Doanh nghiệp xi măng "đua nhau" báo lỗ

Doanh nghiệp xi măng "đua nhau" báo lỗ - Ảnh 1.

Quý III/2023, các doanh nghiệp xi măng niêm yết đua nhau báo lỗ. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Xi măng Bỉm Sơn lỗ gần 56 tỷ đồng

Đứng đầu danh sách những doanh nghiệp lỗ trong quý III/2023 là Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) với gần 56 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý III, doanh nghiệp mang về hơn 660 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 33% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ sản xuất xi măng, clinker. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp của doanh nghiệp cũng giảm mạnh 55% so với cùng kỳ, xuống còn gần 19 tỷ đồng.

Không chỉ doanh thu giảm mạnh, lãi vay của doanh nghiệp này cũng tăng cao lên gần 12 tỷ đồng, tương đương với tăng 36% so với cùng kỳ, điều này khiến BCCI có thêm quý thứ 5 liên tiếp nối dài chuỗi lỗ. Lũy kế 9 tháng năm 2023, BCC lỗ ròng gần 108 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 94 tỷ đồng.

Vicem Bút Sơn lỗ gần 32 tỷ đồng

Đứng thứ hai là Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS), với mức lỗ gần 32 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu thuần của BTS trong quý III ghi nhận đạt 545 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp của doanh nghiệp chỉ còn hơn 20 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 64% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng giảm mạnh hơn 93% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn gần 15 triệu đồng, trong khi đó, chi phí cho hoạt động này trong kỳ của doanh nghiệp lại tăng mạnh lên gấp đôi so với cùng kỳ, lên gần 25 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là lãi vay với hơn 20,5 tỷ đồng.

Mặc dù doanh nghiệp đã cắt giảm được một phần chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng cũng không thể thoát lỗ. BTS cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý III này là do sản lượng tiêu thụ xi măng giảm mạnh hơn 94.817 tấn so với cùng kỳ năm trước, khiến doanh thu thuần giảm mạnh. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng cao cũng “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BTS mang về hơn 1.887 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 64 tỷ đồng, cùng kỳ doanh nghiệp lãi hơn 55 tỷ đồng.

Xi măng Hoàng Mai lỗ 26 tỷ đồng

Công ty CP Xi măng Hoàng Mai (HNX: HOM) cũng lỗ hơn 26 tỷ đồng. Trong quý III, doanh nghiệp mang về 461 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn lại tăng, khiến lãi gộp của doanh nghiệp mỏng đi, chỉ còn hơn 47,5 tỷ đồng, giảm gần 48% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp giảm gần một nửa, xuống còn hơn 1 tỷ đồng, trong khi đó chi phi cho hoạt động này cũng tăng lên hơn 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng cắt giảm được một phần chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng kết quả vẫn lỗ. Quý III ghi nhận quý lỗ nặng nhất của doanh nghiệp ngành xi măng này kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ năm 2009.

HOM cho biết, do nhu cầu tiêu thụ giảm và lượng tồn bãi clinker đầu quý lớn, để tránh sản xuất tồn bãi gây suy giảm chất lượng sản phẩm, nên doanh nghiệp đã phải dừng lò chủ động trong tháng 7 và giảm năng suất lò làm sản lượng clinker sản xuất trong quý III giảm 133 ngàn tấn so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, giá thu về bình quân xi măng nội địa quý III, giá thu về clinker cũng như giá bán xi măng xuất khẩu trong quý III đồng loạt giảm đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sâu.

Loạt doanh nghiệp Xi măng khác cũng “đua nhau” báo lỗ

Ngoài những doanh nghiệp có mức lỗ lớn trên, hầu hết các doanh nghiệp còn lại của ngành xi măng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán khác cũng có kết quả kinh doanh thua lỗ từ vài tỷ đồng đến hơn chục tỷ đồng.

Có thể dẫn ra các trường hợp của Công ty CP Xi măng Phú Thọ (UpCOM: PTE) lỗ gần 16 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Vincem Hải Vân (HoSE: HVX) lỗ gần 16 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (HoSE: HT1) cũng có kết quả kinh doanh thua lỗ hơn 10 tỷ đồng trong quý III; Công ty CP Xi măng Quán Triều (UpCOM: CQT) lỗ hơn 7 tỷ đồng...

Kết quả kinh doanh ảm đạm này của các doanh nghiệp ngành xi măng trong quý III/2023 không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư, khi quý III là thời thấp điểm về tiêu thụ xi măng do vào mùa mưa. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi, nên nhu cầu xây dựng theo đó cũng sụt giảm mạnh.

Xem thêm tại cafef.vn