Doanh nghiệp xây dựng và cơ điện lạnh phải cấn trừ nợ bằng bất động sản

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là một trong những đơn vị xây dựng phải nhận bất động sản để cấn trừ nợ  	Ảnh: Lê Toàn
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là một trong những đơn vị xây dựng phải nhận bất động sản để cấn trừ nợ     Ảnh: Lê Toàn

Nợ xấu ngành xây dựng tăng khi chủ đầu tư gặp khó về dòng tiền

Việc chủ đầu tư và công ty xây dựng còn gặp nhiều thách thức trong năm 2023 đã gián tiếp ảnh hưởng tới các đơn vị phụ trợ trong chuỗi ngành xây dựng.

Tại Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE), đối với mảng cơ điện lạnh, năm 2023, đơn vị này ghi nhận doanh thu giảm 5,8%, đạt 1.653 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 9 tỷ đồng, giảm 142 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, tổng giá trị hợp đồng ký mới ghi nhận 1.034 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải việc kinh doanh thua lỗ đối với lĩnh vực cơ điện lạnh, Công ty cho biết, nguyên nhân là nợ phải thu cao, gây phát sinh chi phí tài chính và việc trích lập dự phòng nợ xấu lên đến 220 tỷ đồng trong năm đã triệt tiêu toàn bộ lợi nhuận vốn đã rất thấp.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh chia sẻ: “Đối với mảng cơ điện lạnh, năm 2023, làm được bao nhiêu phải dự phòng bấy nhiêu. Tuy nhiên, dự phòng không phải mất đi, mà sẽ thu được sau này nếu hoàn nhập. Bước sang năm 2024, Công ty dự kiến phải dự phòng liên quan tới công nợ quá thời hạn thu hồi. Công ty sẽ làm theo chuẩn mực, thực hiện trích lập đúng quy định”.

Trong bối cảnh các chủ đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, việc công ty xây dựng chuyển công nợ thành bất động sản, thành vốn góp cổ đông được xem là động thái thu hồi tài sản.

Lý giải việc phải trích lập, bà Thanh cho biết thêm: “Khách hàng lĩnh vực cơ điện lạnh đối mặt với khó khăn tài chính, Công ty phải điều chỉnh tiến độ và nguồn lực. Trong đó, liên quan việc mua thiết bị, giá trị thiết bị có thể chiếm tới 1/3 giá trị hợp đồng. Trong trường hợp khách hàng gặp khó khăn tài chính, dự án chậm triển khai, việc Công ty mua thiết bị trước ảnh hưởng tới dòng tiền và tăng tồn kho của Công ty”.

Tương tự, trong năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) tăng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi thêm 503 tỷ đồng, lên 553,3 tỷ đồng (đầu kỳ trích lập 50,3 tỷ đồng). Trong đó, danh sách nợ xấu liên quan các chủ đầu tư, các công ty xây dựng.

Việc tăng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn dẫn tới việc công ty này tiếp tục lỗ thêm 885,29 tỷ đồng trong năm 2023 (cùng kỳ lỗ 578,99 tỷ đồng), nâng lỗ lũy kế lên 168,9 tỷ đồng và bằng 22,9% vốn điều lệ.

Thêm nữa, cũng tại thời điểm ngày 31/12/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận tổng nợ ngắn hạn 5.007 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn ghi nhận 3.981,9 tỷ đồng, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 1.025,1 tỷ đồng. Như vậy, có thể hiểu, công ty này đang sử dụng 1.025,1 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).

Lý giải lo ngại nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, đồng thời dòng tiền để thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC chia sẻ: “Với các khoản nợ ngắn hạn 5.007 tỷ đồng, Công ty hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà cung cấp, ngân hàng và cá nhân bằng việc gia hạn thời gian trả nợ. Đồng thời, Công ty tăng cường dòng tiền thông qua việc đôn đốc, đề xuất những giải pháp tích cực để thu hồi các khoản nợ còn tồn động, giảm/trả nợ các khoản vay/nợ nhà cung cấp”.

Nhận tài sản cấn trừ nợ

Thực tế, trong bối cảnh các chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, việc chậm thu hồi công nợ, buộc các công ty xây dựng thực hiện một số giải pháp khá đặc biệt.

Công ty cổ phần Lizen (mã LCG) vừa thông qua việc chuyển tổng công nợ 122 tỷ đồng mà Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn còn phải thanh toán cho Công ty thành vốn góp tại Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Thêm nữa, Công ty thông qua việc nhận chuyển nhượng 23 căn hộ tại Dự án Toà nhà phức hợp cao tầng, nhà ở chung cư và dịch vụ thương mại khu tái định cư Đê Đông tại Quy Nhơn (Bình Định) do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 làm chủ đầu tư, nguồn tiền chuyển nhượng từ cấn trừ công nợ với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2.

Đồng thời, Lizen thông qua việc chấp thuận mua lại 45% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo LCE Gia Lai với giá trị thanh toán mua lại 75 tỷ đồng và tiếp tục tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại công ty này.

Được biết, trong bối cảnh các chủ đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, việc Lizen chuyển công nợ thành bất động sản, thành vốn góp cổ đông được xem là động thái thu hồi tài sản, giảm ảnh hưởng của việc đối tác không trả được công nợ đúng hạn. Điều này đồng nghĩa, dòng tiền của Công ty bị ảnh hưởng nhất định, do không thu được từ các đối tác như kỳ vọng khi ký hợp đồng.

Tương tự, ngày 23/3/2023 và ngày 3/4/2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) thông qua 3 nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng bất động sản từ chủ đầu tư.

Được biết, năm 2023, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của Công ty đã tăng thêm 417,5 tỷ đồng, lên 2.376,5 tỷ đồng, chủ yếu liên quan trích lập dự phòng phải thu của khách hàng. Ngoài ra, tại thời điểm cuối năm 2023, phải thu ngắn hạn lên tới 10.669,8 tỷ đồng, bằng gần 70% tổng tài sản.

Lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chia sẻ: “Trong năm 2024, bên cạnh việc mở thị trường kinh doanh ra nước ngoài, Công ty có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ phải thu, đặc biệt là nợ phải thu tồn động bằng nhiều biện pháp hiệu quả, bao gồm giải quyết tranh chấp thông qua toà án, trọng tài”.

Có thể thấy, việc nhận bất động sản để cấn trừ nợ trong năm 2023 đang được các công ty xây dựng sử dụng và áp dụng. Tuy nhiên, do thanh khoản thị trường bất động sản chưa cải thiện đáng kể, các công ty xây dựng vẫn còn gặp khó về dòng tiền và chưa biết bao giờ có thể bán được bất động sản vừa nhận để thu về tiền mặt.

Xem thêm tại baodautu.vn