Doanh nghiệp Việt sở hữu thương hiệu sữa đậu nành có doanh thu 29 tỷ mỗi ngày: Cổ đông sắp trúng đậm
Đó là CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS), công ty mẹ của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) – nổi tiếng với thương hiệu Fami. Ngoài Vinasoy, CTCP Đường Quảng Ngãi còn có nhiều đơn vị thành viên hoạt động trong những mảng khác nhau, chẳng hạn Nhà máy bia Dung Quất, Nhà máy bánh kẹo Biscafun, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích…
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 mới được CTCP Đường Quảng Ngãi công bố, công ty này có kế hoạch chia cổ tức năm lãi kỷ lục (2023) với tỷ lệ 40%, tức là mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 4.000 đồng.Đây chính là mức trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất trong vòng 10 năm qua của CTCP Đường Quảng Ngãi.
Trước đó, CTCP Đường Quảng Ngãi đã có 2 đợt tạm ứng cổ tức, với tổng tỷ lệ là 20%. Theo kế hoạch, đến ngày 17/4, doanh nghiệp này sẽ chốt danh sách các cổ đông để thanh toán 20% còn lại, tương ứng với việc bỏ ra số tiền là 714 tỷ đồng.
- Trên thực tế, với gần 356 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty mẹ của Vinasoy sẽ phải chi tới 1.428 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông.
Doanh thu gần 29 tỷ đồng/ngày
Doanh thu thuần | Lợi nhuận sau thuế | |
---|---|---|
Năm 2018 | 8031 | 1240 |
Năm 2019 | 7681 | 1292 |
Năm 2020 | 6213 | 1104 |
Năm 2021 | 7335 | 1254 |
Năm 2022 | 8255 | 1287 |
Năm 2023 | 10516 | 2183 |
Kết quả kinh doanh của CTCP Đường Quảng Ngãi từ năm 2018 - 2023 (theo BCTC). Biểu đồ: MH
Khép lại năm 2023, CTCP Đường Quảng Ngãi có doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều ở mức cao kỷ lục. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận của doanh nghiệp này lần lượt đạt 10.516 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2022) và 2.183 tỷ đồng (tăng 70% so với năm 2022). Với doanh thu "khổng lồ", có nghĩa là CTCP Đường Quảng Ngãi thu về gần 29 tỷ đồng/ngày. Kết quả khởi sắc này giúp công ty vượt 19% về chỉ tiêu doanh thu và 117% mục tiêu lợi nhuận năm.
Theo đại diện ban lãnh đạo doanh nghiệp, dù nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng sức mua vẫn còn chưa phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, sản lượng tiêu thụ những sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia… vẫn giảm. Thế nhưng, nhờ có nỗ lực kiểm soát về chi phí nên lợi nhuận của những sản phẩm này vẫn giữ được ở mức xấp xỉ so với cùng kỳ của năm trước.
Mặc dù có kết quả kinh doanh đạt thành tích kỷ lục trong năm 2023, nhưng CTCP Đường Quảng Ngãi lại tương đối thận trọng khi đặt mục tiêu trong năm 2024. Theo đó, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.341 tỷ đồng, tương ứng với giảm 14% và 39% so với năm 2023.
Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ, HĐQT của CTCP Đường Quảng Ngãi sẽ trình các cổ đông về phương án phát hành hơn 10,7 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng với 3% số lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành. Giá phát hành sẽ được xác định dựa vào giá trị sổ sách vào thời điểm cuối năm 2023.
Theo thông báo của Đường Quảng Ngãi, tổng số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu dự kiến sẽ bổ dung vào vốn lưu động nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, nếu phát hành cổ phiếu thành công, vốn điều lệ của công ty này cũng tăng từ 3,569 tỷ đồng lên tới 3,676 tỷ đồng.
Từ khi lên sàn chứng khoán (năm 2016) đến nay, CTCP Đường Quảng Ngãi mới thực hiện 1 đợt phát hành cổ phiếu ESOP duy nhất vào giữa năm 2019, với khối lượng 5,85 triệu đơn vị.
CTCP Đường Quảng Ngãi xuất phát từ một Nhà máy Đường do Nhật Bản xây dựng trước năm 1975. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty Đường Quảng Ngãi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Từ ngày 1/1/2006, Đường Quảng Ngãi được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang CTCP.
Đường Quảng Ngãi hiện là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp thực phẩm và đồ uống. Các sản phẩm chính của công ty hiện nay là: Đường mía, sữa đậu nành, nước khoáng, bia, bánh kẹo, giống mía....
CTCP Đường Quảng Ngãi sở hữu các thương hiệu mạnh như QNS, Vinasoy và các thương hiệu sản phẩm đã có uy tín trên thị trường như Nước khoáng Thạch Bích, Biscafun....
Sau gần 20 năm cổ phần hóa, CTCP Đường Quảng Ngãi là doanh nghiệp hoạt động quy mô lớn, đồng thời là một trong những trung tâm chế biến đường và các sản phẩm sau đường lớn của cả nước. Các sản phẩm của công ty đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước và được xuất khẩu sang các nước trên thế giới như: Nga, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Mỹ… Đơn cử như sữa đậu nành Fami của Vinasoy đã được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...
Minh Hằng
Xem thêm tại cafef.vn