Doanh nghiệp vận tải đối đầu nhiều thách thức
Thị trường đã trải qua hơn 9 tháng với sự biến động mạnh đối với lĩnh vực vận tải hàng rời, khi giai đoạn nửa đầu năm chứng kiến giá cước vận tải biển liên tục leo thang. Thống kê từ ngày 26/10/2023 đến ngày 4/7/2024, Chỉ số World Container Index (8 tuyến vận tải lớn nhất thế giới) tăng 337,3%, từ 1.342 lên 5.868 USD/container 40ft.
Thực tế, trong nửa đầu năm 2024, giá cước tăng đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể tới xung đột ở Trung Đông khiến cho các tuyến vận tải xuyên châu lục phải chọn hành trình dài hơn để né tránh khu vực này, đã thúc đẩy giá cước tăng cao. Đặc biệt, trước lo ngại châu Âu và Mỹ sẽ đánh thuế xe điện của Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc đánh thuế nông sản của châu Âu, vì vậy, cuối tháng 6 và đầu tháng 7, hàng loạt nhà nhập khẩu hai khu vực này đã đẩy mạnh nhập khẩu và tích trữ hàng hóa.
Nhưng kể từ đầu tháng 7 tới nay, giá cước vận tải biển lại lao dốc. Trong đó, từ ngày 4/7 đến ngày 3/10, giá cước đã giảm 40,5%, về 3.489 USD/container 40ft và vẫn tiếp tục xu hướng giảm.
Lý giải giá cước đột ngột giảm mạnh, các chuyên gia cho biết, nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại, nhu cầu hàng hóa/nguyên vật liệu suy giảm. Ngoài ra, các nước trong khu vực châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đã tích trữ lượng lớn hàng trước lo ngại cuộc chiến về thuế liên quan xe điện, vì vậy nhu cầu hàng hóa cũng suy giảm đáng kể.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này cũng có dấu hiệu suy giảm trong nửa đầu năm 2024.
Tại CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, nửa đầu năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 30,5%, lên 1.652,89 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm 14,7%, về 175,81 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp suy giảm từ 26,8%, về 21,5%.
Tương tự, tại CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco), trong nửa đầu năm 2024, ghi nhận doanh thu tăng 90,1%, lên 2.969,49 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận kinh doanh cốt lõi lại âm 0,72 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 52,3 tỷ đồng.
Trái với hoạt động kinh doanh kém khả quan và đi lùi của nhóm vận tải hàng rời, tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans), trong 9 tháng của năm 2024, ước tính doanh thu hợp nhất đạt khoảng 8.100 tỷ đồng, tương đương 92% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.200 tỷ đồng, tương đương 172% kế hoạch 9 tháng và 126% kế hoạch năm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về lo ngại giá cước vận tải dầu/hóa chất có thể giảm trở lại giống vận tải hàng rời, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans cho biết, vận tải dầu thô được các tổ chức dự báo/môi giới uy tín đánh giá sẽ duy trì trạng thái vững chắc, với thu nhập trung bình của tàu chở dầu (Average Tanker Earning) năm 2024 vẫn cao hơn trung bình các năm trở lại đây và được dự báo sẽ cải thiện khi nhu cầu tăng cao vào các tháng cuối năm.
“Hiện tại, nhu cầu vận tải biển nhóm dầu thô đang gia tăng do chủ tàu chuyển hướng hành trình các tuyến đường vận chuyển dầu thô truyền thống qua mũi Hảo Vọng, để tránh rủi ro quanh khu vực Biển Đỏ, hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu luân chuyển bằng đường biển. Trong khi đó, nguồn cung tàu không ghi nhận nhiều thay đổi, dự báo giá cước vận tải biển nhóm vận tải dầu thô và dầu sản phẩm sẽ ổn định vào cuối năm 2024”, ông Phạm Việt Anh nói.
Kinh doanh thuận lợi và nhận định giá cước vận tải dầu/hóa chất vẫn neo cao, lãnh đạo PVTrans vẫn tự tin kế hoạch trẻ hóa đội tàu. Theo đó, PVTrans tiếp tục chú trọng công tác đầu tư mở rộng quy mô đội tàu, dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, đầu tư 2-4 tàu.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, PVTrans và các đơn vị thành viên đầu tư thêm 4 tàu mới, nâng đội tàu lên 55 chiếc, các tàu đa chủng loại từ tàu chở dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời, với tổng trọng tải lên trên 1,5 triệu DWT. Trước đó, năm 2023, PVTrans cũng đầu tư thêm 12 tàu mới.
Có thể thấy, do hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, giá cước chở dầu/hóa chất vẫn neo cao và các hợp đồng cho thuê kỳ hạn dài, kết quả kinh doanh của PVTrans tạo ra sự ổn định và tăng trưởng nhờ chiến lược liên tục mở rộng đội tàu so với nhóm vận tải hàng rời.
Xem thêm tại baodautu.vn