Doanh nghiệp Việt ngược dòng để đi nhanh hơn
Chiến lược thâu tóm ngược
Ngày 6/12/2023, Tập đoàn FPT đã công bố mua 80% cổ phần của AOSIS – một công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Pháp. AOSIS hiện là nhà tư vấn, cung cấp công nghệ trong lĩnh vực business Intelligence, dữ liệu lớn, đào tạo và phần mềm.
Đại diện FPT cho biết, đây là bước đi mới trong chiến lược mở rộng hiện diện toàn cầu và đặc biệt tại châu Âu của FPT, nhằm tiếp tục mở rộng kinh doanh tại thị trường này.
Thương vụ này cũng bổ sung cho FPT mạng lưới kinh doanh và hàng trăm chuyên gia công nghệ tại Pháp và châu Âu. Với sự gia nhập của AOSIS, FPT sẽ mở rộng tập khách hàng và cơ hội kinh doanh, nâng cao năng lực với những thế mạnh của AOSIS mà FPT đang mong muốn phát triển.
2023 là 1 năm dấu ấn của FPT trong chiến lược đầu tư, thâu tóm các DN nước ngoài. Tháng 10/2023, FPT trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI - công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu của Mỹ. Đến tháng 12/2023, FPT công bố mua Cardinal Peak, công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ có tuổi đời 20 năm tại thị trường Bắc Mỹ.
Chiến lược mua bán – sáp nhập DN công nghệ nước ngoài của FPT bắt đầu từ 2014 với mục tiêu là các DN công nghệ hàng tiềm năng và có những thế mạnh dẫn đầu trong từng lĩnh vực trên phạm vi thế giới.
Thương vụ M&A đầu tiên của FPT là mua công ty RWE IT Slovakia thuộc Tập đoàn năng lượng – RWE nhằm mở rộng tập khách hàng về hạ tầng công ích. Đó cũng là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Năm 2018, FPT mua 90% cổ phần của Intellinet - công ty tư vấn chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Năm 2022, FPT đầu tư chiến lược vào LTS, Inc. - công ty trong top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật. Năm 2023, FPT mở rộng hiện diện tại Mỹ khi mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của công ty Intertec International.
Đến nay, các DN mà FPT đầu tư đều trở thành những thành viên kinh viên kinh doanh mũi nhọn trong hệ sinh thái. Quốc gia mà các DN này đặt trụ sở đều trở thành những thị trường chiến lược của FPT như Mỹ hay Nhật.
Một trong nhưng thương vụ thâu tóm DN nước ngoài tiêu biểu của DN Việt Nam là vào năm 2020, Tập đoàn Masan đã mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của nhà chế tạo hàng đầu thế giới H.C. Starck (Đức).
Đây là bước đi chiến lược đưa Masan Resources từ nhà khai khoáng xuất thô thành thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới. Đưa một DN Việt nhanh chóng đứng trong top đầu nhà chế tạo hàng đầu còn ngành vonfram non trẻ của Việt Nam trở thành ‘một thế lực mới’ trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu nguồn quan trọng cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất.
Hơn 10 năm trước, các DN lớn của Việt Nam đã hiện thực hóa chiến lược toàn cầu hóa của mình với một trong những bước đi đầu tiên và mua bán – sáp nhập các DN nước ngoài để gia tăng hiện diện, mở rộng cơ hội và thị phần.
Đi đầu trong xu hướng này phải kể đến Vinamilk, cách đây hơn 10 năm bà Mai Kiều Liên đã chi 10 triệu USD thâu tóm nhà máy sữa Driftwood của Mỹ. Sau vài năm tái cấu trúc, nhà máy sữa có lịch sử tồn tại cả thế kỷ tại Mỹ đã giúp Vinamilk kiếm lợi hơn 100 triệu USD. Driftwood còn là bước đệm để Vinamilk thâm nhập thị trường Mỹ với việc tìm kiếm nguyên liệu và phát triển thị phần.
Ngoài Mỹ, Vinamilk cũng đã mua cổ phần tại Nhà máy Miraka ở New Zealand. Đây là một khoản đầu tư không chỉ để thu về cổ tức mà còn giúp Vinamilk có được nguồn cung cấp bột sữa tốt và ổn định. Vinamilk cũng đã ghi nhận những khoản doanh thu lớn và nguồn nguyên liệu ồn định từ việc đầu tư xây dựng các nhà máy sữa, trang trại bò hữu cơ tại thị trường Campuchia và Lào.
Những câu chuyện thú vị nhất vẫn được nhiều người nhắc đến trong việc tiến ra nước ngoài là việc ông Phạm Đình Nguyên - doanh nhân Việt Nam đã từng nổi danh thế giới khi mua lại một thị trấn nhỏ có tên Bufor ở Mỹ vào năm 2012 với cái giá gần 1 triệu USD. Sau khi trở thành thị trưởng của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, ông Nguyên xúc tiến thành lập Công ty cà phê PhinDeli, đồng thời đổi tên cả thị trấn thành PhinDeli với tham vọng quảng bá, kinh doanh loại cà phê pha phin đặc trưng của Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Mỹ.
Trong khi đó, Tập đoàn Đức Long – Gia Lai vốn được biết đến với kinh doanh vận tải, đồ gỗ và hạ tầng cũng từng mua một công ty linh kiện điện tử ở Hàn Quốc và trong nhiều năm sau, DN quốc tế này đã đóng góp lớn cho hiệu quả kinh doanh của DN Việt.
Mở rộng ‘chiếc bánh’
Sau 10 năm đầu tư mạnh mẽ và kiên trì vào các DN công nghệ nước ngoài, mạng lưới kinh doanh toàn cầu của FPT đã đứng đầu trong cộng đồng DN Việt với sự hiện diện tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, FPT trở thành đối tác quan trọng với hàng trăm tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có trên 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500.
Thực tế, ngay sau thương vụ mua bán - sáp nhập, RWE đã trở thành khách hàng lớn nhất của FPT Software tại thị trường châu Âu với hợp đồng trị giá nhiều chục triệu USD trong vòng 5 năm. Đây như là bàn đạp mở đầu cho chiến lược toàn cầu hoá của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Đại diện FPT nhận định, "các thương vụ mua bán sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT và góp phần hoàn thành mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài vào cuối năm 2023, Top 50 công ty công nghệ toàn cầu năm 2030".
Nắm trong tay H.C. Starck, ngoài hệ thống sản xuất kinh doanh ở Đức – Trung Quốc – Mexico, DN Việt cũng sở hữu 105 bằng sáng chế là nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao. Với việc chủ động nguồn cung oxit vonfram (APT) sơ cấp ổn định với giá thành thấp tại Việt Nam, sự kết hợp với năng lực tinh chế của H.C. Starck GmbH sẽ giúp Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vươn lên cạnh tranh toàn cầu.
Có thể nói, với cú thâu tóm này Masan đang tham vọng mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD. Masan trở thanh một tay chơi mới đầy tiềm lực trên thị trường vonfram và đang tham vọng bước vào ngành tái chế kim loại quan trọng này trên phạm vi toàn cầu do người Việt nắm giữ
Với Vinamilk, nhiều năm sau cú M&A đầu tiên trên thị trường quốc tế, DN này vẫn không từ bỏ cơ hội khi coi M&A là bước đi nhanh để tăng quy mô, hiệu quả và đưa thương hiệu lên tầm cỡ quốc tế. Sữa Việt giờ đã có mặt ở những thị trường khó tính như Mỹ hay đông dân nhất thế giới là Trung Quốc.
Từ trước đến nay, câu chuyện thâu tóm DN dường như chỉ 1 chiều khi các tập đoàn ngoại mua đứt các DN Việt. Nhưng tình thế đã thay đổi khi các DN Việt đang đi ngược, tìm kiếm những cơ hội M&A để đi nhanh và lớn nhanh.
Quá trình DN Việt thâu tóm đối tác ngoại nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh và quy mô của DN và uy tín thương hiệu Việt với 2 hướng chính: thâu tóm đối tác nắm giữ công nghệ hiện đại hoặc đối tác giúp mở rộng thị trường nhanh chóng. Đặc biệt, bước ra nước ngoài qua con đường M&A sẽ giúp DN có thêm không gian phát triển khi thị trường nội địa đã cận quy mô và cạnh tranh ngày càng gay gắy gắt.
Ghi nhận trong khoảng 10 năm gần đây, các thương vụ mua bán giúp DN Việt có những bước tiến rất nhanh, quy mô DN tăng mạnh và DN làm chủ những công nghệ tiên tiến.Việc thâu tóm DN nước ngoài giúp DN Việt nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu một cách rõ rệt. Thương hiệu được nhận biết tốt hơn. Đồng thời, M&A giúp DN Việt khép kín chuỗi giá trị sản phẩm để cạnh tranh quốc tế
Các chuyên gia từ Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những thương vụ M&A DN ngoại giúp DN Việt mở rộng tầm nhìn, nâng tầm DN. Đây cũng là hướng mà nhiều DN của nhiều nước đã thành công như tại Trung Quốc. Làn sóng thâu tóm trong hơn thập kỷ qua giúp Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ về công nghệ và giúp Bắc Kinh có cơ hội giành vị thế dẫn đầu thế giới trong lĩnh công nghệ cao, với chiến lược "Made in China 2025".
Nói về triển vọng của xu hướng này, tại Diễn đàn M&A mới đây, các chuyên gia có chung nhận định, Việt Nam đã ký kết một loạt các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định mới như: Việt Nam – EU, Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay CTTPP… Theo đó, độ mở của nền kinh tế Việt rất cao với sức ép lớn các DN ngoại thâm nhập thị trường Việt nhưng đồng thời sẽ mở ra cơ hội để hiếm có để các DN Việt mở rộng và phát triển bùng nổ không chỉ trong nước mà quốc tế. Và 1 lần nữa, việc thâu tóm DN nước ngoài sở hữu công nghệ tốt, đồng thời “đánh” vào những thị trường khó tính nhất.
Việc đại gia Việt đi ngược thâu tóm tập đoàn ngoại được xem là một xu hướng tích cực. Tuy nhiên, cũng đã có những bài học thất bại của Yeah1 sau thương vụ thâu tóm ScaleLab LLC của Mỹ hay các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thủ Đức House… như những lời cảnh báo.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn