Doanh nghiệp Việt Nam "ôm" mỏ kim loại hiếm lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc vừa chứng kiến điều chưa từng xảy ra trong một năm qua

Vonfram là một kim loại chuyển tiếp hiếm, với ứng dụng phổ biến là làm dây tóc trong bóng đèn sợi đốt. Do có những đặc tính đặc biệt, Vonfram còn là kim loại không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như chế tạo máy và chế tạo công cụ, công nghiệp sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, ngành dầu khí, ngành hóa chất, kỹ thuật y tế, công nghiệp điện,…

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng Vonfram đạt khoảng 100 nghìn tấn, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc (1,9 triệu tấn) và Nga (400 nghìn tấn). Trong đó, mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc.

Núi Pháo là một trong những mỏ có trữ lượng Vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới ở ngoài Trung Quốc, với 52,5 triệu tấn quặng WO3 phẩm cấp trung bình 0,21%. Mỏ Núi Pháo được xem như nguồn cung Vonfram an toàn và đáng tin cậy cho các nhà sản xuất ô tô, máy bay… mà không có khoáng chất hay chất hóa học khác có thể thay thế.

Mỏ Núi Pháo được vận hành bởi Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo - công ty con do Masan High-Tech Materials (mã MSR) sở hữu 100%. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tổng Giám đốc MSR cho biết kết quả khoan kiểm tra hàm lượng mỏ Núi Pháo ghi nhận trữ lượng quặng tại đây có thể khai thác thêm 12 năm, thay vì 8 năm như dự tính năm 2019.

Tháng 6/2023, Masan High-Tech Materials hoàn tất thỏa thuận mua lại Chemitas – một công ty cung cấp dịch vụ kho vận, quản lý năng lượng và quản lý chất thải có trụ sở tại Goslar, Đức. Đây là bước đi chiến lược giúp Công ty kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng Vonfram, tăng cường năng lực sản xuất và hậu cần, đồng thời phù hợp với chiến lược kiến tạo các giải pháp toàn diện cho khách hàng toàn cầu.

Năm 2023, Masan High-Tech Materials ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 14.093 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ Vonfram đạt 11.422 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2022 do doanh số bán hàng thấp và nhu cầu thị trường giảm. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ kỷ lục 1.530 tỷ trong khi cùng kỳ 2022 lãi hơn 105 tỷ đồng.

photo-1715785823699

Bước sang năm 2024, Masan High-Tech Materials xây dựng kế hoạch kinh doanh theo 2 kịch bản. Trong điều kiện khó khăn, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 15.000 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ sau thuế 1.500 tỷ đồng. Nếu điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt 15.800 tỷ đồng doanh thu và không lỗ.

Quý đầu năm, Masan High-Tech Materials ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.089 tỷ đồng, giảm 18,4% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 702 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 13,6 tỷ đồng. Trong đó, lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ 718 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý 1/2023.

Tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc nhưng cổ phiếu MSR lại bất ngờ "cháy hàng". Cổ phiếu này tăng kịch trần gần 15% phiên 15/5 lên mức 16.900 đồng/cp, cao nhất trong vòng 7 tháng kể từ giữa tháng 10 năm ngoái. Việc thị giá MSR tăng kịch trần là điều hiếm khi xảy ra. Lần gần nhất cổ phiếu này tăng hết biên độ trên UPCoM đã cách đây gần một năm, vào ngày 26/5/2023.

photo-1715785850114

Cổ phiếu "bốc đầu", vốn hóa thị trường của Masan High-Tech Materials cũng tăng mạnh lên gần 18.600 tỷ đồng. Con số này chỉ tương đương một nửa so với thời kỳ đỉnh cao hồi đầu tháng 3/2022 khi doanh nghiệp lọt vào danh sách tỷ USD vốn hóa. Mức vốn hóa hiện tại của Masan High-Tech Materials xếp thứ 11 trên sàn UPCoM.

Cú nhảy vọt của cổ phiếu MSR trên sàn chứng khoán diễn ra sau khi Masan High-Tech Materials có động thái mới liên quan đến việc tái cấu trúc mảng Vonfram. Theo đó, doanh nghiệp đã đạt Thỏa thuận khung về việc bán 100% H.C. Starck Holding (HCS) cho Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC).

HCS là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn bởi Masan High Tech Materials, là nhà sản xuất bột Vonfram chất lượng cao. Masan High Tech Materials đầu tư vào HCS năm 2020 với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam để chuyển dịch sang mô hình kinh doanh tuần hoàn bền vững. Cũng trong năm đó, MHT và MMC Group đã ký kết hợp tác thiết lập liên minh chuỗi giá trị vonfram toàn cầu.

Tuy nhiên, điều kiện pháp lý tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho phép nhập khẩu phế liệu Vonfram để Masan High Tech Materials hiện thực hóa chiến lược tái chế tại Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp dự kiến chuyển nhượng cổ phần HCS cho MMC Group để tập trung vào vận hành các mảng kinh doanh trong nước. Thỏa thuận khung này đánh dấu bước tiến tiếp theo trong hợp tác kinh doanh giữa hai bên.

Mảng Vonfram của Masan High-Tech Materials có 2 nhà máy quan trọng:

Nhà máy MTC của Masan High-Tech Materials được thiết kế để chế biến toàn bộ sản lượng tinh quặng Vonfram từ NPMC và nguyên liệu thô có chứa Vonfram mua từ nguồn bên ngoài thành muối Amoni Para- tungstate (APT) hàm lượng cao thông qua quá trình tuyển bằng hóa chất với các công đoạn tinh luyện lý-hóa và cuối cùng là công đoạn kết tinh. Sau đó, sản phẩm APT được đóng gói để bán ra bên ngoài hoặc đem nung để sản xuất Ôxit Vonfram xanh (BTO) và Ôxit Vonfram vàng (YTO) để bán cho khách hàng bên ngoài hoặc tiếp tục chế biến sâu trong Masan High-Tech Materials.

Nhà máy Goslar của H.C.Starck được thiết kế để xử lý các hóa chất Vonfram trung gian sản xuất tại MTC, và là một cơ sở tái chế quan trọng trên toàn cầu đối với hầu hết các loại phế liệu và vật liệu thứ cấp có chứa vonfram. Phế liệu được chế biến thành Muối Ammonium Paratungstate (APT) cao cấp với các công đoạn tinh luyện lý-hóa và cuối cùng là công đoạn kết tinh. APT và Oxit Vonfram được sản xuất tại HCS tiếp tục được chế biến thành Bột Kim loại Vonfram, Bột Cacbua Vonfram và Bột Cacbua Vonfram đúc để sử dụng trong các ngành công nghiệp liên quan.


Xem thêm tại cafef.vn