Doanh nghiệp vượt sóng tái cấu trúc
Qua đó, nâng cấp doanh nghiệp, thích ứng với tình hình mới và làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Nhìn lại những kết quả đạt được của năm 2023 đối với cộng đồng doanh nghiệp, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023, với gần 160.000 doanh nghiệp mới, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định: Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong năm chạm mức kỷ lục với gần 160.000 doanh nghiệp. Con số này được coi là ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200.000 doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những chỉ báo quan trọng này cho thấy, sau đại dịch COVID-19, năm 2023 tiếp tục là 1 năm đầy thách thức và tình trạng "sức khoẻ" đáng báo động của nhiều doanh nghiệp. Nhiều chỉ số tăng trưởng âm về giá trị sản xuất công nghiệp như máy móc, thiết bị, khai khoáng, chế biến gỗ, giấy, trang phục hay sản xuất xe có động cơ, các phương tiện vận tải khác...cho thấy những vận lộn thách thức của nhóm ngành này.
Ngoài những nguyên nhân khách quan của kinh tế toàn cầu như bất ổn chính trị, lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia ...đã, đang tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng hàng hoá và dịch vụ xuyên biên giới, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, thì những nút thắt về thể chế, chính sách cho môi trường kinh doanh trong nước cũng là những rào cản, hạn chế sự phát triển.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, cùng với khó khăn của khu vực doanh nghiệp, nền kinh tế cũng đã không duy trì được tốc độ tăng trưởng kỳ vọng. Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm; đầu tư toàn xã hội tăng rất thấp; tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng cũng giảm so với năm 2022...
Do đó, việc củng cố các động lực truyền thống như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng; song song với phát hiện, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới về kinh tế số, thúc đẩy năng suất lao động và tái cấu trúc doanh nghiệp là rất quan trọng. Ông Lực nhấn mạnh, tái cấu trúc doanh nghiệp và cả nền kinh tế đều cần hợp nhất mục tiêu, hướng tới mô hình phát triển xanh - bền vững và bao trùm.
Thích ứng với bối cảnh dòng tiền bị đứt gãy, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp trong nước quyết liệt tái cấu trúc hoạt động để từng bước vượt qua khó khăn, linh hoạt xoay chuyển theo diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phân khúc khách hàng và tập trung hơn cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Hoàn Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kori Beauty - công ty hàng đầu trong việc sản xuất và thương mại thời trang tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh và khó khăn chung của thị trường hiện nay, việc tái cấu trúc và tinh gọn hóa đang trở thành chìa khóa quan trọng để nhanh chóng thích ứng với thị trường.
Doanh nghiệp đang tập trung vào việc loại bỏ quy trình không cần thiết, tối giản hóa tổ chức và tập trung vào các phân khúc thị trường quan trọng. Điều này giúp tăng cường sự linh hoạt, giảm chi phí và đặc biệt là mở rộng khả năng bán hàng. Bằng cách này, doanh nghiệp không chỉ đạt được hiệu quả mà còn mở ra cánh cửa phát triển quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy sự bền vững trong ngành công nghiệp thời trang đang ngày càng cạnh tranh.
Theo ông Hoàn Vũ, việc tái định vị thương hiệu và cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đội ngũ lao động chắc chắn sẽ gia tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp trong năm 2024. Doanh nghiệp kỳ vọng, năm 2024 sẽ là giai đoạn bứt phá và Kori Beauty sẽ nhận về nhiều thành quả xứng đáng.
Ở ngành công nghiệp chế biến gỗ, việc tái cấu trúc cũng là yêu cầu tất yếu. Tại Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Nam Việt Furniture, ông Nguyễn Hoàng Phước, Giám đốc công ty cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện các đơn hàng, đồng thời tích cực xúc tiến tìm kiếm các đơn hàng mới. Để tối ưu hiệu quả và nguồn lực đầu tư, doanh nghiệp đã định hướng lại hoạt động sản xuất, kiểm soát chặt chẽ mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh và lấy đó làm cơ sở phát triển khách hàng mới, đơn hàng mới.
Thời gian này, nhà máy cũng ưu tiên tái cấu trúc dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới để đa dạng hoá sản phẩm, vẫn lấy gỗ làm nguyên liệu chính nhưng gia tăng sự phối hợp với các loại vật liệu khác để tăng tính thẩm mỹ và ứng dụng theo nhu cầu của khách hàng.
Song song đó, Nam Việt cũng có lộ trình hướng tới xanh hóa sản phẩm, tuyển chọn các đối tác đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh, quy trình thân thiện với môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp rất quan tâm đầu tư đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số quy trình thiết kế và sản xuất.
"Thế giới thay đổi, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng cũng đã có nhiều đổi khác. Nếu không kịp chuyển biến và thích ứng, doanh nghiệp sẽ sớm bị loại khỏi vòng đua", ông Phước nhấn mạnh
Doanh nghiệp bước sang năm mới 2024 với nhiều kỳ vọng nền kinh tế sớm tăng trưởng và thành công hơn. Những thách thức hiện hữu dù lớn, dù tác động mạnh nhưng chắc chắn không làm nhụt ý chí vươn lên, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước. Khi niềm tin đủ lớn, nỗ lực đủ nhiều và có đầy đủ sự hậu thuẫn từ Nhà nước, tin rằng, tiến trình phục hồi của doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh và đạt hiệu quả.
Xem thêm tại vietnambiz.vn