Doanh nghiệp xoay xở khơi thông áp lực dòng tiền

Những khó khăn phải đối mặt

Theo các chuyên gia, năm 2024, những khó khăn của nền kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài. Bên cạnh những vấn đề nội tại của nền kinh tế, tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ vẫn có khả năng tiếp diễn và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Báo cáo khảo sát doanh nghiệp của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây cho thấy, năm 2024, bức tranh tổng thể, sắc xám vẫn đang bao phủ và chưa thể loại bỏ một sớm một chiều do kinh tế thế giới dù không suy thoái nhưng tăng trưởng chậm lại, hay thương mại quốc tế giảm động lực tăng trưởng. Đặc biệt, áp lực về đáo hạn các khoản trái phiếu trong năm 2024 vẫn còn rất lớn. Tổng giá trị đáo hạn lên tới gần 279.219 tỷ đồng, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41,4%. Điều này có thể làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp, tạo sức ép tài chính và ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu cũng như các kế hoạch của doanh nghiệp.

Vấn đề tiếp cận nguồn vốn cũng là trở ngại mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tháng 1/2024 cho thấy, doanh nghiệp đang kiệt sức là sự thật. Dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc, song khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo ngại.

Tại TPHCM, qua khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng. Vì vậy, HUBA kiến nghị, ngân hàng nên xem xét về tỷ lệ thế chấp, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Võ Minh Hậu, Giám đốc Công ty May mặc Thanh Hoa (TP Thủ Đức) cho biết, Công ty đang có ý định đóng cửa nhà xưởng vì thiếu vốn. Hai năm liền, doanh nghiệp không có đơn hàng nhưng vẫn cầm cự, vay mượn ngân hàng trả lương công nhân. Công ty xoay vòng thanh toán với ngân hàng để tránh nợ xấu, nay có đơn hàng trở lại nhưng lại thiếu vốn. Hiện doanh nghiệp muốn vay thêm nhưng ngân hàng lắc đầu vì nợ cũ vẫn còn, không còn tài sản thế chấp…

Doanh nghiệp lạc quan

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, các chuyên gia cũng chỉ ra điểm tích cực của nền kinh tế khi các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô đang được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung cao độ.

Song song đó là mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đã phần nào cải thiện. Sự lạc quan của doanh nghiệp có thể tạo ra một chu trình tích cực, đi kèm với một tinh thần sẵn lòng đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống, thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh khó khăn.

Theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, dù còn đối mặt với khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn, nhưng nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực xóa dần hoặc toàn bộ dư nợ trái phiếu với mong muốn làm sạch bảng cân đối tài chính trước khi đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp như hiện nay.

Đơn cử, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đã hoàn tất việc chào bán hơn 101 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị vốn huy động được là hơn 1.220 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 6.207 tỷ đồng lên hơn 7.224 tỷ đồng. Với số tiền huy động được, Đất Xanh dùng 210,5 tỷ đồng bổ sung vốn cho Công ty cổ phần Hội An Invest để thanh toán nợ trái phiếu, 688 tỷ đồng bổ sung vốn cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Hà Thuận Hùng để thanh toán nợ vay tổ chức tín dụng; 220 tỷ đồng thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Công ty Bất động sản Hà An (đây là các thành viên trong hệ sinh thái Đất Xanh). Với gần 102 tỷ đồng còn lại, Đất Xanh dùng để thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước cũng như chi phí hoạt động của Tập đoàn.

Tương tự, đầu tháng 1/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova - Novaland công bố phương án phát hành thêm 1,37 tỷ cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động (ESOP) năm 2022 và 2023. Về cổ phiếu riêng lẻ, Novaland sẽ chào bán tối đa 200 triệu cổ phiếu cho không quá 5 nhà đầu tư chuyên nghiệp và bị hạn chế giao dịch 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Với cổ đông hiện hữu, Novaland sẽ phát hành tối đa 1,17 tỷ cổ phiếu và không bị hạn chế giao dịch.

Số tiền thu được, Novaland sẽ góp thêm vốn vào các công ty thành viên để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn, đồng thời ưu tiên thanh toán lương cho cán bộ công nhân viên. Nếu thực hiện thành công, Novaland dự kiến thu về khoảng 500 triệu USD.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn