Doanh nghiệp trên sàn chứng khoán kinh doanh "lớp tài sản nhiều người ao ước" mỗi ngày thu về cả trăm tỷ, đẩy mạnh khai phá những vùng đất mới
Theo báo cáo Xu hướng Nhu cầu vàng của World Gold Council, Việt Nam đứng trong top 10 thị trường tiêu thụ vàng toàn cầu và là thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Quy mô tiêu thụ của thị trường Việt Nam ước tính đạt 55,5 tấn vàng năm 2023, trong đó tập trung chủ yếu vào vàng miếng.
Trong khi đó, phân khúc vàng trang sức hiện còn nhỏ với khoảng hơn 15 tấn/năm. Dù vậy mảng thị trường này đã có mức phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua khi thu nhập của người dân cải thiện và xu hướng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ phẩm tăng trưởng.
Theo một thống kê của VNDirect, nước ta có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, tuy vậy, chưa có thương hiệu nào thực sự chiếm lĩnh thị trường. Đây được xem là cơ hội tăng trưởng "vàng" cho doanh nghiệp đầu ngành trang sức thương hiệu như CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) với việc tận dụng vị thế, sức mạnh tài chính và hơn hết là sự phục hồi nhu cầu trong ngắn hạn.
Quy mô ngày một phình to, lãi cao kỷ lục
Bắt đầu từ cửa hàng kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận vào năm 1988 và đến hiện tại PNJ đã phát triển trở thành một trong những tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh trang sức chuyên nghiệp. Đặc biệt giai đoạn sau đại dịch COVID-19, trong bối cảnh nhiều đối thủ cạnh tranh thu hẹp, PNJ lại tiếp tục chiến lược mở rộng cửa hàng nhằm gia tăng thị phần khách hàng mới và tăng độ bao phủ trên toàn quốc.
Tổng số cửa hàng chạm mốc 400 vào cuối năm 2023 (tăng 36 cửa hàng trong vòng 1 năm), chưa dừng lại khi tăng thêm 2 cửa hàng trong 2 tháng đầu năm 2024. Hiện 402 cửa hàng PNJ có mặt tại 55/63 tỉnh thành, bao gồm 393 cửa hàng PNJ, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 5 cửa hàng Style by PNJ , 1 Trung tâm kinh doanh sỉ.
Mặt khác, PNJ cũng đã tái cấu trúc theo mô hình Shop-in-shop, đóng toàn bộ cửa hàng PNJ Art và PNJ Watch, mở rộng tệp khách hàng và sản phẩm mới tại các điểm bán cũ. Điều này giúp tập trung khách hàng và tăng trưởng doanh thu trên từng cửa hàng. Ngoài ra tại một số địa phương, mô hình cửa hàng flagship cũng đang được thí điểm nhằm tăng tính nhận diện thương hiệu cho PNJ.
Kết quả kinh doanh vài năm trở lại đây đã phản ánh sự đúng đắn về chiến lược của doanh nghiệp đầu ngành trang sức này. Giữa lúc hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ khác ghi nhận mức lợi nhuận kém tích, PNJ toả sáng với kết quả tăng trưởng vượt trội. Tổng doanh thu ghi nhận 33.137 tỷ đồng, lợi nhuận ròng thậm chí qua mức kỷ lục của năm 2022, đạt 1.971 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước.
Riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, doanh thu tiếp đà tăng cao lên mức kỷ lục với 8.478 tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, xấp xỉ mức kỷ lục, tính trung bình, mỗi ngày trong 2 tháng đầu năm PNJ thu hơn 140 tỷ/ngày và mỗi ngày lãi hơn 9 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn thay đổi cơ cấu sản phẩm hàng bán, tăng tỷ trọng hàng có margin cao để bù đắp một phần doanh thu thuần giảm. Cơ cấu ngày càng tăng tỷ trọng các sản phẩm có biên LN tốt như trang sức bạc, trang sức vàng tầm trung, đặt trong bối cảnh giá vàng neo tại đỉnh, giúp PNJ cải thiện biên lãi gộp thêm gần 1 điểm %, đạt 18,3% trong năm 2023 - vượt trội hoàn toàn mức biên lãi "mỏng dính" khoảng 1% của các doanh nghiệp tập trung vàng miếng như Doji hay SJC.
Kỳ vọng tăng trưởng khi khai phá những mảng thị trường tiềm năng mới
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá thành công lớn nhất của PNJ là việc mở rộng được tập khách hàng mới ở mức 17% dù sức mua toàn thị trường sụt giảm, trọng tâm là thế hệ trẻ tại các tỉnh nông thôn phía Bắc. Đây là thị trường duy trì được sức mua tốt nhất trong 3 miền, cũng là thị trường PNJ còn nhiều dư địa để phát triển khi số cửa hàng tại khu vực ĐB Sông Hồng, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ còn thấp.
Theo ước tính của VCBS, PNJ có thể tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ lên tới 550-600 cửa hàng trên toàn Việt Nam, tăng 200 cửa hàng so với cuối năm 2023 trong 5 năm tới. Với chiến lược mở rộng thận trọng ước tính mỗi năm doanh nghiệp có thể mở mới 35 – 40 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh thành phía Bắc như Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc,...
Đây là các tỉnh có số lượng cửa hàng trong tương quan với sức mua và mật độ dân số còn ở mức thấp, trong khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm xa xỉ đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Chính ban lãnh đạo PNJ cho biết thị trường miền Bắc những năm gần đây có nhiều tín hiệu tích cực, có tốc độ hồi phục và tăng trưởng khá lớn, hơn nữa nhiều tỉnh miền Bắc chưa có hoặc có rất ít cửa hàng của PNJ, do đó đây sẽ là thị trường rất tiềm năng cho PNJ khai thác trong thời gian tới.
VCBS cho rằng mảng thị trường khu vực này sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng cho PNJ trong giai đoạn 2024 - 2028.
Trong tương lai, xu hướng tích hợp sẽ tiếp tục xảy ra với cửa hàng hiện hữu tại các thành phố lớn giúp tập trung khách hàng và tăng trưởng doanh thu/cửa hàng. VCBS ước tính tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ sẽ tăng trưởng khoảng lần lượt 9%/10% trong 2 năm 2024/2025. Đối với cửa hàng mới, xu hướng mở sẽ tập trung tại các thành phố Tier 2 theo size nhỏ hơn, thời gian hòa vốn là khoảng 2 năm với doanh thu hòa vốn khoảng 4 tỷ đồng/cửa hàng.
Tương tự, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng PNJ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, mở thêm các cửa hàng có thế mạnh về giới thiệu và bán lẻ trang sức (Trung Tâm Kim Hoàn, PNJ Next). Nhờ đó có thể gia tăng thêm sức mạnh thương hiệu và duy trì thị phần trên thị trường để sau này có thể dễ dàng phủ sóng mạnh mẽ ra khu vực miền Bắc - nới có triển vọng phát triển trong trung – dài hạn khi mật độ bao phủ thị trường bán lẻ trang sức tại đây vẫn chưa lớn. MBS kỳ vọng PNJ sẽ đạt được mốc 440 cửa hàng trong năm 2024 sang tới 2025 là 462 cửa hàng.
Nhờ vào thế mạnh về và sản xuất trang sức, MBS kỳ vọng PNJ sẽ có thêm các chiến lược bán hàng phù hợp, khai thác sâu được tệp khách hàng mới có trong năm 2023. Đây là tệp khách trẻ, mang tới tiềm năng lớn cho PNJ trong trung và dài hạn.
Kết hợp với mức phục hồi thị trường bán lẻ trang sức khoảng 5%, MBS kỳ vọng doanh thu/cửa hàng/tháng đạt khoảng 4,5 tỷ đồng trong năm 2024, tăng khoảng 7%, sau đó có thể đạt khoảng 4,8 tỷ đồng/tháng trong năm 2025 nhờ sự phục hồi tiêu dùng mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, MBS cũng đánh giá thêm việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP hướng đến bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng có mục tiêu chính là tạo sự cân bằng trong giao dịch vàng miếng, điều tiết giá vàng để không quá chênh lệch với giá vàng thế giới. Thông tin này không có nhiều tác động tới PNJ và sẽ có lợi nếu như các doanh nghiệp bán lẻ trang sức được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu thế giới để sản xuất vàng trang sức.
Dựa trên mức nền tiêu dùng thấp năm qua, MBS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận 2024 của PNJ sẽ tăng trưởng lần lượt 17% và 20% lên 38.622 tỷ và 2.353 tỷ đồng. Năm 2025, MBS kỳ vọng PNJ sẽ bắt đầu mở rộng ra miền Bắc, kết hợp với thị trường tiêu dùng tiếp tục phục hồi theo bước đà thì doanh thu và LN ròng tăng trưởng 11% lên 42.924 tỷ và tăng 12% lên 2.627 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu PNJ đang trong quãng tăng tốt trong vòng vài tháng trở lại đây, thị giá leo nhanh lên đỉnh lịch sử 100.900 đồng/cp phiên 13/3, hiện quay đầu điều chỉnh nhẹ xuống mức 98.900 đồng/cp (phiên 1/4).
So với đầu năm 2024, thị giá cổ phiếu này đã tăng khoảng 16%.
Xem thêm tại cafef.vn