vào doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tìm giải pháp tài chính cho doanh nghiệp, dựa trên cho 3 câu hỏi:
Thứ nhất, làm cách nào để doanh nghiệp có thể thanh toán một cách dễ dàng, tiện lợi?
Thứ hai, làm sao để doanh nghiệp nắm được dòng tiền mỗi tuần, tháng, xây dựng kế hoạch tối ưu cho nó và sinh lời cho tiền để dành?
Thứ ba, làm cách nào để ngân hàng bảo lãnh cho khách hàng thực hiện các giao dịch quốc tế xuất nhập khẩu trong thời gian sớm nhất?
Chúng tôi muốn chuyển đổi trải nghiệm khách hàng qua đầu tư công nghệ. Chúng tôi tạo hệ sinh thái để khi nào doanh nghiệp cần chi tiêu, trả thuế... đều có thể dùng ngay trên app một cách đơn giản, tiện lợi.
Chúng tôi cũng giúp doanh nghiệp tối ưu dòng tiền, điểm quan trọng với doanh nghiệp (nhiều doanh nghiệp không quản lý dòng tiền chặt chẽ có thể đi đến phá sản) bằng giải pháp không kém các công ty công nghệ lớn trên thế giới. Dựa trên thông tin dòng tiền, doanh nghiệp sẽ tối ưu chi phí tốt hơn.
Có gan thì giàu. Techcombank cho rằng, càng giai đoạn thị trường chung khó khăn thì doanh nghiệp càng nên đầu tư, đầu tư để phát triển chiều sâu, cho mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp, để qua giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp vượt lên đối thủ cạnh tranh.
Mong muốn cái bàn, cái ghế biết kể chuyện
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty AA Corporation
AA Corporation có hai ngành kinh doanh chính: thiết kế, thi công và sản xuất kết hợp gỗ, đá, kim loại.
Thời điểm sau Tết Nguyên đán 2023, nhiều nhà máy chế biến gỗ không mở cửa trở lại vì thiếu đơn hàng xuất khẩu. Song AA Corporation xác định, ngành gỗ Việt Nam dù gặp khó khăn trong ngắn hạn nhưng vẫn có nhiều lợi thế. Mười tám năm qua, chưa năm nào ngành gỗ có tốc độ tăng trưởng dưới 15%. Đến nay, ngành gỗ Việt Nam đã xây dựng được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, từ trồng rừng cho tới xử lý, chế biến gỗ và xuất khẩu.
Chúng tôi đã quyết định khởi động Chương trình Phù Đổng, với mong muốn giúp người lao động có động lực làm việc, đưa doanh nghiệp “lớn nhanh” như Thánh Gióng. Chúng tôi đã thực hiện chiến dịch khi chuyển nhà máy từ Long An lên TP.HCM.
Chúng tôi xác định, cần quản lý được rủi ro khi làm ra sản phẩm đa dạng, phức tạp trong thời gian nhanh; đảm bảo giá cả và chi phí hợp lý. Công nghệ thông tin đã giúp hệ thống thông tin bên trong và bên ngoài doanh nghiệp thông suốt, giúp chúng tôi nắm bắt thông tin khách hàng nhanh chóng và quản lý quy trình hoạt động chặt chẽ.
Trên thế giới đã có những sản phẩm bàn ghế được gắn con chip. Khách hàng có thể đưa câu chuyện vào cái bàn, cái ghế đó, để 10 - 20 năm sau, cái bàn biết kể chuyện. Công nghệ thông tin có thể tạo linh hồn cho sản phẩm. Chúng tôi mong muốn cũng thực hiện được những việc như vậy.
Cần thoát ly khỏi sản phẩm truyền thống, xây dựng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường
Ông Alex Clemente, Giám đốc điều hành của HBR Analytic Services
Các doanh nghiệp cần thoát ly khỏi sản phẩm truyền thống, xây dựng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cần thiết lập nền tảng cùng học tập, phát triển để thúc đẩy chuyển đổi số.
Có những sản phẩm khó theo kế hoạch 5 - 10 năm, mà cần phải điều chỉnh, thích ứng với thay đổi của thị trường. Công nghệ thay đổi liên tục, có mối quan hệ ràng buộc, đan xen phức tạp giữa các công nghệ mới. Chúng ta cần tiếp cận mô hình mới, công nghệ mới trong quá trình phát triển.
Cuộc cách mạng của dữ liệu, thông tin đặt ra thách thức mới cho chuyển đổi số, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có công thức, tính toán mới. Cần có dữ liệu lớn, đáng tin cậy, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… Chúng ta cần xem xét công nghệ hướng tới là gì và phải có hệ thống đủ mạnh để thích ứng với công nghệ đó.
Việt Nam đang có lực lượng lao động trẻ, nhiều tham vọng, có thể trở thành trung tâm R&D của khu vực, đạt tăng trưởng hai con số trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng bền vững, là môi trường đầu tư, kinh doanh rất hấp dẫn.