Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam “hở room” khối ngoại hơn 3%
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một trong những giai đoạn chịu áp lực bán ròng lớn chưa từng thấy từ khối ngoại. Đặc biệt trong những phiên gần đây, khối ngoại thường xuyên duy trì bán ròng nghìn tỷ trên HoSE. Trong bối cảnh đó, một cái tên từng rất hút khối ngoại là FPT cũng không tránh khỏi bị xả mạnh, thậm chí nằm trong top đầu thị trường.
Chỉ trong 3 phiên giao dịch đầu tuần này, khối ngoại đã bán ròng khoảng 4,2 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng giá trị hơn 500 tỷ đồng. Động thái này đẩy room ngoại tại FPT hở hơn 45 triệu đơn vị, tương ứng khoảng hơn 3%. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu công nghệ này theo đó giảm xuống dưới 46%, thấp nhất trong vòng 2 tháng kể từ trung tuần tháng 9.
Với việc hở room hơn 45 triệu cổ phiếu, khối ngoại có thể dễ mua được FPT trên sàn thay vì phải thoả thuận hoặc trao tay ngoài sàn với giá cao hơn hàng chục % như vài năm trước. Dù vậy, khó có thể dự báo thời điểm khối ngoại đảo chiều quay trở lại gom FPT, đặc biệt khi dòng vốn ngoại trên toàn cầu đang có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam.
Trên thực tế, khối ngoại đã bán ròng mạnh tay FPT từ khoảng tháng 5-6 khi cổ phiếu này liên tục tăng nóng, phá đỉnh cùng “trend” công nghệ toàn cầu. Cổ phiếu này có thời điểm hở room hơn 4%. Đà bán có dấu hiệu chững lại đôi chút trước khi bất ngờ gia tăng áp lực trong những phiên gần đây.
Khối ngoại chốt lời mạnh là điều không quá khó hiểu khi FPT đã tăng khá nóng và vẫn đang neo gần đỉnh lịch sử. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu công nghệ này đã tăng gần 60% thị giá, với thành tích hiếm có là 35 lần vượt đỉnh. Vốn hóa thị trường xấp xỉ 195.000 tỷ đồng (7,8 tỷ USD) đưa FPT trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu tăng mạnh đẩy định giá của FPT lên mức cao kỷ lục. Trên giả định tập đoàn công nghệ này tiếp tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở quanh mức 20%, F/E forward 2024 của FPT ước tính vào khoảng hơn 25 lần, cao hơn nhiều so với con số khoảng 14 lần của VN-Index. Định giá không rẻ trong khi khả năng tăng trưởng đột phá còn để ngỏ là một trong những yếu tố FPT bớt hấp dẫn trong mắt khối ngoại.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận FPT vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu của khối ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam với tính khan hiếm của ngành công nghệ. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng khoảng 20% đều đặn từng tháng, quý, năm được duy trì trong thời gian dài cũng “của hiếm” trên thị trường.
10 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 50.796 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 9.226 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 6.566 tỷ đồng và 4.494 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 10 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 82% kế hoạch doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 25.516 tỷ đồng sau 10 tháng – chính thức cán mốc 1 tỷ USD và tương đương với mức tăng 29%. Đà bứt phá được dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường. Trong đó, thị trường Nhật Bản và APAC tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, tăng lần lượt 31% (tương đương tăng trưởng 37% theo Yên Nhật) và 38%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 26.924 tỷ đồng, tăng 15%.
Theo ShinhanSec, triển vọng tương lai của nhóm công ty công nghệ được đánh giá khả quan khi lợi nhuận vẫn duy trì tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu AI bùng nổ, tự động hóa và các nền tảng đám mây. Với riêng FPT, báo cáo mới đây của TPS đánh giá triển vọng khá tích cực khi nền kinh tế toàn cầu & trong nước phục hồi; sự phát triển ngành bán dẫn; và xu hướng chuyển đổi số và số hóa sẽ thúc đẩy mảng công nghệ thông tin, mảng giáo dục.
Xem thêm tại cafef.vn